| Hotline: 0983.970.780

Bản Đoòng ngút ngàn giữa lòng di sản: [Bài 2] Khiêng nhà từ suối về

Thứ Tư 20/03/2024 , 09:15 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Sau lũ lớn, bản Đoòng như trở lại nguyên sơ. Bà con đã tìm thấy nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi về dưới dòng suối nên đã khiêng về dựng lại trên nền đất cũ…

"Mỗi giàng là một con dốc cao, vằn vèo xuyên qua rừng già. Đi hết dốc Ba Giàng là coi như đến bản Đoòng rồi đó", tiếng anh Nguyễn Huệ, người dẫn đường đi trước nói lớn như thông báo với mọi người. Chúng tôi rẽ phải lội bộ xuyên qua con đường rừng hun hút không biết cơ man nào là dốc ngắn, dài, bậc đá để đến với bản Đoòng.

Không biết có phải bởi con đường rừng phải trải qua ba lần vượt dốc mà từ lâu người ta gọi nó là Ba Giàng hay không, nhưng quả thật cứ mỗi lần thở ra lỗ tai và trống ngực dập loạn nhịp để qua được một dốc núi là có người kêu lên: “Giàng ơi”.

Đường vào bản Đoòng băng qua nhiều bãi đá lớn. Ảnh: T. Phùng.

Đường vào bản Đoòng băng qua nhiều bãi đá lớn. Ảnh: T. Phùng.

 Nơi có cuộc sống biệt lập

Nếu nói duy nhất thì cũng chưa hẳn đúng, nhưng bản Đoòng chắc chắn được xếp vào những bản làng không có đường đi đến vì cách đến đây duy nhất chỉ có trèo núi, vượt suối. Đường xá đi lại khó khăn như vậy nên nói đồng bào bản Đoòng sống biệt lập cũng không có gì lạ.

Mỗi lần bà con thiếu đói, mỗi lần, huyện trợ cấp gạo hỗ trợ thì chỉ tập kết được ở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh rồi cử người vào bản báo cho đồng bào ra lấy chứ không tài nào chuyển vô tới nơi được. Cũng vì đi lại khó nên có nhiều lần huyện hỗ trợ gạo, muối đồng bào thiếu ăn nhưng vẫn cứ gửi lại ở trạm Kiểm lâm, lúc nào tiện mới lấy được.

Ngay từ con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rẽ xuống nhìn cứ thấy sâu hun hút, chỉ nghe gió thổi ù ù qua ngọn cây tựa như tiếng thác nước đổ. Đây là con dốc dài, dựng đứng đầu tiên thử thách những ai muốn vào với bản Đoòng. “Lên dốc thì thở bằng tai, xuống dốc thì nín thở”, anh Huệ bảo vậy.

Đúng thật là nín thở để gồng mình trụ hai chân cho vững, mắt nhìn thật nhanh và tay phải thoăn thoắt bám cây, bám dây rừng mà trượt dốc. Hai chân cứ như bị chậm nhịp vì thân người cứ theo quán tính đổ nhào về phía trước. Nhiều người trượt chân, cả người và ba lô trên lưng cứ lăn tròn lọt thỏm vào bụi cây rậm để lại tiếng thất thanh: “ôi trời ơi”…

Vượt qua mấy con suối nguy hiểm mới đến được. Ảnh: T. Đức.

Vượt qua mấy con suối nguy hiểm mới đến được. Ảnh: T. Đức.

Có khi con đường lại vắt ngược trườn qua bãi đá. Những tảng đá lớn hơn con voi như muốn chặn lối đi. Phải trèo qua nó với đôi chân đã mỏi run lẩy bẩy. Nhưng khi trèo lên được tảng đá, ngồi nghỉ lấy sức hay thả mình nằm dài lên đó mà nhắm mắt nghe gió thổi cũng thật chẳng phí sức chút nào. Hết bãi đá, con đường lại băng qua con suối rộng, nước chảy ồ ồ cuốn bọt trắng phủ lên những tảng đá nằm la liệt giữa dòng. Phía bên kia suối, ngay trước mắt là một gốc cây cổ thụ, lớn đến vài người ôm, thân cây đứng sừng sững giữa khoảng trời rộng. Quanh thân cây, còn nguyên lại những vòng dây mây quấn đều đặn. Anh Huệ giải thích: ‘Đó là dấu còn lại khi bà con ăn ong rừng. Trên ngọn cây này có nhiều tổ ong mật lắm. Đến mùa, bà con chặt dây mây về, đánh vòng qua thân cây buộc chặt lại để làm bậc trèo lên. Cứ lên đến đâu lại vòng dây mây đến đó, rồi theo vòng dây mây trèo dần lên đến ngọn cây mà hun khói, lấy tổ ong thôi”.

Sau gần buổi sáng đánh vật với mấy con dốc, đến khe Máy Bay chúng tôi rẽ phải và lội men theo con khe cạn nước để cắt đường vào bản. Rừng nguyên sinh đang đẫm ướt vào buổi sáng với thảm thực vật dày. Lũ sên, vắt đung đưa vòi huơ theo bước chân người và bắn đuổi theo.

Anh Hoàng Xuân Huệ, cán bộ Kiểm lâm Vườn góp chuyện, không phải chỉ riêng đồng bào khổ vì đường xá thế này đâu, do có người dân sinh sống trong vùng lõi của Vườn nên công tác bảo vệ rừng cũng gian khó lắm. Có lần, nhận được tin báo có người dân bắt được một con rùa vàng rồi đưa đi bán, chúng tôi cử anh em mai phục mấy chốt mà vẫn chưa gặp được. “Sau đó phải nhiều lần ra, vào mới giữ lại được để thả vào rừng”- anh Huệ nói.

Ngôi nhà của dân bản bị lũ cuốn trôi. Ảnh: T. Phùng.

Ngôi nhà của dân bản bị lũ cuốn trôi. Ảnh: T. Phùng.

Trận lũ kinh hoàng giữa rừng núi thẳm

Năm đó, một trận lũ quét kinh hoàng đã tràn qua bản Đoòng. Mưa lớn đổ xuống cả tuần. Ở rừng mà mưa lớn thì cũng thường thôi mà. Nhưng khi trời sẩm tối, già Tòa nghe trong lòng rộn nóng không yên, lại thêm có tiếng sấm đất ì ầm từ đâu vọng về. “Chắc có biến rồi đây”- nghĩ vậy nên già Tòa chụp cái áo mưa lên đầu, lần mò đi đến các nhà kêu lớn: “Hời hơi, chuẩn bị chạy lên núi đi thôi. Gấp lên thôi. Lũ nó sắp chạy lớn qua đây đó”.

Vài giờ sau, nghe tiếng thác nước đổ réo kinh hoàng. Tiếng chó sủa, lợn eng éc như xé toác mưa. Cả bản rung rùng bồng bế nhau chạy lên dốc, lên núi. Người địu con đang ngủ, kẻ vác thêm bao thóc trên lưng, người ôm vội mớ chăn chiếu… Có người quýnh quáng chạy ngã dúi dụi trong tiếng nước réo.

Toàn bộ dân bản chạy được lên núi cao, để lại sau lưng tiếng gầm réo của cơn lũ. Anh Chiều vướng gọi mấy con chó săn nên chậm chân chạy sau. Người ròng ròng nước mưa, anh hổn hển: “Kinh lắm. Tui chạy đến mô là nước lũ đuổi theo đến đó. May mà chồm lên núi được cành cây duối mà đu người lên kịp chớ không thì lũ nó ăn đi luôn rồi”. Trong ánh chớp của sấm sét bủa xuống, người dân bản Đoòng còn nhìn thấy dòng lũ cuồn cuộn chảy qua bản cuốn theo cây rừng, cuốn theo nhà cửa ngụp lặn trong bọt sủi đục ngầu…

Một ngôi nhà duy nhất còn sót lại. Ảnh: T. Phùng.

Một ngôi nhà duy nhất còn sót lại. Ảnh: T. Phùng.

Hôm sau lũ rút, bản Đoòng hiện ra trước mắt với cảnh tan hoang đến nao lòng. Nền nhà chỉ còn lại những lỗ dấu tích của cột nhà cắm xuống đó. Những cục đá kê làm bếp cũng bị cuốn đi một quãng. Mặt đất là những vạt bùn non nhão nhoét…

Trên khoảng đất rộng chỉ có một ngôi nhà sàn vừa được dựng lại. Kế sát nhau là hai ngôi nhà lều bạt được dựng vội. Thấy có người lạ vào, đám trẻ trố mắt nhìn rồi ù chạy ngang qua ngôi lều bạt trống sang nhà khác và vừa hết, vừa nói ríu ríu như chim hót… Già làng Tòa đón chúng tôi trong căn nhà bạt, giọng ông chùng xuống: “Cả mấy ngôi nhà trôi hết về dưới suối rồi. Trôi hôm lũ đó. May mà Hội Chữ thập đỏ huyện cứu trợ kịp thời cho hai nhà bạt để che tạm cho mấy nhà ở chung”.

May mắn đầu tiên có lẽ dành cho vợ chồng Nguyễn Văn Chiều. Ngôi nhà sàn gỗ bị lũ cuốn trôi cách nền non nữa cây số nhưng ít hư hại. Phải mất mấy ngày huy động hết nhân lực và thuê cả người ngoài vô nữa mới đưa được về chỗ cũ. Tuy được dựng lên, nhưng nhìn ngôi nhà lấm lem, lá lợp bù xù nom cũng cám cảnh. Chiều nói: ‘Rứa đó, còn có chỗ ở là mừng hết trong cái bụng miềng rồi. Mấy nhà khác còn dưới suối không biết khi mô đưa lên được đó”.

Trước đây, ngôi nhà sàn gỗ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Triều được coi là ‘hoành tráng” nhất bản. Nhà làm bằng gỗ tốt và chắc chắn. Hôm lũ xiết trôi nguyên ngôi nhà về “dựng” nghiêng trên vạt ruộng cách nền nhà cũ hơn ba trăm mét. Trừ những lúc lên rừng, còn lại là hai vợ chồng cứ đi vòng quanh ngôi nhà nhặt nhạnh mấy thứ củi, ván. Đi chán, anh Triều lại bệt xuống chân cột nhà nhìn lên bản ước ao: “Phải chi có tiền thuê người ta dựng ngồi nó lại rồi khiêng về bản cho mình mà khó quá. Lo ăn, lo mặc rồi lo kéo nhà về rứa thì sức mình như con gấu cũng đến lúc rớt như say mật ong thôi mà”.

Sau trận lũ, nhiều gia đình ở bản Đoòng phải sống trong cảnh tạm bợ. Ảnh: T. Phùng.

Sau trận lũ, nhiều gia đình ở bản Đoòng phải sống trong cảnh tạm bợ. Ảnh: T. Phùng.

 Già làng Tòa ngồi trên cái đòn kê trong ngôi lán giọng rầu như lá cây chuối úa sát bìa rừng: “Trước đây bản cũng tạm tạm. Có vài chục trâu bò, vài trăm con gà, rồi làm lúa nương, lúa nước, bà con còn ngăn đập lấy nước tưới. Miềng còn sắm được máy tuốt lúa… Nay thì khổ rồi, may có gạo cứu trợ chứ không đói hết người đó chớ. Mà gạo cứu trợ đâu như lá rừng có sẵn bứt về là ăn được…”.

Trước đây, có con suối nhỏ, bà con hè nhau ngăn suối lấy nước dẫn về làm ruộng lúa. Trận lũ phá hết con đập ngăn, bà con không có đủ sức ngăn đập, phần lớn diện tích trồng lúa nước trước đây bị bỏ hoang. Diện tích trồng trọt chỉ còn khoảng 2 sào lúa nước, 3 sào ngô, 5 sào sắn... Rồi tất cả đã bị cơn lũ đưa về trạng thái như buổi nguyên sơ lập bản ban đầu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.