| Hotline: 0983.970.780

Bến sông mòn mỏi một bóng đò

Thứ Sáu 21/06/2013 , 09:11 (GMT+7)

Bài hát “Người lái đò trên sông PôKô” (thơ Mai Trang, nhạc Cầm Phong) cứ vang mãi trên đường từ TP. Pleiku về biên giới - nơi có những bến sông huyền thoại.

“Dòng PôKô sáng ngời tên anh/Làng buôn ca hát gọi tên anh/Dù sông kia có cạn/Dù non kia có mòn/Chiến công anh không mờ, đời đời rực sáng…”. Bài hát “Người lái đò trên sông PôKô” (thơ Mai Trang, nhạc Cầm Phong) cứ vang mãi trên đường từ TP. Pleiku về biên giới - nơi có những bến sông huyền thoại.

TRỞ LẠI PÔKÔ

Lần này đến PôKô, tôi gặp hai ông già từng là những tay chèo lão luyện một thời đưa bộ đội qua sông, từng là đồng đội của Anh hùng A Sanh: Rơ Châm Lim ở làng J’răng và Rah Lan Pêng ở làng Nú (cùng ở xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai). Hai ông già gần bảy mươi hồi tưởng và kể lại cho tôi nghe những tháng ngày ác liệt và hào hùng của mình cùng đồng đội trên dòng sông quê hương.

Sông PôKô uốn lượn quanh nững sườn núi, cánh rừng già của Tây Nguyên nên nhiều đoạn có những gềnh đá cao, tạo nên những dòng nước xiết nguy hiểm. Tuy nhiên có những nơi, dòng sông trải rộng, hiền hòa và yên bình với những doi đất giữa dòng. Chính những nơi này được chọn làm bến đò đưa bộ đội vượt sông.

Ngày ấy, đoạn sông PôKô chảy qua địa phận Gia Lai được bố trí 3 bến đò là bến phà 6, phà 8 và phà 10, mỗi bến cách nhau khoảng 500 mét để phòng địch đánh bất ngờ. Tiểu đội chèo đò của mặt trận B3 hồi ấy được thành lập gồm 6 người, chia làm 3 đội (do A Sanh, rồi đến ông Rơ Châm Lim làm tiều đội trưởng).

Trời tối là những chuyến đò ngang xuất phát đưa bộ đội lướt trên con sóng dữ. Chuyến này sang là người khác chèo thay, đi chuyến tiếp theo. Cứ vậy cho mãi đến sáng. Cũng có những lúc phải mạo hiểm chèo đò ban ngày để bộ đội kịp hành quân, tham gia những trận đánh lớn như thời điểm mùa khô 1964-1966.

Để đảm bảo an toàn cho bộ đội sang sông, ngoài tiểu đội chèo đò, còn có một tiểu đội phòng không đề phòng máy bay Mỹ, một tiểu đội bảo về ở bờ bên kia. Đò lúc ấy được đục ra từ những thân gỗ lớn chặt từ rừng sâu, gọi là thuyền độc mộc (mỗi con đò là nguyên một thân cây gỗ lớn đục ra). Thuyền nhỏ chở được 10 người, thuyền lớn hơn chở từ 15 đến 20 người.

Công việc chèo đò là vô cùng vất vả và nguy hiểm, nhưng cũng rất vui. Ông Rah Lan Pêng kể: Tùy vào tình hình mà có khi chỉ chở cấp đại đội sang sông, nhưng cũng có những lúc phải chở cấp trung đoàn, sư đoàn. Những lúc ấy phải thức trắng đêm, kể cả đi vào ban ngày, thậm chí có lúc còn không kịp ăn cơm.


Ông Ra Lan Pêng và thuyền độc mộc trên dòng PôKô

 Mệt đấy, nguy hiểm đấy, nhưng vui và tự hào vì được đưa bộ đội ta ra tiền tuyến đánh giặc để giải phóng quê hương, vui vì được gặp nhiều người từ miền Bắc vào. “Có khi còn được chở cả bộ đội gái nữa. Hồi đó mình còn trẻ, chưa có vợ mà”, già Pêng cười móm mém.

Tuy nhiên cũng có những lúc buồn vô kể. Già Pêng và già Lim cùng đồng đội không bao giờ quên một chuyến đò định mệnh. Đó là vào mùa mưa 1965, Rơ Châm Lim và A Sanh phụ trách chở một tiểu đoàn bộ đội từ miền Bắc hành quân vào. Sông PôKô vào mùa mưa nước lớn, sóng dữ, ngày ấy lại chưa có áo phao nên Rơ Châm Lim và A Sanh bảo bộ đội cởi quần áo, giày và súng, xếp hết xuống đáy thuyền, nhưng ông tiểu đoàn trưởng lệnh phải hành quân gấp nên cứ để nguyên vậy sang sông.

 Ra đến giữa dòng, gặp xoáy nước, thuyền tròng trành. Bộ đội trẻ chưa có kinh nghiệm thấy vậy hoảng hốt, ngồi không yên, có người còn nhảy xuống sông. Thuyền chìm, 20 người thì 10 người hy sinh trong dòng nước dữ (có người nói vì chuyến đò này mà sau này, A Sanh chậm được phong Anh hùng).

Năm 1967, Rơ Châm Lim được cử ra học ở miền Bắc. A Sanh cùng đồng đội vẫn cần mẫn với những chuyến đò ngang, đưa bộ đội sang sông. Đến khi có xuồng máy thì tiểu đội chèo đò giải tán.

GẶP VỢ CỦA ANH HÙNG CHÈO ĐÒ

Vợ của Anh hùng A Sanh, bà Siu Pil, nói: “Nó (A Sanh) tên là Puih San. Cái tên A Sanh là do người Kinh gọi đấy!”.

A Sanh người J’rai, sinh năm 1937 ở làng Nú (xã Ia Khai) bên dòng PôKô. Tuổi thơ ông cùng bạn bè gắn liền với dòng sông nên ai cũng giỏi bơi lội và chèo thuyền độc mộc. Ông nhập ngũ ngày 15/6/1961, làm A trưởng sông PôKô, phụ trách tiểu đội chèo đò đưa bộ đội sang sông.

Cầm chèo 7 năm, đến ngày 17/4/1968 ông được ra miền Bắc học tập. Ngày 29/8/1970, ông được phân công trở về Tây Nguyên, công tác ở huyện đội Khu 3 thuộc tỉnh đội Gia Lai- Kon Tum. Ngày 1/12/1980, ông về nghỉ mất sức, sống ở quê vợ tại làng Bi Ia Yom, xã Ia Krăi (huyện Ia Grai). Ông về với cõi Atâu (cõi ma - chết) ngày 8/2/2000.

Vợ ông, bà Siu Pil (cũng người J’rai) kém ông đúng hai mươi tuổi, hiện sống với con trai út là Siu Blinh trong một căn nhà xây tuềnh toàng ở làng Bi Ia Yom. Bà kể: Bà thoát ly theo du kích khi còn rất nhỏ (bà không nhớ rõ năm nào). Công việc lúc ấy của Siu Pil cùng những chị em khác là vận chuyển (gùi, cõng) lương thực, đạn dược từ hậu phương vào kho (một cái hang lớn trong rừng), rồi từ kho đến các đơn vị bộ đội để phục vụ sinh hoạt và chiến đấu.

