| Hotline: 0983.970.780

Bắp sinh khối - cơ hội mới của nông dân Tây Ninh

Thứ Hai 10/07/2023 , 18:37 (GMT+7)

Được xem là 'thủ phủ' chăn nuôi mới, nhu cầu bắp sinh khối làm thức ăn cho gia súc tại Tây Ninh đang vô cùng lớn, mở ra cơ hội cho nông dân nơi đây.

Lúa, mì cùng bấp bênh

Cánh đồng ấp Long Thạnh, xã Long Khánh (huyện Bến Cầu, Tây Ninh) rộng gần 100ha. Trước đây, bà con nơi đây xen canh cây lúa với một vụ mì (sắn). Tuy nhiên, những cây trồng này thường rủi ro rất lớn do mùa mưa đến thất thường.

Nhớ lại khoảng thời gian chỉ chuyên trồng lúa, ông Phạm Hồng Lợi, ngụ ấp Long An, xã Long Thuận (huyện Bến Cầu) cho biết trước đây, cuộc sống bấp bênh do chỉ biết dựa vào cây lúa nước. Thế độc canh của trồng lúa nước tại đây cũng gây ra nhiều bất lợi cho nông dân, hiệu quả kinh tế lại không cao.

Ngày càng nhiều bà con nông dân tại huyện Bến Cầu chuyển sang trồng bắp sinh khối 2 - 3 vụ mỗi năm nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Ngày càng nhiều bà con nông dân tại huyện Bến Cầu chuyển sang trồng bắp sinh khối 2 - 3 vụ mỗi năm nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

“Thiên tai, dịch bệnh đủ thứ trên cây lúa hết trơn. Rồi nào là tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công thuê máy móc…, trừ đi còn lãi được nhiêu tiền đâu. Rồi lúa bị các thương lái thu mua ép giá nữa. Nói chung, không ăn thua”, ông Lợi ngao ngán nhớ lại.

Tương tự với cây khoai mì, bà Ngô Thị Thu Ân ở xã Long Thuận cũng ngao ngán khi nhiều năm nay phải căng mình với bệnh khảm lá sắn khiến năng suất kém, hiệu quả kinh tế ngày càng thấp. Với bà Ân, nhắc đến việc trồng khoai mì, bà chỉ biết tặc lưỡi và lắc đầu.

Những vụ gần đây, các diện tích trồng lúa, khoai mì kém hiệu quả ở một số xã thuộc huyện Bến Cầu đã được bà con chuyển sang trồng bắp sinh khối (ngô sinh khối). Trồng bắp sinh khối chỉ khoảng dưới 3 tháng là thu hoạch nên bà con đã tránh được mùa mưa nước ngập. Nhiều ruộng sâu cũng có thể lên luống trồng bắp, ruộng cao có thể trồng hai vụ bắp một năm. Nhờ thế, thu nhập của nông dân đã cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng mì trước đây.

Qua nhiều năm canh tác, cây bắp sinh khối ở cánh đồng khu vực ấp Long Thịnh (xã Long Khánh) luôn nhộn nhịp người tới thu mua vào mùa thu hoạch. Những ruộng bắp đã thay cho lúa kém hiệu quả trong các vụ đông xuân và hè thu.

Những năm gần đây ở huyện Bến Cầu đã tăng nhanh diện tích trồng cây bắp sinh khối, phá vỡ thế độc canh kém hiệu quả của cây lúa. Bắp sinh khối dễ trồng, lợi nhuận cao, được hợp đồng bao tiêu nên bà con rất an tâm mở rộng diện tích.

Trước đây, vùng này hầu như chỉ chuyên canh cây lúa, sau đó đến cây mì, cây mía, cây bắp giống. Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng về số lượng gia súc, Bến Cầu đã xuất hiện những cánh đồng lớn chuyên trồng bắp sinh khối làm thức ăn cho bò.

Hầu hết các cánh đồng trồng ngô sinh khối tại huyện Bến Cầu đều được các trang trại bò sữa bao tiêu để làm thức ăn cho vật nuôi. Lê Bình.

Hầu hết các cánh đồng trồng ngô sinh khối tại huyện Bến Cầu đều được các trang trại bò sữa bao tiêu để làm thức ăn cho vật nuôi. Lê Bình.

Theo ông Phạm Thái Huân, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bến Cầu, giai đoạn 2014  - 2015, cây bắp sinh khối chỉ trồng chủ yếu ở vụ đông xuân. Gần đây, do lợi nhuận ổn định ở mức cao và nhu cầu ngày càng tăng của các đối tác bao tiêu sản phẩm nên nhiều nông hộ đã hợp đồng canh tác bắp sinh khối cả trong vụ hè thu với diện tích ngày càng tăng.

“Những khu vực đang có diện tích bắp sinh khối tăng nhanh là các xã Long Chữ, Tiên Thuận, Long Khánh (huyện Bến Cầu). Những cánh đồng ở xã Long Chữ trước đây chỉ chuyên canh tác cây lúa từ 2 - 3 vụ/năm nhưng nay đã có hơn 200ha được chuyển sang chuyên trồng bắp sinh khối. Tất cả vùng nguyên liệu này đều được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”, ông Huân thông tin.

Định cư từ nhiều đời ở đất Long Chữ, gia đình anh Trương Văn Mộng chỉ chuyên làm nông. Sau hàng chục năm canh tác cây lúa, gia đình anh cũng từng chuyển sang trồng cây mía, cây mì trên cùng mảnh đất này.

Đến thời điểm giá cả các loại cây trồng truyền thống sụt giảm kéo dài, anh Mộng tiếp tục tìm đến giống cây trồng khác, trong đó có cây bắp giống và đến cây bắp sinh khối như hiện tại. Đặc biệt, canh tác cây bắp sinh khối chỉ trong thời gian 3 tháng sẽ thu hoạch, thời gian còn lại trong năm có thể trồng thêm một đến hai vụ cây màu khác.

Thời gian trồng ngắn ngày, ít chi phí đầu tư, được bao tiêu sản phẩm... nên bắp sinh khối có nhiều lợi thế phát triển tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian trồng ngắn ngày, ít chi phí đầu tư, được bao tiêu sản phẩm... nên bắp sinh khối có nhiều lợi thế phát triển tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

"Trồng mỗi vụ bắp sinh khối chỉ khoảng 85 - 90 ngày. Mỗi năm mình làm cũng được mấy vụ. Cuối vụ các trang trại bò đến tận ruộng thu hoạch, cân mua tại chỗ với giá 1.500 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ bắp sinh khối cho thu hoạch khoảng khoảng 45 - 60 tấn/ha, lãi cũng khoảng 30 - 40 triệu đồng/ha”, anh Mộng chia sẻ.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh, bắp sinh khối là cây trồng có lợi thế ở khu vực huyện Bến Cầu nhờ thổ nhưỡng phù hợp, diện tích đất nông nghiệp lớn, ít ngập úng.

“Địa bàn huyện Bến Cầu rất gần các trại bò sữa, giúp giảm được chi phí vận chuyển nên cây bắp sinh khối trồng trên đất lúa cho lãi cao, được nông dân quanh khu vực trại bò sữa hưởng ứng. Chúng tôi cũng phối hợp với các công ty về giống, bảo vệ thực vật để sớm giúp nông dân có được giống bắp tốt, ít sâu bệnh, phát triển tốt, phù hợp sử dụng làm thức ăn cho gia súc để đưa vào cơ cấu sản xuất. Dự kiến sắp tới, diện tích trồng bắp sinh khối còn tăng nhanh”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết.

Hướng đi bền vững ở thủ phủ chăn nuôi mới

Tây Ninh được biết đến là thủ phủ mới của ngành chăn nuôi khu vực phía Nam. Các “ông lớn” của ngành chăn nuôi Việt Nam và thế giới đang đổ về Tây Ninh để đầu tư, xây dựng các trang trại quy mô lớn.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức thành công "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023". Theo đó, sẽ có hơn 4.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh. Điều này cũng thúc đẩy nhu cầu về thức ăn cho vật nuôi, trong đó, bắp sinh khối là cây trồng điển hình.

Nhờ việc phát triển đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nên nhu cầu tiêu thụ cây bắp sinh khối trong thời gian tới là rất lớn. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ việc phát triển đàn trâu bò trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nên nhu cầu tiêu thụ cây bắp sinh khối trong thời gian tới là rất lớn. Ảnh: Lê Bình.

Ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc Điều hành Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk cho biết: Trang trại bò sữa Vinamilk (huyện Bến Cầu) hiện đang chuẩn bị mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại để chăn nuôi thêm 8.000 con bò. Với diện tích 685ha, tổng đàn bò sữa của trang trại bò sữa Vinamilk dự kiến đạt 16.000 con, chiếm hơn 62% tổng đàn bò của tỉnh.

“Do đó, trang trại bò sữa Vinamilk có nhu cầu thức ăn cây bắp rất lớn. Để chủ động nguồn thức ăn, ngoài việc tự sản xuất, chúng tôi cũng đã ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm nông nghiệp định kỳ từ hơn 1.000 hộ dân trong tỉnh với khoảng 50.000 tấn bắp sinh khối, 4.000 tấn rơm/năm để chế biến thức ăn cho bò”, ông Trịnh Quốc Dũng thông tin.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi thu hoạch, toàn bộ cây, thân lá, trái bắp được cho vào hệ thống máy băm nhỏ để gia súc ăn trực tiếp hoặc chế biến sâu hơn thành thức ăn gia súc như ủ chua, dùng lâu dài. Tuy nhiên, để được bao tiêu sản phẩm, nông dân, HTX sản xuất bắp sinh khối cần tuân thủ tốt các yêu cầu về chất lượng, nhất là sản xuất an toàn, đảm bảo các điều kiện nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi bò sữa.

Bắp sinh khối sẽ được Vinamilk thu mua với số lượng rất lớn để phục vụ mục tiêu mở rộng quy mô đàn bò sữa. Ảnh: Lê Bình.

Bắp sinh khối sẽ được Vinamilk thu mua với số lượng rất lớn để phục vụ mục tiêu mở rộng quy mô đàn bò sữa. Ảnh: Lê Bình.

“Thức ăn cho bò sữa phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và đạt các chuẩn theo quy định. Vì vậy, từ khâu chọn đất, xử lý cỏ dại, chọn hạt giống đến khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng ngừa sâu bệnh hại cây bắp… người canh tác phải sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của công ty. Điều này cũng có lợi cho bà con nông dân là không phải tốn chi phí đầu tư cho thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật mà vẫn được bao tiêu sản phẩm”, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh khuyến cáo.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho biết, hiệu quả mô hình trồng ngô sinh khối đã được khẳng định. Vì vậy thời gian tới, Sở NN-PTNT thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các trạm khuyến nông sẽ vận động bà con nông dân mở rộng diện tích để tăng thu nhập.

“Với lợi thế về đất đai và hiệu quả kinh tế được chứng minh trong thời gian qua, bắp sinh khối sẽ sớm trở thành cây trồng mang tính lợi thế, hướng tới chiến lược của ngành nông nghiệp tỉnh. Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm, kết nối thêm những đơn vị bao tiêu sản phẩm để bà con trồng bắp sinh khối an tâm sản xuất, tăng thu nhập ổn định”, ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.