| Hotline: 0983.970.780

Bánh đậu xanh, bánh cáy có thể xuất khẩu đi châu Âu

Thứ Ba 18/06/2024 , 15:06 (GMT+7)

Thông qua chuỗi hội nghị phổ biến các quy định SPS, Bộ NN-PTNT mong muốn đồng hành cùng địa phương trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường EU.

Làng Nguyễn có truyền thống làm bánh cáy hơn 200 năm.

Làng Nguyễn có truyền thống làm bánh cáy hơn 200 năm.

Đặc sản bánh cáy liệu có được xuất sang EU?

Làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nổi tiếng với nghề làm bánh cáy, một sản vật từng dùng để tiến vua. Trải qua bao biến động lịch sử, sản phẩm bánh cáy vẫn được lưu truyền, tồn tại, phát triển và trở thành sản phẩm OCOP.

Tự hào với đặc sản nổi tiếng, tỉnh Thái Bình không ít lần trăn trở với việc làm thế nào để bạn bè quốc tế biết tới sản phẩm truyền thống này.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, bánh cáy là kết tinh của lịch sử lúa gạo lâu đời. Là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng, "quê hương năm tấn" đã xuất khẩu được một số mặt hàng như ngao, tỏi, ớt..., tuy nhiên, ông Phương thừa nhận, sản phẩm vẫn chủ yếu ở dạng thô, tươi, chưa có nhiều sản phẩm chế biến, chế biến sâu.

"Thái Bình chưa xuất khẩu được sản phẩm chế biến sâu từ lúa gạo. Đây là vấn đề mà tỉnh trăn trở", vị Phó Giám đốc nói.

Hiện trên địa bàn có khoảng 2.000 cơ sở chế biến nông sản nhưng phần lớn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Khoảng 1% trong số này có quy mô tương đối, áp dụng dây chuyền hiện đại, tự động hóa. Đưa bánh cáy xuất khẩu có thể xem là một "giấc mơ" với người Thái Bình.

Thực tế, bánh cáy được EU xếp vào nhóm sản phẩm tổng hợp, theo Quy định (EC) 2022/2292 có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. Trong thành phần của bánh cáy gồm trứng cáy (sản phẩm có nguồn gốc động vật) đã qua chế biến; gạo nếp, vừng, lạc, gừng... (các sản phẩm có nguồn gốc thực vật) và làm thay đổi đặc tính của sản phẩm nguồn gốc động vật - trứng cáy.

Vừa qua, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban Châu Âu (DG SANTE) đã trực tiếp phổ biến các quy định liên quan tới sản phẩm tổng hợp tại Hà Nội. Nhưng như chính bà Sylvie Coulon, chuyên gia cao cấp của DG SANTE. các quy định về sản phẩm tổng hợp rất phức tạp, khiến ngay cả những chuyên gia về an toàn thực phẩm cũng lúng túng.

Ông Ngô Xuân Nam: Bánh cáy ngon, đặc sản nhưng có thể được xuất khẩu vào EU nếu đáp ứng các tiêu chuẩn như chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, giám sát chất tồn dư...

Ông Ngô Xuân Nam: Bánh cáy ngon, đặc sản nhưng có thể được xuất khẩu vào EU nếu đáp ứng các tiêu chuẩn như chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, giám sát chất tồn dư...

"Làm thế nào để xuất khẩu được bánh cáy", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đặt câu hỏi tại Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA sáng 18/6, thuộc khuôn khổ sự kiện phối hợp tổ chức với Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình.

Theo ông Nam, trước khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu phải nắm được thông tin, rằng Việt Nam có được phép xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường EU hay không? Thông tin này khiến nhiều đại biểu dự hội nghị ngạc nhiên, bởi lâu nay người nông dân vẫn giữ nếp sản xuất theo quán tính và "bán thứ mình có, không phải bán thứ thị trường cần" (lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan).

Đi sâu vào câu chuyện bánh cáy, ông Nam thông tin, sản phẩm tổng hợp được EU chia làm 3 loại, trong đó tập trung vào việc thực phẩm đến tay người tiêu dùng có cần bảo quản hay không, có chứa sữa non hoặc thịt qua chế biến hay không.

"Tất cả các sản phẩm tổng hợp, trong đó bao gồm bánh cáy, muốn xuất khẩu vào EU phải được sản xuất từ các cơ sở được EU phê duyệt và đặt tại quốc gia được EU cho phép xuất khẩu. Đó là 2 yếu tố cần lưu ý, bên cạnh nguồn nguyên liệu đạt chuẩn và được EU cấp phép trong các phụ lục của Quy định (EC) 2022/2292", ông Nam nhấn mạnh.

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát hệ thống an toàn thực phẩm về thủy sản, Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm tổng hợp vào EU. Đây là tiền đề mở đường cho bánh cáy tiến vào thị trường hơn 700 triệu dân. 

Như vậy, bánh cáy có thể mở cửa thị trường vào EU. Có "chìa khóa" này, Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có trách nhiệm chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, triển khai kế hoạch giám sát chất tồn dư, kiểm dịch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và một số quy định khác để đưa đặc sản quê lúa tới trời Âu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương và Thái Bình tham dự hội nghị. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương và Thái Bình tham dự hội nghị. 

Cam kết từ Bộ NN-PTNT

Không riêng gì Việt Nam, hầu hết cường quốc nông nghiệp đều đặt kỳ vọng nâng cao hàm lượng chế biến, chế biến sâu. Bởi nhóm mặt hàng chế biến có giá trị kinh tế cao, có thể quảng bá thương hiệu, hình ảnh một quốc gia. Những quy định mới về sản phẩm tổng hợp của EU, vì vậy, càng cần được quan tâm.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề hội nghị, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến và xuất khẩu nông sản, tập trung chủ yếu là nhóm rau, củ, quả. 

Được mệnh danh là thủ phủ cây vụ đông tại phía Bắc, tỷ trọng nội tiêu rau, củ, quả của Hải Dương vào khoảng 30 - 40%, còn lại để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở các địa phương lân cận. Chính bởi vậy, việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin từ thị trường xuất khẩu thông qua các hội nghị phổ biến do Văn phòng SPS Việt Nam triển khai là "rất hữu ích", theo bà Kiểm.

"Toàn ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu, thế thì chúng ta phải hiểu được thị trường nhập khẩu cần gì. Mỗi thị trường khác nhau lại có yêu cầu khác nhau. Vì thế, người sản xuất phải là đối tượng nắm chắc thông tin này, trước khi tổ chức sản xuất", bà Kiểm nói.

Việt Nam hiện tham gia 19 FTA. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Việt Nam đều đã ký hiệp định thương mại tự do. Điều ấy có nghĩa, hàng rào thuế quan gần như được xóa bỏ. Thay vào đó là hàng rào kỹ thuật.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cũng cho rằng, đã đến lúc những người chỉ đạo sản xuất trong ngành nông nghiệp cũng cần hiểu chắc, nắm rõ quy định, yêu cầu, thị hiếu của nước nhập khẩu. "Chỉ khi biết hàng rào kỹ thuật đang ở đâu, chúng ta mới quay trở lại chỉ đạo sản xuất đúng và trúng", bà nhấn mạnh.

Bà Kiểm bày tỏ mong muốn các đơn vị của Bộ NN-PTNT, trong đó có Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức nhiều hơn những chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu về hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là những sản phẩm chế biến, chế biến sâu. "Chỉ có như vậy, cà rốt, bắp cải, bánh đậu xanh Hải Dương mới có nhiều giá trị gia tăng", bà bày tỏ.

Sản phẩm bánh đậu xanh Hải Dương đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Sản phẩm bánh đậu xanh Hải Dương đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã giao Văn phòng SPS Việt Nam thực hiện một loại hội nghị phổ biến về quy định SPS thuộc Hiệp định EVFTA, RCEP.

Với sự tham gia của Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, các Chi cục địa phương, cùng một số Bộ, ngành liên quan, nhiều vấn đề được nêu ra như các biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật, các quy định về ghi nhãn, bao gói nông sản, quản lý chất lượng nông sản thực phẩm xuất khẩu...

Trong quý III sắp tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo tổ chức hội nghị phổ biến các quy định về SPS đối với mặt hàng lúa gạo nhằm thúc đẩy giá trị xuất khẩu phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Trong dài hạn, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, triển khai Đề án nâng cao năng lực thực thi SPS, đồng thời đề nghị địa phương có bộ phận chuyên trách, làm đầu mối thông tin về thị trường xuất khẩu.

Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam cho biết, thông qua các chương trình phổ biến quy định SPS, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kỳ vọng được lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, nhằm nâng cao giá trị cho từng ngành hàng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo gấp rút hoàn thiện, củng cố, xây dựng lực lượng quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở.

Đồng thời có phương hướng gắn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm với một số chương trình Bộ NN-PTNT đang triển khai như xây dựng nông thôn mới, tổ khuyến nông cộng đồng...

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.