| Hotline: 0983.970.780

Mặt trái lúa vụ 3

Thứ Năm 22/07/2021 , 08:45 (GMT+7)

Sản xuất lúa 3 vụ/năm giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng tình trạng này kéo dài khiến nguồn dinh dưỡng trong đất càng ngày càng bị vắt kiệt.

Cần cho đất nghỉ ngơi

An Giang là tỉnh đầu nguồn có 643 tiểu vùng (xây dựng đê bao) với hơn 254.210 ha đất lúa được bảo vệ trong mùa lũ. Trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để, đảm bảo sản xuất an toàn.

An Giang khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp tổng hợp nhằm trồng lúa tiết kiệm chi phí. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

An Giang khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp tổng hợp nhằm trồng lúa tiết kiệm chi phí. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở những vùng có đê bao, những năm gần đây, việc sản xuất lúa 3 vụ/năm giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Nhưng tình trạng này kéo dài và bị lạm dụng khiến nguồn dinh dưỡng trong đất càng ngày càng bị vắt kiệt. Kết quả là thời gian gần đây, nông dân phải sử dụng phân bón và thuốc BVTV nhiều hơn, nhưng năng suất lúa vẫn có chiều hướng sụt giảm.

Ông Trần Hùng Thanh, ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, canh tác 2,4 ha cho biết: Trước đây, trung bình mỗi công lúa (khoảng 1.000 m2), ông chỉ sử dụng khoảng 50 kg phân bón/vụ thì hiện nay trong vụ hè thu và thu đông phải bón gần 65 - 70 kg, chưa kể sử dụng thuốc dưỡng và thuốc trừ sâu bệnh, lúc lúa mới phát triển xanh tốt.

"Nếu vụ nào lúa trúng mùa và có giá cao chút thì còn có lãi, chứ lúa thất thì lỗ vốn. Vụ hè thu năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất lúa rất thấp, giá bán không cao, 1 công thu hoạch chỉ được gần 650 - 700kg lúa tươi, bán xong không đủ tiền trả phí thuê đất và vật tư", ông Thanh phân trần.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, thời gian qua ĐBSCL bị tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Đất đai trở nên nghèo dinh dưỡng, không đủ cung cấp cho cây trồng, chế độ làm đất và tình trạng sản xuất lúa liên tục cũng là nguyên nhân khiến cho sản xuất lúa kém hiệu quả.

Sản xuất lúa hữu cơ, gắn với quản lí dịch hại tổng hợp là một trong những giải pháp bền vững hiện nay An Giang đang phát triển. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sản xuất lúa hữu cơ, gắn với quản lí dịch hại tổng hợp là một trong những giải pháp bền vững hiện nay An Giang đang phát triển. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, việc cày sâu, phơi ải sau mỗi vụ mùa không còn phổ biến ở ĐBSCL. Thay vì phải có thời gian cách ly, phơi ải để đất nghỉ ngơi, nông dân cho đất sản xuất lúa liên tục. Tình trạng đất bị ẩm ướt kéo dài từ vụ này đến vụ khác khiến cho đất bị dẽ chặt, rễ lúa khó phát triển và khó hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó dễ dẫn đến tình trạng thất thoát phân bón, lúa dễ đổ ngã, làm giảm năng suất.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính khiến đất lúa đang nghèo chất dinh dưỡng là do tình trạng lũ thấp, lượng phù sa giảm gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc bổ sung nguồn dưỡng chất thiết yếu cho đất nông nghiệp.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, phù sa đóng vai trò quan trọng đối với canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Nếu làm bài toán so sánh lợi nhuận của cánh đồng được xả lũ và sản xuất 2 vụ/năm với cánh đồng không được xả lũ, sản xuất 3 vụ thì hiệu quả kinh tế gần như tương đương. Tuy nhiên, sản xuất 3 vụ lúa thì không những không tăng lợi nhuận kinh tế mà còn làm cho đất ngày một bạc màu, khó canh tác hơn.

Sản xuất lúa theo hướng an toàn

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa với diện tích trên 670 ngàn ha. Thời gian gần đây, tỉnh đang khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, sạch, hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đất đai trở nên nghèo dinh dưỡng do tình trạng sản xuất lúa liên tục là một trong những nguyên nhân khiến cho sản xuất lúa kém hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đất đai trở nên nghèo dinh dưỡng do tình trạng sản xuất lúa liên tục là một trong những nguyên nhân khiến cho sản xuất lúa kém hiệu quả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp cũng đưa ra khuyến cáo nhiều cách để nông dân trồng lúa tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, như: Áp dụng chương trình IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” và công nghệ sinh thái nhằm giảm bón phân hóa học Ure quá nhiều và phải cân đối giữa phân hữu cơ, phân tổng hợp NPK, chú trọng khâu bón lót. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn phù sa từ Sông Cửu Long là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất lúa, giúp rửa độc cho đồng ruộng, cân bằng hệ vi sinh có lợi cho đất.

Cùng với đó, việc tận dụng nguồn rơm rạ để trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất cũng là một giải pháp tích cực, giúp đất trở nên màu mỡ hơn.

Theo ông Lâm, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng là một trong những giải pháp bền vững hiện nay. Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang đã có một số nông dân ở huyện An Phú áp dụng thành công mô hình sản xuất lúa an toàn sinh học, không phun xịt thuốc trị rầy và sâu cuốn lá.

Việc tăng cường xả lũ lấy phù sa và sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp cây trồng phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc tăng cường xả lũ lấy phù sa và sử dụng phân hữu cơ sẽ giúp cây trồng phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình này đã thành công nhiều năm nay, chẳng những giúp nông dân không còn lệ thuộc vào phân bón hóa học, thuốc BVTV mà nguồn tài nguyên đất cũng được trả lại sự màu mỡ vốn có của nó. Đặc biệt trong vụ hè thu 2021, An Giang cùng Tập đoàn Lộc Trời trồng thí điểm lúa rải vụ đã giúp nông dân giảm chi phí 15%, cuối vụ được Lộc Trời bao tiêu đầu ra rất ổn định. Dự kiến sang các vụ lúa tiếp theo, An Giang sẽ mở rộng diện tích áp dụng mô hình này khoảng 100 ngàn ha.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Thời gian tới, An Giang sẽ giảm diện tích đất sản xuất lúa. Thay vào đó, ngành nông nghiệp An Giang đang có các giải pháp giúp nông dân chuyển đổi các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng và có giá trị kinh tế cao phục vụ cho thị trường. Đây là một trong những giải pháp lâu dài mà tỉnh đang hướng tới nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

  • Tags:
Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.