| Hotline: 0983.970.780

Báu vật sống

Thứ Tư 03/09/2014 , 10:09 (GMT+7)

Địa đạo Vịnh Mốc là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện thú vị.

Vòm trời và mặt đất chỉ cách nhau 1,8 m

Trưởng thôn Vịnh Mốc Hồ Minh Vừng từ đêm hôm trước đã đi từng nhà nhân chứng, theo ông Vừng đó là “báu vật sống” về Vịnh Mốc, mà chưa ai đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, hẹn để sáng mai có PV Báo NNVN gặp.

Đó là ông Hồ Văn Xuyên, tổ phó tổ đào địa đạo, người duy nhất còn sống trong 4 người đầu tiên động thổ địa đạo Vịnh Mốc và chị Hồ Thị Giữ, một trong 6 người được sinh ra tại địa đạo Vịnh Mốc, con nuôi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Làng Vịnh Mốc nằm sát biển Cửa Tùng, đẹp như tranh. Xa xa phía ngoài kia là đảo Cồn Cỏ như một con hổ nổi lên giữa biển Đông. Làng này nổi tiếng vì còn nguyên vẹn địa đạo Vịnh Mốc, được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1976. Mỗi ngày có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước về đây chui vào lòng đất “sống thử” vài phút với hơi thở của làng hầm Vịnh Mốc.

Đó là cái làng hầm mà vòm trời trên đầu và mặt đất dưới chân chỉ cách nhau chưa đầy 2 m. Độ cao của đường hầm từ 1,5 - 1,8m, rộng 1,2 - 1,5m. Thế mà một cuộc sống kỳ vĩ đã diễn ra tại làng hầm này nhiều năm trời với đầy đủ khái niệm sống chiến đấu, yêu thương, sinh con, học hành, vui chơi, giải trí...

Chỉ gần nửa tiếng đi bộ len lỏi qua 3 tầng hầm, chúng tôi đã đi hết địa đạo Vịnh Mốc với cảm giác tự hào pha chút lành lạnh sống lưng.

11-45-36_vinh-moc-1
Ông Xuyên nói “còn cả một huyền thoại” trong địa đạo Vịnh Mốc

Nhưng để có được địa đạo - làng hầm này, câu chuyện như một huyền thoại đưa chúng ta trở về năm 1963. Khi ấy, ông Trần Nam Trung từ Trung ương Cục Miền Nam trên đường ra Bắc công tác đã ghé thăm làng chiến đấu ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

Ông Trung gợi ý Vĩnh Linh nên tổ chức đào địa đạo như Củ Chi để sử dụng an toàn hơn vì cuộc chiến tranh dự báo ngày càng khốc liệt. Sau gợi ý ấy, địa đạo đầu tiên ra đời từ làng Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, tuy nhiên cũng chỉ sâu cách mặt đất 7 m.

Đến cuối 1968, có gần 70 làng của 15 xã ở huyện Vĩnh Linh có địa đạo - làng hầm. Sau 1975, địa đạo Vịnh Mốc là làng hầm duy nhất còn khá nguyên vẹn và dường như có sức mạnh riêng của nó.

Đến nỗi một nhà báo Nga vẫn không tin là bom Mỹ thả xuống địa đạo nhưng vẫn không sập. Vì độ sâu mỗi quả bom ấy gây ra chỉ 7 m, trong lúc độ sâu của địa đạo, nơi sâu nhất đến 23 m nên làm sao sập được.

Báu vật sống

Ông Xuyên kể, một ngày giữa tháng 6/1965, ông là một trong bốn người đầu tiên đào địa đạo Vịnh Mốc. Ngày đó ông giữ chức tổ phó tổ đào địa đạo, ba người khác là ông Ngô Trạn tổ trưởng, ông Lê Hồng Trí và ông Hồ Dơi, cả ba người ấy nay đã qua đời.

Ông Xuyên nhớ như in sau khi chọn được vị trí hội đủ các yếu tố cần thiết, bốn ông bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống đất, báo hiệu cho sự khai sinh địa đạo Vịnh Mốc. Ví trí đầu tiên ấy là cái giếng thông hơi, được đào sâu xuống lòng đất. Sau đó từ độ sâu nhất định mọi người tiếp tục đào theo các hướng khác nhau.

Chẳng có ai thiết kế sẵn sơ đồ địa đạo, mà chỉ vạch sơ đồ bằng mấy đường đơn giản trên mặt đất. Cách nhau chừng 50 m thì có một giếng thông hơi.

Trong đường hầm còn có hội trường đủ chỗ đến 60 người, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, kho gạo, trạm điện thoại... duy trì cuộc sống sinh hoạt của nhân dân trong hơn 2.000 ngày đêm. Mãi đến đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, nhân dân Vịnh Mốc rời lòng đất, bắt tay xây dựng lại cuộc sống mới.

Từ vị trí các giếng này người đào hầm dùng mắt thường ước lượng hướng đi các đường hầm dưới lòng đất để kết nối với nhau. Mỗi tổ đào gồm 4 đến 5 người khai phá lòng đất. Mỗi gia đình trong làng phục vụ một ngày cơm nước cho thợ đào hầm. Cứ luân phiên như vậy hàng năm trời cho đến khi đào xong địa đạo.

Đôi khi đào mãi mà không giáp mặt nhau bà con dùng cuốc, xẻng đập thình thịch vào bờ đất, áp tai lắng nghe tiếng động từ phía đối diện. Nhưng rồi trong bóng đêm, bằng sức mạnh và niềm tin, họ cũng sớm tìm được nhau và vỡ òa hạnh phúc khi hai mũi đào thông tuyến dưới lòng đất.

Địa đạo Vịnh Mốc có kiến trúc như một tòa lâu đài cổ bằng đất, là một công trình sáng tạo tập thể được hàng ngàn người góp sức làm nên. Hệ thống đường hầm của địa đạo có 3 tầng âm sâu lần lượt 10m, 15m và 23 m với tổng chiều dài hơn 2.000m, nay còn lại 1.701 m, 13 cửa ra vào. Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu vào tạo ra những căn hộ nhỏ đủ chỗ cho gia đình 2 đến 5 người sinh hoạt.

11-45-36_vinh-moc-3
Du khách đang quan sát sơ đồ trước khi xuống “sống thử” với làng hầm địa đạo Vịnh Mốc

Mặt bằng đường hầm được làm nghiêng nhẹ để dễ thoát nước.

Con nuôi Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Vừa kể chuyện ông Xuyên chỉ tay sang chị Hồ Thị Giữ, ánh mắt ông sáng lên rồi giới thiệu chị là một trong 6 người con chính thức được sinh ra ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc (trong 18 đứa bé ở địa đạo Vịnh Mốc thì có 12 bé được sinh từ các hầm chữa A ở khu vực xung quanh, rồi sau đó mới được đưa xuống sống trong địa đạo).

Tỉnh Quảng Trị đang trình hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” là Di tích đặc biệt quốc gia. Trong đó ngoài địa đạo Vịnh Mốc đang khai thác du lịch còn có 8 địa đạo khác có khả năng bảo tồn.

Năm 1966, đang đào địa đạo Vịnh Mốc, ông Xuyên nhận được thông báo ra Hà Nội dự đại hội Thanh niên tiến tiến toàn miền Bắc. Lúc đó ông Xuyên 31 tuổi.

Vừa bước vào đại hội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ trên bục hội nghị đã dõng dạc: Xin hỏi có đồng chí Xuyên ở địa đạo Vịnh Mốc, đặc khu Vĩnh Linh có mặt ở đại hội không? Mời đồng chí lên phía trước hàng ghế danh dự gặp Thủ tướng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt tay ông Xuyên và hỏi thăm sức khỏe bà con Vĩnh Linh. Bất chợt da mặt ông Xuyên tái xanh, thấy vậy Thủ tướng hỏi, vì sao đánh giặc giỏi mà lên đây thì như vậy. Ông Xuyên từ tốn trả lời vì tôi quá xúc động trước sự quan tâm, chia sẻ của Thủ tướng.

Cho đến hôm nay, ông được xem là “báu vật sống” của Vịnh Mốc. Vị trí cao nhất mà ông Xuyên đảm nhận là Chủ nhiệm HTX ở Vịnh Mốc. Năm 1974, lần thứ hai ông vinh dự được gặp Thủ trướng Phạm Văn Đồng vào thăm Vịnh Mốc, Vĩnh Linh.

Sau khi Thủ tướng hỏi thăm và biết được chị Hồ Thị Giữ là đứa bé được sinh ra tại địa đạo Vịnh Mốc vào năm 1967 và rất chăm ngoan nên Thủ tướng xin cha mẹ chị Giữ được nhận chị làm con nuôi để chia sẻ phần nhỏ những thiệt thòi cho tuổi thơ trong vùng chiến tranh của chị.

Trước khi chia tay bà con Vịnh Mốc, Thủ tướng căn dặn cha mẹ chị Giữ cố gắng nuôi con học xong THPT, Thủ tướng sẽ đưa ra Hà Nội tiếp tục đi học để sau này trở thành người cán bộ cho huyện Vĩnh Linh.

Tình cảm của Thủ tướng giành cho gia đình chị Giữ như một món quà đầy ân tình thủy chung. Lúc ấy Thủ tướng xin đặt lại tên cho chị Giữ là Hồ Thị Chiến, nghĩa là luôn chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.

Vậy là chị Giữ được Thủ tướng cho theo đoàn lên huyện Vĩnh Linh, đi thăm chơi một thời gian rồi trở về Vịnh Mốc tiếp tục học hành. Những năm sau đó thư ký của Thủ tướng thường xuyên gọi điện về Vĩnh Linh hỏi thăm tình hình học hành của chị Giữ.

Song do hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn nên chị Giữ học xong THCS thì ở nhà, lấy chồng tại làng. Bây giờ vợ chồng chị Giữ có hai người con và trở thành ông bà nội hạnh phúc mỗi ngày bên con cháu của mình.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

10ha rừng Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang bốc cháy trong đêm

Hà Giang Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, đêm 26/4, địa phương này ghi nhận có vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực rừng Tây Côn Lĩnh, thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích khoảng 10ha.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm