“Kiềng Sắt” là tên gọi do người Hrê đặt cho giống lợn bản địa duy nhất của Quảng Ngãi. Giống lợn này được nuôi chủ yếu ở 3 cộng đồng dân tộc Hrê, Cor và Ca Dong. Ngày trước, việc làm thịt lợn chỉ được thực hiện vào những dịp cúng, lễ. Mỗi lần như vậy, người dân thường chọn miếng thịt ngon và đem cúng Giàng (trời) trước tiên, rồi sau đó mới đem vào bếp để chế biến và ăn. Cho nên nhiều người còn gọi Kiềng Sắt là lợn “cúng Giàng”.
Lợn Kiềng Sắt hiện nay số lượng còn rất ít, phân bố rải rác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, tập trung chủ yếu ở một số xã thuộc các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà và Sơn Tây. Lợn Kiềng Sắt có đặc điểm ngoại hình nổi bật là lông đen tuyền toàn thân, chân ngắn và nhỏ, thân ngắn và thon. Ưu điểm chính của lợn Kiềng Sắt là khả năng thích nghi cao với môi trường, tính chống chịu bệnh tốt, sử dụng được các loại thức ăn thô, nghèo dinh dưỡng, chi phí đầu tư nuôi thấp, chất lượng thịt thơm ngon…
Cho đến nay, ở nhiều vùng của tỉnh Quảng Ngãi, người dân thuộc các dân tộc thiểu số vẫn chỉ nuôi và dùng lợn Kiềng Sắt để cúng vào các dịp lễ, tết khi thực hiện các nghi lễ và tập quán văn hoá. Thế nhưng, có thời điểm, tìm được giống lợn Kiềng Sắt thuần là điều rất khó khăn.
Vì vậy, việc bảo tồn giống lợn Kiềng Sắt là rất quan trọng, bởi nó liên quan đến bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trong tỉnh Quảng Ngãi và cũng là để gìn giữ một giống lợn quý. Tuy nhiên, trong thời gian dài, việc du nhập các giống lợn ngoại có năng suất cao và giống lai tạo là nguyên nhân chính làm cho giống lợn bản địa Kiềng Sắt có nguy cơ mất hẳn nguồn gen.
Với mục đích nghiên cứu, bảo tồn và nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện Dự án Khuyến nông Quốc gia “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh”. Theo đó, Dự án được triển khai trong thời gian 3 năm 2021 – 2023 với tổng quy mô 600 con lợn Kiềng Sắt và 18 hộ dân tham gia tại 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Mộ Đức.
Riêng trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai mô hình chăn chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm ở 3 vùng sinh thái khác nhau là huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Mộ Đức. Cụ thể, tại huyện Ba Tơ quy mô 25 con lợn Kiềng sắt với 2 hộ tham gia; huyện Sơn Hà quy mô 25 con với 2 hộ tham gia; huyện Mộ Đức quy mô 90 con với 2 hộ tham gia.
Giống lợn Kiềng Sắt có xuất xứ từ đàn giống nuôi bảo tồn tại Trại thực nghiệm của Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ (Sở KH-CN tỉnh Quảng Ngãi), trọng lượng bình quân 5 kg/con, lợn giống khỏe mạnh và được tổ bình tuyển của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi kiểm tra trước khi bàn giao cho các hộ chăn nuôi.
Qua theo dõi mô hình nhận thấy, lợn Kiềng Sắt thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở cả 3 vùng sinh thái, đồng thời thích nghi tốt với điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Tại huyện Mộ Đức, mặc dù chủ yếu sử dụng thức ăn tinh, ít thức ăn xanh nhưng lợn Kiềng Sắt vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Cùng thời gian nuôi (4 tháng), trọng lượng bình quân đạt 46,5 kg/con, hệ số tiêu tốn thức ăn 4,75. Trong khi tại huyện Ba Tơ trọng lượng bình quân đạt 45 kg/con, hệ số tiêu tốn thức ăn 4,55; huyện Sơn Hà trọng lượng bình quân đạt 45,2 kg/con, hệ số tiêu tốn thức ăn 4,63.
Tổng trọng lượng lợn Kiềng Sắt trong mô hình đạt 466 kg, với giá bán 100.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình đạt 466 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (con giống, thức ăn, thuốc thú y…) còn lãi gần 83 triệu đồng, bình quân mỗi con lợn Kiềng Sắt thương phẩm cho lãi 590.000 đồng.
Trong năm 2021, cùng với hoạt động xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Kiềng Sắt thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi cũng đã triển khai thực hiện các hoạt động tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn Kiềng Sắt theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân trong và ngoài mô hình. Tổ chức hội thảo, tham quan mô hình, hội nghị sơ kết … nhằm tuyên truyền để nhân rộng mô hình từ đó khôi phục và từng bước phát triển chăn nuôi lợn bản địa, góp phần bảo tồn nguồn gen vật nuôi đặc hữu ở tỉnh, giữ gìn đa dạng sinh học; đồng thời còn là nguồn vật liệu quý cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống.