| Hotline: 0983.970.780

Bánh tráng Thuận Hưng rạng danh xứ Tây Đô

Thứ Ba 31/01/2023 , 13:41 (GMT+7)

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng được người dân Cần Thơ duy trì phát triển hơn 2 thế kỷ qua, sản phẩm đã có mặt khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước.

Đặc sản trứ danh từ nguyên liệu quê nhà

Từ trung tâm TP Cần Thơ di chuyển khoảng 40km về hướng Thốt Nốt, đến xã Thuận Hưng hỏi về làng nghề làm bánh tráng thì ai cũng biết. Đối với người dân nơi đây, cái nghề này đã có từ lúc họ sinh ra cho tới bây giờ.

Gắn bó với nghề từ thời còn con gái, năm nay đã 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngon (Tân Lợi, Thuận Hưng) cũng không biết chính xác nghề này cụ thể có từ năm nào. Chỉ biết, khi mới sinh ra thì ông, bà, cha, mẹ của bà đã làm nghề này.  

Bà Nguyễn Thị Ngon cho biết, tất cả bánh ở đây được tạo ra từ nguyên liệu chính là gạo. Để có được cái bánh thơm ngon mà không mất hương vị quê nhà, người dân ở đây có một bí quyết cho công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, đó là phải chọn loại gạo Thốt Nốt đem ngâm cho mềm hạt gạo, rồi đi xay thành bột, sau đó pha với nước một lượng vừa đủ, và phải tẻ bột với nước nhiều lần cho đến khi có màu trắng mịn. 

Ba-Ngon-Lam-Banh

Bà Ngon đang gỡ những chiếc bánh trắng mịn, thơm ngon hương vị gạo Thốt Nốt. Ảnh: Hồ Thảo.

Cũng theo bà Ngon, làm bánh tráng ít nhất phải cần có 3 người: Một người quay bánh, một người trải bánh và một người phơi bánh.

“Công đoạn quan trọng nhất là ngồi lò quay bánh. Phải khéo léo từng động tác, múc bột phải canh lượng vừa đủ và cán đều trên khuôn bánh. Để làm công đoạn này cần có dụng cụ quay bánh bằng một cái gáo dừa nhẵn và bóng. Động tác quay bánh phải thoăn thoắt và nhanh nhạy, để tạo ra hình cái bánh tròn như một cái mâm. Thợ bánh phải canh cho độ dày mỏng như nhau. Nếu cán không đều tay, chỗ mỏng chỗ dày, khi phơi ra bánh sẽ bị nứt bể”, bà Ngon giải thích.  

Cũng theo đa số thợ tráng bánh lành nghề tại địa phương, giai đoạn khó nhất là phơi bánh do phải phụ thuộc vào thời tiết. Người thợ mang bánh đi phơi khi mới ra lò còn ướt, lúc phơi phải canh cho vừa nắng, gắt quá cũng không được vì bánh sẽ dễ bị nổ. Cực nhất lúc trời mưa, nếu người thợ không mang vào kịp bánh sẽ trôi thành nước.

Phát triển gần 500 lò bánh

Là chủ lò bánh có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Phan Rang cho biết: Qua thời gian, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cũng không ngừng cải tiến để nâng cao sản lượng. “Ngày xưa chúng tôi quay bánh bằng tay, tráng bánh bằng lò trấu, vừa tốn chi phí mà năng suất lại không được cao. Bây giờ, chúng tôi đã có thêm lò tráng bánh bằng máy, năng suất tăng gấp 3, gấp 4 lần. Ngoài ra còn sử dụng xe đẩy chuyển bánh đi phơi giảm bớt sức người, nhẹ nhân công. Nhờ vậy mà năng suất với lợi nhuận cao hơn rất nhiều”, ông Rang cho hay.

Chia sẻ về những thay đổi và sự phát triển của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, ông Rang còn cho biết  thêm, làng nghề hiện nay còn phát triển thêm nhiều loại bánh mới như bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, bánh tráng men,... nhưng vẫn giữ được mùi vị truyền thống đặc trưng vốn có của bánh tráng Thuận Hưng.

Theo ông Rang, ngoài làm nghề kiểu gia đình, một số hộ dân ở đây còn thuê mướn nhân công để làm với quy mô lớn hơn. Ở vùng này, người dân nào không có công ăn việc làm thì làm công cho chủ lò bánh để kiếm thu nhập hàng ngày, cũng góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống. Riêng cơ sở của ông Rang cũng thuê thêm 4 người làm công thường xuyên. Còn những ngày cuối năm thì phải thuê tới gần chục người mới đủ để làm bán Tết. 

Tho-Lam-Banh

Thu nhập của những người thợ tráng bánh từ 500 nghìn đồng/ngày trở lên, tùy thời điểm và năng suất. Ảnh: Hồ Thảo.

Nhờ vào sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tới nay làng nghề đã được lan truyền rộng rãi và có nguồn tiêu thụ lớn đến từ nhiều vùng. Với khoảng 500 lò bánh ở khu vực Thuận Hưng, sản phẩm đã trải khắp các tỉnh, thành cả nước, còn theo xe sang tận Campuchia.

Không chỉ phát triển về kinh tế mà làng nghề bánh tráng Thuận Hưng còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với du khách từ khắp mọi nơi. Đến với làng nghề, du khách sẽ được ngắm những dãy bánh màu trắng trải dài, hòa với những hàng cây hai bên đường, tạo nên bức tranh thôn quê tuyệt đẹp.

Phoi-Banh

Hình ảnh những dãy bánh nằm trải dài theo con lộ tại Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng quá quen thuộc với du khách gần xa khi đến đây. Ảnh: Hồ Thảo.

Những năm qua, TP Cần Thơ và quận Thốt Nốt đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con làm nghề bánh tráng Thuận Hưng duy trì sản xuất cũng như bảo tồn làng nghề. Mới đây, UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị đưa Nghề thủ công truyền thống bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, UBND TP Cần Thơ cũng gửi kèm hồ sơ khoa học di sản, gồm lý lịch di sản, bản đồ phân bố vị trí di sản, ảnh minh họa và phim tư liệu về di sản, bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.