| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ môi trường nuôi biển để phát triển bền vững: [Bài 1] Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Thứ Hai 11/12/2023 , 15:58 (GMT+7)

Người nuôi trên đảo Bình Ba nói riêng và người dân nuôi trồng thủy sản nói chung cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi biển để duy trì sinh kế lâu dài.

Xã Cam Bình đang nỗ lực tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ môi trường nuôi biển. Ảnh: KS.

Xã Cam Bình đang nỗ lực tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ môi trường nuôi biển. Ảnh: KS.

Từng thiệt hại nặng vì môi trường suy giảm

Bình Ba là đảo nhỏ có diện tích khoảng 3km2, thuộc xã Cam Bình, cách cảng Cam Ranh (tên cũ là Ba Ngòi), tỉnh Khánh Hòa khoảng 15km về phía Đông. Đảo Bình Ba hiện có 3 thôn gồm Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An đã hình thành trên 200 năm.

Bình Ba được ví là “vương quốc tôm hùm”, không phải nói ngoa vì nơi đây nổi tiếng nhất là tôm hùm, một trong những món đặc sản của người dân Khánh Hòa được đưa vào câu ca: “Tôm hùm Bình Ba - Nai khô Diên Khánh - Cá tràu Võ Cạnh…”.

Nghề nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba bắt đầu hình thành từ thập niên 90. Ban đầu chỉ một số hộ nuôi thử nghiệm vài ba lồng bằng vật liệu thô sơ. Đến nay, toàn xã Cam Bình có hơn 400 bè với khoảng 20.000 ô lồng, chiếm gần 1/3 tổng ô lồng nuôi tôm hùm toàn tỉnh, tổng sản lượng khoảng 300 - 400 tấn/năm.

Đảo Bình Ba, xã Cam Bình hiện phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Đảo Bình Ba, xã Cam Bình hiện phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Tuy nhiên, không ít người nuôi tôm hùm ở Bình Ba từng thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất do tôm hùm bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Đó là câu chuyện xảy ra vào những năm 2006 - 2007, thời điểm này các lồng nuôi được đặt gần sát bờ, mật độ nuôi lồng bè dày, người nuôi chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi, vô tư xả rác sinh hoạt từ trên bờ và trên bè xuống biển, khiến môi trường vùng nuôi ô nhiễm nặng.

Anh Nguyễn Văn Phương, một người nuôi tôm hùm có thâm niên ở thôn Bình Ba Tây cũng nhìn nhận vụ việc như vậy và cho biết, trước đây, bà con dùng túi nilon đựng thức ăn khi cho tôm ăn xong là vứt xuống biển, làm môi trường xung quanh vùng nuôi ngập tràn rác thải. Rác thải từ túi nilon nhiều đến mức mà người nuôi lặn xuống kiểm tra tôm khi ngoi lên mặt nước bị dính rác đầy đầu. Hậu quả từ việc không gìn giữ môi trường vùng nuôi đã khiến người nuôi ở đảo phải trả giá đắt, tôm hùm nuôi bị bệnh sữa, đỏ thân càn quét dường như xóa sổ vùng nuôi toàn xã.

Ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình xác nhận, vùng nuôi tôm hùm Bình Ba bị thiệt hại nặng nề do bệnh sữa gây ra vào cuối năm 2006 đầu năm 2007. Ông Linh cho biết, lúc ấy khoảng 80-90% lồng nuôi toàn xã bị thiệt hại. Đây là hậu quả từ việc người nuôi không ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đổ thức ăn dư thừa, xả rác sinh hoạt bừa bãi ngay trên vùng nuôi của mình. Từ đó làm hình thành lớp bùn hôi thối khiến cho các sinh vật ở đáy biển mất oxy và chết. Khi có mưa dông sẽ tạo thành luồng “nước độc” gây bệnh cho tôm.

Tôm hùm ở đảo Bình Ba thu hoạch phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: KS.

Tôm hùm ở đảo Bình Ba thu hoạch phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: KS.

Về nguyên nhân tôm hùm nuôi xảy ra dịch bệnh là do nuôi lồng bè ngoài môi trường hở, rất khó kiểm soát được thông số môi trường cũng như mầm bệnh trong môi trường dễ lây lan. Trong khi đó môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm bởi hoạt động nuôi, chất hữu cơ, chất thải tích tụ lâu năm, từ đó khiến mầm bệnh có điều kiện phát triển.

Dù người dân ở đảo Bình Ba, xã Cam Bình hiện đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển, nhưng đâu đó rác sinh hoạt vẫn còn xả thẳng vào môi trường biển.

Trăn trở nguồn rác thải trên biển

Trên hành trình từ cảng Cam Ranh ra đảo Bình Ba bằng cano, chúng tôi quan sát nhiều nơi trên mặt biển rác sinh hoạt như túi nilon, phao xốp… trôi nổi rất nhiều. Tại vùng nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba rác thải cũng trôi dạt rất nhiều trên mặt biển tấp vào bè nuôi và khu vực cầu cảng. Anh Nguyễn Luân, một người tôm hùm ở thôn Bình Ba Đông cho biết, dù người nuôi trong xã đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển, nhưng đâu đó vẫn còn một số người xả rác sinh hoạt xuống biển.

Tuy nhiên, anh Luân cho rằng, phần lớn rác sinh hoạt trôi dạt trên biển Bình Ba mùa này là ở các nơi khác theo mùa gió bấc (gió Đông Bắc) và dòng thủy triều đưa vào. Ngược lại, những tháng mùa hè, vùng biển nơi đây lại rất sạch sẽ vì người nuôi trên đảo đã sử dụng túi lưới đựng thức ăn, hạn chế túi nilon.

Những tháng mùa này, rác tấp vào nhiều trên đảo Bình Ba. Ảnh: KS.

Những tháng mùa này, rác tấp vào nhiều trên đảo Bình Ba. Ảnh: KS.

Về vấn đề này, ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình xác nhận và cho biết từ nay cho đến tháng Giêng, rác thải đủ loại, có cả cây lục bình trôi tấp vào đảo rất nhiều. Chứng tỏ, nguồn rác này không phải ở địa phương mà nhiều nơi theo dòng nước đưa tới.

Dù UBND xã cùng các đơn vị quân đội, trường học và người dân chung tay dọn dẹp rác nhưng không xuể, vì cứ 3 - 4 ngày rác lại tấp về đảo rất nhiều. Địa phương phải thuê xe múc để múc rác chứ sức người làm không nổi.

“Tôi mong mọi người nuôi trên đảo Bình Ba nói riêng và người dân nuôi trồng thủy sản nói chung nâng cao ý thức, không vứt rác xuống biển để bảo vệ môi trường, cũng là bảo vệ sinh kế lâu dài và cho con cháu mai sau”, ông Nguyễn Luân bày tỏ.

Tiếp tục tuyên truyền người nuôi bảo vệ môi trường

Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Bình cho biết, những năm qua, Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đến từng cán bộ, hội viên thông qua các chi, tổ hội, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong việc tập trung xử lý thức ăn thừa của tôm, hạn chế sử dụng túi nilon thay bằng túi lưới mùng may để bảo vệ môi trường biển, không vứt rác trong quá trình nuôi trồng thủy sản xuống biển. Công việc này được Hội Nông dân xã xác định là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ từng năm.

Xã Cam Bình sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con bảo vệ môi trường biển. Ảnh: KS.

Xã Cam Bình sẽ tiếp tục tuyên truyền bà con bảo vệ môi trường biển. Ảnh: KS.

“Từ đầu năm nay, Hội Nông dân xã cũng đã tuyên truyền vận động bà con trong các cuộc họp và hội nghị. Các chi tổ hội của Hội nông dân cũng đã xuống các địa bàn để thu gom rác thải trên biển, kêu gọi người dân cùng nhau thực hiện để góp phần giữ nguồn nước luôn sạch sẽ, giúp ngành nuôi tôm hùm trên địa bàn xã được lâu dài và bền vững”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo đó, UBND xã thống nhất từ nay cho đến hết những tháng mùa đông, một tuần ít nhất 1 lần thuê cano cử thành viên luân phiên lên các bè trước mắt tuyên truyền vận động bảo vệ môi trường biển, không vứt rác sinh hoạt xuống biển. Sang tháng thứ 2, nếu người nuôi vi phạm môi trường sẽ tận dụng hương ước của làng để răn đe, đồng thời sử dụng chế tài xử phạt. Về lâu dài, sau này, địa phương sẽ bắt buộc mỗi bè phải có thùng rác, tránh tuyệt đối tình trạng vứt rác xuống biển.

Theo ông Võ Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình, hiện nay, toàn xã có hơn 1.400 hộ với  gần 5.500 dân, số người nuôi tôm hùm chiếm khoảng 80%. Để định hướng cho nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững, chính quyền khuyến cáo người dân gìn giữ môi trường, hạn chế phát triển thêm lồng bè mới, đồng thời hướng dẫn người nuôi chuyển sang lồng nuôi HDPE để thích ứng thiên tai.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.