| Hotline: 0983.970.780

Bằng mọi giá phải có vacxin "tai xanh"

Thứ Hai 16/08/2010 , 08:43 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa đưa ra yêu cầu: Cục Thú y bằng mọi giá phải đưa ra được loại vacxin phù hợp nhất để trả lời người chăn nuôi.

* Cục Thú y đưa 4 – 5 loại vacxin, rồi bắt chúng tôi lựa chọn theo kiểu may rủi là sao?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm với thịt heo có nguồn gốc rõ ràng

Trước bức xúc của các địa phương về việc dịch heo tai xanh liên tiếp bùng phát trong 3 năm qua nhưng đến nay VN vẫn chưa có vacxin phòng chống hữu hiệu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu: Cục Thú y bằng mọi giá phải đưa ra được loại vacxin phù hợp nhất để trả lời người chăn nuôi.

Ông Cao Văn Hóa – PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang bức xúc cho biết, chưa bao giờ Tiền Giang lại bị dịch heo tai xanh gây thiệt hại nặng nề như năm nay. “Tính đến thời điểm này Tiền Giang đã bị thiệt hại tới gần 1.000 tỷ đồng, trong đó người chăn nuôi trực tiếp bị thiệt hại trên 500 tỷ đồng. Vậy nhưng suốt mấy năm qua, công cụ quan trọng nhất của chúng ta là vacxin thì chẳng hề được khuyến cáo chính thức”. Tương tự, ông Trần Văn Quang – Phó Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng, dịch heo tai xanh năm nào cũng diễn ra, mức độ lây lan và thiệt hại năm sau cao hơn năm trước, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhưng giải pháp căn cơ lại không có. “Đặc biệt, vacxin phòng bệnh là một giải pháp quan trọng nhất nhưng đến giờ vẫn còn trong gia đoạn mày mò”.

Đồng quan điểm, đại diện Sở NN-PTNT Hậu Giang khẳng định, nếu VN cứ khoanh tay không giải quyết vấn đề về vacxin thì không những chống dịch không hiệu quả, mà còn khiến dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại theo chiều hướng tiêu cực hơn gấp nhiều lần, mức độ ảnh hưởng và tác hại sẽ trở nên khôn lường. Riêng Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam thì đặt câu hỏi: Tại sao Cục Thú y đưa 4 – 5 loại vacxin vào VN, sau đó lại nói rằng các địa phương chúng tôi tự quyết định lấy tiêm loại nào theo kiểu may rủi là sao? Nói như vậy đâu có ổn vì các địa phương không thể tự làm được việc này mà trách nhiệm phải thuộc về Cục Thú y!

Trong khi đó, phản hồi về những ý kiến trên, ông Hoàng Văn Năm – Q. Cục trưởng Cục Thú y nói: “Chúng tôi xin nhận lỗi vì 3 năm qua vẫn chưa có vacxin khuyến cáo chính thức. Hiện Cục Thú y đang xin Bộ NN-PTNT nhập 210.000 liều vacxin sống của Trung Quốc về khảo nghiệm và sẽ sớm có kết quả”. Ngoài ra, ông Năm còn giải thích rằng: “Nếu Cục Thú y khuyến cáo sử dụng vacxin chính thức và lấy tiền của Nhà nước để tiêm phòng miễn phí, nếu lỡ may mà dịch vẫn xảy ra thì chúng tôi có mà…đi tù”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ngày nào tôi cũng ăn thịt heo cả

Ở những vùng không có dịch tai xanh thì người chăn nuôi vẫn yêu cầu cơ quan thú y xác nhận để xuất bán bình thường. Tôi khẳng định thịt heo có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan thú y kiểm tra thì có thể an toàn sử dụng và ngày nào tôi cũng ăn thịt heo cả!

Trước những ý kiến của các địa phương về vấn đề vacxin, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, các loại vacxin hiện có trên thị trường hiệu lực không cao và thời gian bảo hộ không dài. Vì thế, VN phải đẩy nhanh NK và khảo nghiệm các loại vacxin phù hợp để khuyến cáo chính thức cho người chăn nuôi. Cụ thể, Bộ trưởng giao cho Cục Thú y khảo nghiệm tất cả các loại vacxin phòng chống bệnh tai xanh đang lưu hành trên toàn cầu, nếu cần thiết hợp tác với những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này để có thể đưa ra loại vacxin phù hợp với VN trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ sự lo ngại chủng virus gây bệnh tại phía Nam chính là virus đã gây ra dịch ở phía Bắc, có độc lực cao và khả năng lây lan rất nhanh. Cụ thể, kết quả phân tích typ virus gây bệnh – mẫu gửi đi Hàn Quốc để giải mã gen đã giải trình tự 12 mẫu bệnh phẩm cho thấy, tất cả các mẫu bệnh phẩm của VN (cả miền Bắc và miền Nam) đều thuộc nhóm virus PRRS có độc lực cao ở Trung Quốc năm 2006. Những virus PRRS năm 2010 giống mẫu virus PRRS o9-SX 2009-China của Trung Quốc năm 2009. 

Q. Cục trưởng Hoàng Văn Năm: Sẽ bùng phát một đợt dịch mới trên diện rộng

Hiện diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh Nam bộ hết sức phức tạp, đặc biệt tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Đăk Lăk dịch đã ở diện rộng, tình hình này cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển đã khiến Nam bộ sắp tới có thể sẽ bùng phát một đợt dịch mới trên diện rộng.

“Trước đây đàn heo chủ yếu mắc virus PRRS Châu Âu và Bắc Mỹ có độc lực thấp, vì thế nếu chúng ta vẫn tiếp tục phòng chống dịch theo cấp độ thấp thì hoàn toàn không còn phù hợp nữa” – Bộ trưởng nói. Ngoài ra, sau 3 năm kể từ khi bùng phát đợt dịch đầu tiên (tháng 3/2007) tại Hải Dương, đến nay kháng thể tự nhiên kháng bệnh tai xanh của đàn heo đã giảm, tạo điều kiện cho virus tấn công. Trong bối cảnh đó, chính quyền và người dân địa phương một số nơi lại có tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, nhất là công tác tiêm phòng bị coi nhẹ càng khiến dịch thêm trầm trọng.

Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các địa phương đều phải rà soát lại kế hoạch phòng chống, kể cả những tỉnh chưa có dịch. Đặc biệt, các địa phương phải thông tin đầy đủ về tình hình dịch, chính sách về hỗ trợ tiêu hủy để từng hộ chăn nuôi cùng hợp tác dập dịch. Bộ trưởng cũng cho rằng, nguyên nhân quan trọng khiến dịch lây lan nhanh là do ở vùng dịch không được phát hiện kịp thời, nếu ngay từ đầu phát hiện ra và xử lý ngay ổ dịch đầu tiên thì sẽ không có chuyện phát tán mầm bệnh khắp nơi.

Xem thêm
Nuôi chồn hương bằng trái cây hiệu quả cao

Nuôi chồn hương cho ăn mít, chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao tại trang trại của anh Nguyễn Văn Tiến ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.