| Hotline: 0983.970.780

Bản Đoòng ngút ngàn giữa lòng di sản: [Bài 3] Đói cũng không rời đi

Thứ Năm 21/03/2024 , 09:36 (GMT+7)

Nạn đói và cuộc sống biệt lập khiến Bản Đoòng như vần vũ chuyện đi hay ở. Nhưng rồi mấy chục năm qua, bản vẫn tồn tại ở chỗ ban đầu…

Sau trận lũ kinh hoàng đó, đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Bố Trạch đã băng rừng vào với bản Đoòng để động viên bà con đến nơi ở mới cho an toàn và có điều kiện phát triển. Chúng tôi vào đến bản Đoòng lúc giữa trưa, đi qua một vùng nương rẫy đã bỏ không canh tác. Bản Đoòng hiện ra trước mắt với 9 nóc nhà tranh tre, nứa lá, trong đó 6 nhà có dân đang ở, 3 ngôi nhà bỏ hoang. Ngôi nhà của già làng Nguyễn Sỹ Trắc (còn gọi là già Tòa), nằm ngay đầu bản, có nhiều hộ dân khác đang tập trung tại đây. Họ đến để đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo huyện…

Sống nhờ gạo cứu trợ

Có thể khẳng định ngay là tất cả những hộ đồng bào Vân Kiều đang sống ở bản Đoòng đều là hộ nghèo đói, quá nghèo nữa là khác.

Trong nhiều năm qua, đồng bào đã khai phá đất đai để sản xuất lúa nước, ngô, sắn, đậu...với diện tích khoảng 5 ha. Trong đó, diện tích lúa nước 2 ha, cây hoa màu khoảng 3 ha. Tận dụng dòng suối bên cạnh, dân bản đã tự ngăn đập tạm để đưa nước vào làm lúa nước. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa lũ lại bị nước cuốn trôi, hàng năm đều phải làm lại. Do nhiều hộ đã bỏ đi, sức người còn lại không đủ nên đồng bào không có đủ sức ngăn đập. Vì vậy, phần lớn diện tích trồng lúa nước trước đây bị bỏ hoang. Diện tích canh tác tại thời điểm này chỉ còn lại chừng 2 sào lúa nước, 3 sào ngô, 5 sào sắn...Nhưng tất cả cũng chỉ đang èo uột mọc chen nhau với cỏ dại.

Sau gần 35 năm, bản Đoòng vẫn nằm giữa vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của di sản. Ảnh: T. Phùng.

Sau gần 35 năm, bản Đoòng vẫn nằm giữa vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của di sản. Ảnh: T. Phùng.

Nhìn thấy cảnh đói hiện ra trước mắt, già làng Tòa giọng như trầm lại: “Nhà nước phải quan tâm đến chúng tôi, chứ như thế này thì bà con cũng chết đói. Không có ăn thì răng mà đồng bào giữ rừng cho tốt được. Đề nghị phải đầu tư làm đường, làm nhà, hỗ trợ bò cho dân. Nói đường khó đi không làm được, răng nhiều nơi khác người ta làm được, cuộc sống của đồng bào khổ quá thôi”. Ngồi với bà con, cố Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch Nguyễn Hồng Thanh (lúc bấy giờ), ôn tồn: “Xin đồng bào cứ nói rõ nguyện vọng rồi cùng bàn bạc. Đồng bào nói Nhà nước thiếu quan tâm, thay mặt lãnh đạo huyện tôi xin nhận khuyết điểm. Vì đồng bào ở xa quá, cách trở quá nên nhiều lúc huyện quan tâm thiếu kịp thời. Tuy vậy, các chế độ của Nhà nước đều được cấp đúng, cấp đủ. Gạo tết, tiền hỗ trợ tết cũng phát về rồi. Tôi rất chia sẻ bởi cuộc sống của đồng bào quá khó khăn, nhưng đồng bào cũng không đổ hết lỗi cho huyện được, khi đồng bào di cư tự do ra ở đây cũng không báo cho chính quyền địa phương biết để bố trí nơi sinh sống phù hợp”. Già làng Tòa cười rồi bảo: “Có biết chi mô mà báo, đồng bào ở đây lâu rồi mà”.

Để bà con không bị đói, huyện đưa gạo lên cứu trợ. Việc cứu trợ cũng không phải dễ dàng. Ô tô vận chuyển gạo lên đường Hồ Chí MInh nhánh Tây và dỡ xuống ở đó. Huyện Bố Trạch phải huy động lực lượng bộ đội, bộ đội biên phòng để hành quân mang ba lô trên lưng đựng đầy gạo vượt suối, băng rừng đưa đến tận bản cho bà con dân bản. Tính ra, mỗi cân gạo đến cho bà con là trị giá đã tăng gấp lên hơn chục lần vì chi phí quá cao. Sau này, khi bà con ổn định thì khi đưa gạo, thực phẩm lên chỉ cần một tổ công tác vượt rừng vào báo tin là bà con cũng theo ra để gùi gạo về.

Dùng dằng bản Đoòng…

Cái khó ở đây được xác định là khi bà con di cư đến và định cư ở rừng này thì Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chưa phải là di sản Thiên nhiên thế giới. Khi được công nhận di sản thì bản Đoòng được chấm vào tọa độ nằm ở vùng lõi của Vườn, nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt và không được tác động vào thiên nhiên. Lãnh đạo Vườn cũng đã giải thích cho bà con rõ là đồng bào ở biệt lập trong này làm sao mà đầu tư được. Mở đường vào ngay giữa vùng lõi Vườn quốc gia không ai cho phép, như vậy là vi phạm. Hoặc ví dụ có cho phép đi nữa thì số tiền đầu tư cũng quá lớn.

Những nương ngô, rẫy sắn không thể ổn định được cho cuộc sống của bà con giữa núi rừng. Ảnh: T. Phùng.

Những nương ngô, rẫy sắn không thể ổn định được cho cuộc sống của bà con giữa núi rừng. Ảnh: T. Phùng.

Nghe vậy, già làng Tòa đề nghị: “Nếu vậy cho đồng bào đi ở chỗ khác để thuận lợi cho sản xuất, chăn nuôi, trao đổi hàng hoá. Ở đây nuôi bò, trồng cây ra cũng không biết bán cho ai. Tui đi xem rồi, không cho ở Km14 thì cho đồng bào ra ở Khe Ván, Khe Phèn, Khe Ve, Hang Va, So Đũa... đều được cả”.

Ông Nguyễn Văn Huyên (lúc đó là Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), nói ngay: “Ở các vùng đó đều không được vì  trong vùng lõi thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng di sản không cho phép lập bản. Hơn nữa, địa thế những nơi đó cũng không thuận lợi cho đồng bào ở, không có đất sản xuất, đồng bào ra đó lại khó khăn, lại không có cái ăn”.

Ông Nguyễn Hồng Thanh hỏi: “Vậy đưa đồng bào ra ở Rào Con (xã Sơn Trạch) hoặc bản 39 (A Rem - Tân Trạch), Khe Ngát (nông trường Việt Trung) có được không? Ở đó thì Nhà nước mới có điều kiện quan tâm đầu tư cho đồng bào, và đồng bào cũng có điều kiện mà học hành, khám chữa bệnh”. Khi  Bí thư huyện ủy vừa dứt lới, già làng Tòa và các con ông bà cùng đại diện các hộ khác đã ồn ào lên: “Không ở Rào Con, không ở A Rem, nếu vậy đồng bào ở lại đây, xin Nhà nước đầu tư đường sá, nhà, đập nước”.

Cuộc trao đổi giữa lãnh đạo huyện Bố Trạch với người dân bản Đoòng mới tạm thời đi đến kết luận: Trước mắt, do chưa thống nhất được vị trí chuyển bản nên người dân bản Đoòng tạm thời định cư ở chỗ cũ. Về phía chính quyền địa phương giúp đồng bào ổn định cuộc sống, huyện sẽ kịp thời cấp một số gạo và có kế hoạch để hỗ trợ sản xuất và đời sống cho dân bản. Nghiên cứu các đề xuất của bà con về làm đường ống dẫn nước, làm đập dâng lấy nước sản xuất lúa và một số đề xuất khác như: làm trường, y tế... UBND huyện sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để tiến hành các thủ tục công nhận bản Đoòng là đơn vị hành chính thuộc xã Tân Trạch và tổ chức bộ máy quản lý bản. Về phía bà con bản Đoòng cũng đã cam kết không phá rừng, không phát nương rẫy mới, không tự ý chuyển đi nơi khác sinh sống.

Cuộc sống hang ngày của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: T. Phùng.

Cuộc sống hang ngày của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: T. Phùng.

 Bản Đoòng vẫn cứ tồn tại ở đó, người dân lại bữa đói, bữa no. Có những lúc đói quá, già làng kêu mấy người khỏe băng rừng về xã, huyện xin gạo về cho bà con. Do mưu sinh trong sự khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhiều hộ đồng bào Vân Kiều ở bản Đoòng lại rủ nhau về lại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Có thời điểm, bản Đoòng chỉ còn lại có 6 hộ dân với 31 nhân khẩu.

Có lần, người dân bản Đoòng kéo nhau ra làm lán bằng bạt, bằng lá rừng và chuẩn bị tổ chức cúng lễ thổ thần tại Km14, đường 20 Quyết Thắng, nhằm mục đích chuyển dân bản ra đây ở. Vì đây cũng là vị trí vùng lõi, không thể lập bản mới nên lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng  đã thuyết phục, vận động và yêu cầu bà con tháo dỡ lán, trở về bản. Lực lượng của Vườn lại thêm nhiệm vụ mới, đó là theo sát bà con để họ không chuyển bản tự do đi nơi khác, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên của di sản.

Trẻ em bản Đoòng đã biết giúp bố mẹ kiếm củi và bó củi cao quá đầu người. Ảnh: T. Phùng.

Trẻ em bản Đoòng đã biết giúp bố mẹ kiếm củi và bó củi cao quá đầu người. Ảnh: T. Phùng.

Có những năm, huyện Bố Trạch hỗ trợ cho bà con bản Đoòng 11 con bò để phát triển chăn nuôi cho dân bản. Đến nay không tính số bò đã được các hộ dân dắt theo khi bỏ bản ra đi, toàn bản còn lại ít con bò còi cọc, không phát triển được. Đi quanh một vòng bản Đoòng, tuyệt nhiên không thấy bà con nuôi một con lợn hay gà, vịt gì.

Do ở nơi hẻo lánh, xa trung tâm xã và huyện, cơ sở y tế không có nên việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào chưa được quan tâm. Cũng chính vì vậy mà những năm qua, bản có nhiều người ốm nặng và chết, trong đó có 3 trẻ em. Các căn bệnh mà đồng bào thường gặp phải là đau bụng và sốt rét. Khi được tin báo, cán bộ y tế vượt dốc vào hỗ trợ với thời gian dài thì dịch bệnh mới hết.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm