| Hotline: 0983.970.780

Thâm nhập cơ sở chữa bệnh bằng cách nhịn ăn tại Hà Nội: Dấu hiệu làm ngơ của cán bộ quản lý

Thứ Năm 14/11/2024 , 08:38 (GMT+7)

UBND quận Nam Từ Liêm đã lập đoàn kiểm tra liên ngành ngày 29/10/2024 nhưng khi phóng viên quay trở lại và vẫn ghi nhận có bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở này...

Mặt trước cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý có địa chỉ tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thiên Trường.

Mặt trước cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý có địa chỉ tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Thiên Trường.

Chỉ là hoạt động đối phó?

Theo nội dung văn bản số 3857/UBND-YT của UBND quận Nam Từ Liêm do bà Đỗ Thị Thuý Hà - Phó Chủ tịch UBND quận ký về việc xác minh thông tin phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam đối với cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức kiểm tra vào ngày 29/10/2024 tại cơ sở này.

Văn bản số 3857/UBND-YT của UBND quận Nam Từ Liêm về việc xác minh thông tin phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam đối với cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý.

Văn bản số 3857/UBND-YT của UBND quận Nam Từ Liêm về việc xác minh thông tin phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam đối với cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý.

Tuy nhiên, báo cáo kiểm tra lại khác xa những gì báo chí phản ánh. Đoàn kiểm tra kết luận rằng, đối với hoạt động chữa bệnh bằng phương pháp "tiết thực", tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Thiên Ý không có khách hàng sử dụng dịch vụ này, cơ sở chỉ có các đệm nằm tại tầng 2 và tầng 3, không có dụng cụ trang thiết bị y tế, và chỉ có một khách hàng sử dụng dịch vụ xoa bóp lưng, vai, gáy tại tầng 1.

Đoàn kiểm tra cho biết, cơ sở lưu giữ 12 bản cam kết của khách hàng với nội dung "làm sạch cơ thể, tiết thực để tăng cường sức khỏe cho bản thân" (các khách hàng không còn tại cơ sở), ngoài ra không có hồ sơ hay tài liệu gì khác.

Nhiều người bệnh tham gia 'tiết thực' tại cơ sở Thiên Ý như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trước đó. Ảnh: Thiên Trường.

Nhiều người bệnh tham gia "tiết thực" tại cơ sở Thiên Ý như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trước đó. Ảnh: Thiên Trường.

Bên cạnh đó, với những nội dung quảng cáo trên trang Tiktok tài khoản “QUANGCHUNG@977-399-888&” và “chungngoquang8” có các video chia sẻ về hoạt động “tiết thực”. Báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, chủ nhân của trang Tiktok chỉ là người quen của ông Đỗ Mạnh Dũng, không có mặt tại cơ sở ở thời điểm kiểm tra, không phải người đang làm việc tại cơ sở.

Thế nhưng như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, chủ tài khoản Tiktok trên là ông Ngô Quang Chung (hiện là Bí thư Chi bộ thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) - người quảng cáo và giới thiệu các khoá học tiết thực 3 ngày 2 đêm tại Thạch Thất (Hà Nội) và 9 ngày 8 đêm tại Bình Dương.

Trong đó, đối với khoá học tại Thạch Thất, người bệnh sau khi tham gia sẽ được ông Chung giới thiệu tiếp tục tham gia kỳ tiết thực chuyên sâu tại cơ sở của mình ở Nam Từ Liêm (cơ sở Thiên Ý).

Điều này cho thấy một chiến lược kết nối rõ ràng giữa các hoạt động về mở khoá học tại Thạch Thất và sau đó là thực hành chuyên sâu tại cơ sở Thiên Ý, với mục tiêu cuối cùng là đưa người bệnh về cơ sở của ông Đỗ Mạnh Dũng.

Một video với tiêu đề 'Thăm học viên tiết thực tại trung tâm Nam Từ Liêm, Hà Nội' được đăng tải trước đó với sự xuất hiện của ông Ngô Quang Chung tại cơ sở Thiên Ý. Ảnh chụp màn hình.