Siu Blinh dịch lại lời kể của mẹ cho tôi nghe, đại ý: Hồi ấy ở trong rừng với mưa bom bão đạn, rồi bị địch càn quét, lại thiếu thốn trăm bề, nhất là phụ nữ nên càng khó khăn hơn. Nhiều hôm cõng hàng quá nặng, leo lên con dốc dựng đứng ngã lăn xuống chân dốc, mấy chị em cùng ôm nhau khóc. Có những lúc cõng bộ đội bị thương, dù rất nặng nhưng thấy các anh đau quá nên cố chạy thật nhanh, về đến nơi mệt tưởng đứt hơi…

Tuy thời ấy gian khổ và nguy hiểm cận kề, nhưng lại rất vui bởi có nhiều chị em cùng làng, cùng xã tham gia du kích (vợ ông Rah Lan Pêng, bà K’sor Pyếp cũng đi du kích thời ấy). Ngày ấy, những lúc xong việc, chị em thường được sinh hoạt chung. Đó là những buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa và đáng nhớ bởi được nghe cán bộ kể về miền Bắc, về Bác Hồ, được học múa, học hát…

 Cũng chính trong những lần sinh hoạt ấy, Siu Pil đã “phải lòng” anh du kích J’rai cùng xã, hai người xin phép tổ chức, làm đám cưới tại chiến khu- đám cưới tuy không có rượu cần, heo, bò, gà… nhưng lại rất ấm tình đồng đội. Những tưởng hai người được sống bên nhau trọn đời…

Thật ra, chàng rể trong đám cưới ấy không phải là A Sanh (Puih San), mà là… em trai ruột của A Sanh. Giải ngũ do sức khỏe không tốt, vợ chồng bà Siu Pil về làng sinh sống. Trong một lần đi rẫy, chồng bà bị chết do đạp phải mìn. Hai người đã có với nhau một đứa con nhưng cũng bị chết từ rất nhỏ do bệnh.

Bà Siu Pil kể qua lời dịch của con trai: Năm 1970, A Sanh từ miền Bắc về hoạt động tại quê hương. Được biết em trai mình đã có vợ và đã chết; thương em dâu sớm mất chồng, cuộc sống khó khăn nên A Sanh xin phép làng, xin phép tổ chức, cưới Siu Pil làm vợ (cũng có thể do tục nối dây của người Tây Nguyên).

Vợ chồng A Sanh- Siu Pil có với nhau bốn người con, đến năm 2000, ông chết. Bây giờ, con cả (con gái tên Siu Pih) có chồng, nhà ở chung vách với bà, hai người con trai cưới vợ làng khác, bà sống với con trai út.

Ngày 22/8/1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho A Sanh vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc chống Mỹ cứu nước”.

Tuy nhiên, đời sống của gia đình vị Anh hùng này hết sức khó khăn. Lúc còn sống, A Sanh đã từng làm đơn xin hưởng chế độ do quá khó khăn. Ông chết, gánh nặng gia đình đè hết lên đôi vai vốn dĩ đã gầy guộc của bà. Căn nhà cũ rách nát không thể ở được, bà phải cắt bớt đất nhường cho người khác, người ta làm cho mẹ con bà ngôi nhà xây tuềnh toàng bây giờ.

 Hiện hai mẹ con sống dựa vào 4 miếng ruộng nước (gần 1 sào), khoảnh mỳ (sắn), khoảnh điều. Siu Blinh nói: “Nhiều tháng thiếu ăn, hai mẹ con phải “ké” chị cả bên cạnh nhà”.

Tuổi cao, sức yếu, nhưng hằng ngày bà vẫn phải đi làm ruộng, làm rẫy. Hôm tôi vào, hai mẹ con đang ở ngoài ruộng. Nhi (cán bộ Tư Pháp xã) phải gọi điện để Siu Blinh chở mẹ về.

Khi nghe tôi đề nghị ra thăm mộ A Sanh (chôn ở nghĩa trang huyện Ia Grai), bà nói buồn: “Người J’rai khi đã làm lễ bỏ mả thì không được ra thăm mộ nữa”. Nhưng bà vẫn rất nhớ chồng. Những lúc như vậy, bà lại tìm ra bờ sông, nơi bến đò năm xưa ông làm A trưởng, dõi mắt theo dòng nước bạc để thả hồn trở về sống với một thời gian khó mà hào hùng, để tìm một “bóng đò” thân yêu vĩnh viễn không bao giờ trở về với mẹ con bà.

Bến sông, mòn mỏi một bóng đò…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm