Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ bàn giao đưa vào sử dụng công trình ao chống chịu biến đổi khí hậu và hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).
Công trình ao chống chịu biến đổi khí hậu có dung tích 4.300 m3, của hộ ông Lê Văn Thắng (dân tộc Nùng, thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh) được dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ tỉnh Đắk Lắk (Dự án SACCR Đắk Lắk) hỗ trợ mở rộng để tăng thêm dung tích dự trữ nước.
Dự án nhằm bảo đảm đủ nước tưới 4 đợt cho cà phê trong mùa khô 2023-2024 (trước đây chỉ tưới được 2 đợt), góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho nông hộ.
Ông Lê Văn Thắng cho biết, gia đình có 5 sào trồng cà phê xen một số cây sầu riêng, bơ. Trước đây, gia đình ông Thắng có một ao nhỏ để chứa nước nhưng hàng năm chỉ đủ tưới cho khoảng 2 đợt trong mùa khô. Do đó, cây trồng trong vườn thường xuyên bị thiếu nước, làm giảm năng suất và giảm thu nhập. Gia đình ông Thắng muốn đào ao, trữ nước cho mùa khô nhưng lại không có điều kiện.
“Rất may gia đình được dự án SACCR hỗ trợ máy móc mở rộng ao, giúp chứa nước nhiều hơn. Dự tính nước trong ao đủ tưới cho 4 đợt trong mùa khô từ đó năng suất cà phê cũng như các loại cây ăn quả chắc chắn sẽ tăng trong những vụ mùa tới.
Ngoài phục vụ cho gia đình, tôi sẽ chia sẻ nguồn nước tưới cho 2 hộ có rẫy kế bên. Ao ngoài lấy nước tưới sẽ được thả cá để có thêm nguồn thu nhập. Nhờ có dự án SACCR mà gia đình mới có đủ nước tưới từ đó phát triển kinh tế”, ông Thắng nói.
Ông Phạm Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án SACCR Đắk Lắk cho biết, dự án được triển khai trên địa bàn 11 xã thuộc 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk, gồm: Ea H’leo, Ea Kar, Krông Pắc và Cư M’gar trong thời gian từ năm 2022-2026.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5 triệu USD, tương đương khoảng 118,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ không hoàn lại là hơn 102 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh là gần 16 tỷ đồng.
Theo ông Nam, mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng của nông hộ nhỏ dễ bị tổn thương đối với tình trạng mất cân đối nguồn nước do biến đổi khí hậu. Đối tượng hưởng lợi của dự án là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và hộ phụ nữ trụ cột.
Qua gần 2 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 34.000 hộ nông dân tại Đắk Lắk thông qua các lớp tập huấn đồng ruộng (FFS) về quản lý đất và sinh khối. Dự án cũng hỗ trợ phân bón cho 1.091 hộ nghèo, cận nghèo thông qua phiếu đổi hàng với trị giá hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và nâng cấp 69 ao chống chịu biến đổi khí hậu trên tổng số 260 ao mục tiêu.
Ông Phạm Đình Văn, Trưởng Ban quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2017 đơn vị phối hợp với UNDP, Bộ NN-PTNT vận động khoản tài trợ không hoàn lại từ quỹ GCF cho 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa để giúp các hộ dân chống chọi với hạn hán.
Với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại hơn 30 triệu USD của GCF thông qua UNDP cùng với khoản vay 124,06 triệu USD của dự án WEIDAP sử dụng vốn vay của ADB sẽ giúp hơn 222.400 nông hộ chịu ảnh hưởng bởi hạn hán của 5 tỉnh trên.
Dự án có 2 hợp phần chính gồm: Hợp phần một là thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng thủy lợi hiệu quả về nước và nâng cao khả năng trữ nước để giải quyết rủi ro khan hiếm nước; Hợp phần 2 là thông qua đa dạng hóa các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, xử lý đất và thực hành nông học giúp giảm yêu cầu đầu vào về nước cho sản xuất lương thực.
Hợp phần một sẽ có các chương trình chính như: xây mới hơn 4.700 hệ thống kết nối điểm cuối phục vụ tưới tiêu; xây mới và cải tạo hơn 1.100 ao thích ứng biến đổi khí hậu, thiết lập hệ thống tưới tiết kiệm cho gần 5.000 ha; tập huấn về sử dụng và quản lý nguồn nước.
Hợp phần 2 bao gồm tập huấn về nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thông tin khí hậu cho trên 21.000 hộ dân; hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho trên 8.000 hộ dân.