Một video với tiêu đề "Thăm học viên tiết thực tại trung tâm Nam Từ Liêm, Hà Nội" được đăng tải trước đó với sự xuất hiện của ông Ngô Quang Chung tại cơ sở Thiên Ý. Ảnh chụp màn hình.

Báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm còn cho biết, ông Đỗ Mạnh Dũng, chủ cơ sở Thiên Ý đã nhận thức được phương pháp “làm sạch cơ thể, tiết thực để tăng cường sức khoẻ cho bản thân” chưa có cơ sở khoa học chứng minh hiệu quả. Trong đăng ký kinh doanh của cơ sở không có ngành nghề dịch vụ đó.

Ông Đỗ Mạnh Dũng đã viết bản cam kết chấm dứt ngay việc giới thiệu hướng dẫn khách hàng thực hiện dịch vụ “làm sạch cơ thể, tiết thực để tăng cường sức khoẻ cho bản thân”, cam kết cơ sở sẽ không thực hiện dịch vụ ngành nghề ngoài phạm vi trong đăng ký kinh doanh đã được cấp. Đồng thời, liên lạc đề nghị chủ nhân trang Tiktok đăng các video kể trên thực hiện tháo gỡ ngay các video liên quan đến cơ sở của ông Đỗ Mạnh Dũng.

Mặt sau của cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý, đây cũng là lối mà người bệnh tiết thực tại đây ra ngoài đi bộ hay ra phơi nắng. Ảnh: Thiên Trường.

Mặt sau của cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý, đây cũng là lối mà người bệnh tiết thực tại đây ra ngoài đi bộ hay ra phơi nắng. Ảnh: Thiên Trường.

Ai sẽ chịu trách nhiệm khi người dân tiếp tục là nạn nhân?

Cơ sở Thiên Ý, sau nhiều lần bị báo chí phanh phui, phản ánh, cuối cùng đã phải cam kết chấm dứt hoạt động phi pháp. Đây đáng lẽ phải là dấu mốc rõ ràng để xác định trách nhiệm của chủ cơ sở và vai trò quản lý của chính quyền địa phương trong việc giám sát và xử lý nếu các sai phạm vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, những động thái từ chính quyền địa phương lại phơi bày hàng loạt câu hỏi nhức nhối về tính nghiêm túc và sự minh bạch trong công tác quản lý.

Động thái kiểm tra của đoàn liên ngành quận Nam Từ Liêm vào ngày 29/10/2024 đáng lẽ phải là một biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các hoạt động, tiết thực, chữa bệnh không phép, bảo vệ quyền lợi của người dân. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi đoàn kiểm tra rời đi, những ghi nhận của phóng viên cho thấy cơ sở Thiên Ý vẫn ngang nhiên hoạt động với nhiều người bệnh tiếp tục lưu trú và tiết thực để chữa bệnh ngay tại nơi mà đoàn kiểm tra vừa "soi xét". Hình ảnh ấy đặt ra một câu hỏi lớn về tính nghiêm túc và hiệu quả của cuộc kiểm tra này.

Trở lại vào ngày 5/11/2024. phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp cận một người phụ nữ bị xương khớp, người này xác nhận mình đang tiết thực tại cơ sở Thiên Ý được 8 ngày và trong suốt khoảng thời gian đó không hề gặp "cán bộ" nào hỏi thăm. Phải chăng đoàn kiểm tra đã không làm việc chặt chẽ, hoặc cơ sở Thiên Ý đã "dự đoán" trước và dọn dẹp hiện trường khi đón tiếp đoàn?

Ngày 05/11, sau 8 ngày đoàn kiểm tra liên ngành của quận Nam Từ Liêm kiểm tra trực tiếp tại cơ sở Thiên Ý, người phụ nữ trong ảnh chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam rằng bản thân bị bệnh xương khớp, tham gia khoá học tiết thực K31 và đã tiết thực tại cơ sở Thiên Ý được 8 ngày. Ảnh: Thiên Trường.

Ngày 05/11, sau 8 ngày đoàn kiểm tra liên ngành của quận Nam Từ Liêm kiểm tra trực tiếp tại cơ sở Thiên Ý, người phụ nữ trong ảnh chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam rằng bản thân bị bệnh xương khớp, tham gia khoá học tiết thực K31 và đã tiết thực tại cơ sở Thiên Ý được 8 ngày. Ảnh: Thiên Trường.

Tại sao, Đoàn kiểm tra của UBND Quận Nam Từ Liêm không phối hợp với công an phường để xem xét hoạt động lưu trú trong thời gian vài tháng của cơ sở Dưỡng sinh Đông Y Thiên Ý mà chỉ xác định tại thời điểm kiểm tra?

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam từng lưu trú tại cơ sở này như một bệnh nhân, có thông tin dữ liệu, hình ảnh của các bệnh nhân cùng lưu trú nhưng không hề được mời để làm việc cung cấp thông tin với đoàn kiểm tra?

Ông Đỗ Mạnh Dũng (bên phải) chủ hộ kinh doanh.

Ông Đỗ Mạnh Dũng (bên phải) chủ hộ kinh doanh.

Dấu hỏi về mối quan hệ giữa cán bộ quản lý với cơ sở vi phạm

Trong quá trình tìm hiểu vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với hoạt động của cơ sở Thiên Ý, phóng viên đã liên hệ với bà Vũ Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), người trực tiếp được giao nhiệm vụ phối hợp cung cấp thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Nhưng thay vì hợp tác xử lý vi phạm, bà Thu chỉ chú tâm đòi hỏi phóng viên phải xuất trình giấy tờ và không cung cấp được bất kỳ thông tin cụ thể nào về quan điểm của phường trước những phản ánh về hoạt động của cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý.

Điều đáng nói là, trong bối cảnh báo chí đang lên tiếng về dấu hiệu sai phạm của cơ sở Thiên Ý, thay vì lập tức kiểm tra và xử lý triệt để, bà Thu lại “thân mật” chia sẻ thông tin với chủ cơ sở Thiên Ý - người lẽ ra phải bị giám sát, khiến cho quá trình điều tra của báo chí gặp khó khăn và đặt ra nghi vấn về sự vô tư trong cách xử lý của chính quyền.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài phản ánh, ông Đỗ Mạnh Dũng - chủ cơ sở Thiên Ý đã liên hệ với phóng viên để "xin tạo điều kiện tiếp tục làm ăn" và tiết lộ rằng ông có được số điện thoại của phóng viên từ bà Thu. Hành động này của vị Phó Chủ tịch UBND phường không chỉ vi phạm nguyên tắc khách quan trong quản lý, mà còn gián tiếp cung cấp thông tin cho đối tượng đang bị phản ánh. 

Trụ sở UBND phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Thiên Trường.

Trụ sở UBND phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Thiên Trường.

Cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý có số đăng ký kinh doanh 01k8035192 ngày 19/9/2024 (đăng ký thay đổi lần 1 ngày 25/9/2024) do phòng Tài chính - Kế hoạch quận Nam Từ Liêm cấp với ngành nghề chính là dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao) do ông Đỗ Mạnh Dũng là chủ hộ kinh doanh.

Cơ sở có 4 người làm việc gồm ông Đỗ Mạnh Dũng, có chứng chỉ đào tạo chăm sóc sức khoẻ cộng đồng (chữa bệnh không dùng thuốc) do trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cấp; ông Nguyễn Quang Định, cử nhân điều dưỡng Đại học Thái Nguyên; ông Trần Văn Hậu, bằng tốt nghiệp Trung cấp Y tế Thái Nguyên; ông Nguyễn Văn Sang, chứng chỉ massage toàn thân do trường Trung cấp Future Việt Nam cấp. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.