Vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp - Phát triển nông thôn II) tổ chức Hội nghị triển khai chủ trương, chính sách, kinh nghiệm và mô hình phát triển hợp tác xã (HTX) trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị, TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác đã báo cáo các chuyên đề gồm: Chính sách hỗ trợ và phát triển HTX, phân tích và dự báo thị trường nông sản, câu chuyện sản xuất lúa và chính sách an ninh lương thực, hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đó, ông Hải nêu các chính sách của Chính phủ về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Mục tiêu sẽ thành lập mới 10.000 tổ chức tập thể bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác.
Các tổ chức kinh tế tập thể sẽ thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia. Trong đó, 100% số HTX, liên hiệp HTX hoạt động theo quy định của Luật HTX. Bên cạnh đó, 60% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên. Đồng thời, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững.
Trong tham luận “Câu chuyện sản xuất lúa và chính sách an ninh lương thực”, TS Trần Minh Hải cho rằng các địa phương cần dứt khoát giảm diện tích lúa 3 vụ, không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt, đắt tiền nhưng giá trị thương mại thấp. Đồng thời, nhất thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu.
Theo ông Hải, hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội cho nông nghiệp với thị trường triển vọng hơn như các mặt hành thủy sản (cá đồng, cá tra…), trái cây nhiệt đới tươi và chế biến, cây dược liệu, sản phẩm động vật... Nhiều công ty chế biến thực phẩm sẽ đầu tư xây dựng nhà máy, sản xuất tại các vùng nông nghiệp thích hợp. Đây là cơ hội sản xuất, chế biến các nông sản có lợi thế…
Đối với tỉnh Tiền Giang, những nông sản chủ lực của địa phương này như thanh long, mít, sầu riêng, cam… đang đứng trước những thách thức và cơ hội. Theo đó, vùng chuyên canh trái sầu riêng Cai Lậy tỉnh Tiền Giang đang gặp thách thức trước những tỉnh có vườn sầu riêng rộng lớn như Khánh Sơn (Khánh Hòa), Phú Riềng (Bình Phước), Phú Giáo (Bình Dương)… Cũng theo các chuyên gia, muốn cạnh tranh nông sản, Tiền Giang cần đầu tư cơ sở chế biến, xây dựng mã vùng trồng, mã nhà sản xuất, đóng gói, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng...