Thông thường, từ tháng 10, các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung và chăn nuôi nông hộ đổ xô tái đàn phục vụ nguồn cung thực phẩm dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện giá lợn hơi giảm sâu xuống 48.000 - 49.000đ/kg, trong khi giá thức ăn, chi phí đầu vào vẫn neo ở mức cao nên hoạt động chăn nuôi tại Hà Tĩnh khá trầm lắng.
Trang trại của ông Nguyễn Thái Huy, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ từng nuôi trên dưới 500 con lợn nái, lợn thịt nhưng ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, giá lợn hơi giảm sâu nên hơn 4 tháng nay ông treo chuồng lợn thịt. Hiện, gia đình mới vào lại đàn lợn nái 300 con được hơn 2 tháng.
Ông Huy cho rằng, thời điểm này từ người nuôi trang trại đến nông hộ không ai mặn mà tái đàn. Bởi tính sơ sơ, nuôi một con lợn thịt 100kg tổng chi phí hết khoảng 5,6 triệu đồng, với giá lợn hơi hiện nay, người nuôi lỗ 700.000 - 800.000 đồng/con.
Chung cảnh ngộ, một công ty ở huyện Thạch Hà có gần 40 trang trại chăn nuôi vệ tinh với 3.500 con lợn nái. Mỗi tháng, doanh nghiệp này xuất bán từ 4.000 - 5.000 con lợn thương phẩm. Với mức giá hiện nay, mỗi con lợn thịt bán ra, công ty lỗ khoảng 700.000 đồng.
Theo lãnh đạo công ty, nếu như giá lợn hơi cao và ổn định, bắt đầu từ tháng 10 các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đã tập trung tái đàn, tăng đàn phục thị trường tết. Tuy nhiên, thời điểm này giá lợn hơi thấp, chi phí phòng dịch tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi giảm chưa đáng kể nên cơ sở chăn nuôi lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bán lợn con không ai mua, mà để lại nuôi lợn thịt lỗ nặng.
“Chúng tôi chủ động được con giống còn lỗ như thế, người chăn nuôi phải mua con giống càng chật vật. Vì thế cũng dễ hiểu, vì sao bà con để trống chuồng cả”, vị lãnh đạo thở dài ngán ngẩm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà có truyền thống nuôi lợn thương phẩm hàng chục năm nay. Thông thường một năm chị xuất bán 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 10 - 15 con. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi giảm sâu, trong khi chi phí đầu vào tăng cao nên 3 tháng nay chị trống chuồng.
“Hồi đầu tháng 10, tôi định mua 15 con lợn giống về nuôi để bán tết nhưng lúc đó giá con giống 7kg lên đến 1,4 - 1,5 triệu đồng/con mà giá lợn hơi cũng chỉ ở mức 50.000đ/kg nên tôi không thả nuôi nữa. Chờ khi nào giá cả ổn định tầm 54.000 - 55.000đ/kg tôi mới tái đàn lại”, chị Hằng nói.
Thông tin về thực trạng tổng đàn lợn tại địa phương giảm mạnh, ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà cho rằng, ngoài yếu tố chi phí đầu vào tăng, giá lợn hơi giảm thì mấy năm gần đây dịch tả lợn Châu Phi thường trực đe dọa các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.
“Hiện chưa có chính sách hỗ trợ tiêu hủy đối với vật nuôi bị dịch tả lợn Châu Phi, hơn nữa chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, không tự chủ con giống nên khi giá lợn hơi xuống thấp người dân không mặn mà sản xuất. Nếu giai đoạn 2021 - 2022, tổng đàn lợn của xã đạt từ 6.000 - 7.000 con, nay giảm xuống còn 3.500 - 3.600 con. Toàn xã hiện chỉ còn hơn 140 hộ nuôi lợn, nhiều hộ nghỉ nuôi lợn để chuyển sang nuôi gà, dê, bò...”, ông Bằng cho hay.
Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có gần 400.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 65% và chăn nuôi nông hộ chiếm 35%. Thực trạng giá lợn hơi giảm sâu đã tác động lớn tới hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
“Giá giống, chi phí phòng dịch, thức ăn chăn nuôi... cao như hiện nay, giá lợn hơi phải đạt từ 55.000 đồng/kg trở lên người nuôi mới có thể hoà vốn”, ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh nói.
Để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm vào dịp tết, các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo, các cơ sở chăn nuôi cần theo dõi, phân tích tín hiệu thị trường, nhận định giá cả để quyết định đầu tư phù hợp. Khi tái đàn, tăng đàn lưu ý mua con giống ở những địa chỉ tin cậy, chất lượng trên địa bàn, nếu là con giống nhập từ ngoại tỉnh phải có hồ sơ kiểm dịch đầy đủ.
Đối với phòng chống dịch bệnh, hiện nay Hà Tĩnh đang vào giai đoạn chuyển mùa, bà con cần chủ động tuân thủ lịch tiêm phòng các loại vacxin trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm tránh rủi ro, khuyến khích chăn nuôi trên đệm lót sinh học; sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi nhằm hạn chế các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Khoảng 2 năm nay, các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh luôn canh cánh lo ngại bị dịch tả lợn Châu Phi “sớm hay muộn cũng ghé thăm”, bởi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch bệnh chưa có. Người chăn nuôi kiến nghị Trung ương, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho nội dung này nhằm cứu ngành chăn nuôi lợn vượt qua giai đoạn khủng hoảng, để ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề.