| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm cà phê Tây Nguyên

Bền vững từ mô hình cà phê cảnh quan

Thứ Năm 27/04/2023 , 06:00 (GMT+7)

Những năm qua mô hình cà phê cảnh quan do Trung ương và địa phương triển khai đã mang lại nhiều thay đổi, giúp ngành hàng này phát triển bền vững.

Nông dân hưởng lợi

Bài liên quan

Những năm qua, giá vật tư đầu vào tăng cao, cà phê canh tác theo lối truyền thống không mang lại hiệu quả nên các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông tại xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã chuyển sang canh tác theo mô hình cà phê cảnh quan.

Đến nay, 255ha cà phê của các thành viên thuộc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đều được xây dựng theo mô hình cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng. Trong đó, tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây tiêu dùng để che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung là trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ.

Còn thảm thực vật giúp chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Việc áp dụng thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Còn đối với tầng cao, cây ăn trái và hồ tiêu giúp tăng thêm thu nhập ngoài cà phê.

255ha cà phê của các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đều được xây dựng theo mô hình cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng. Ảnh: Quang Yên.

255ha cà phê của các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông đều được xây dựng theo mô hình cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng. Ảnh: Quang Yên.

Bài liên quan

Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, để đảm bảo mô hình cà phê hữu cơ, các thành viên lựa chọn vùng đất không nằm trong khu vực ô nhiễm của các nhà máy, khu dân cư.

Để tách biệt với những gia đình trồng cà phê truyền thống, các hộ dân làm cà phê hữu cơ trồng cây thành vùng đệm dọc các tuyến đường và vườn giáp ranh. Việc này chống nhiễm chéo giữa các vườn và giúp cà phê tránh gió, cây trồng phát triển xanh tốt hơn.

“Từ khi thực hiện mô hình cà phê cảnh quan, người dân không sử dụng thuốc cũng như phân bón bảo vệ thực vật để bỏ vào vườn cây. Thay vào đó, nông dân sử dụng phân vi sinh hoặc phân dê, bò, vỏ cà phê để chế biến sản phẩm phân chất lượng bón cho cây trồng. Ngoài ra, các hộ dân cũng nhân nuôi vi sinh vật bản địa để phun, tưới cho vườn cây. Việc lựa chọn sử dụng phân vi sinh, tận dụng các phế phẩm từ cà phê giúp các gia đình tiết kiệm hơn 40% chi phí đầu tư”, ông Thạch chia sẻ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông cho biết thêm, sự thành công của mô hình có sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, các dự án khác tại địa phương. “Nếu không có sự đồng hành từ các dự án thì HTX rất khó để xây dựng thành công mô hình cà phê cảnh quan như hiện nay”, ông Thạch nói thêm.

Tương tự tại Đắk Lắk, cụm cảnh quan cà phê bền vững do công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 (Simexco) Đắk Lắk phối hợp cùng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững - IDH và Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) tài trợ, với tổng diện tích 5.200ha. Khoảng 4.000 nông hộ ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya (huyện Krông Năng), đã tham gia dự án và bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Tham gia mô hình cà phê cảnh quan giúp nông dân giảm chi phí, giá bán sản phẩm cao hơn cách canh tác truyền thống. Ảnh: Quang Yên.

Tham gia mô hình cà phê cảnh quan giúp nông dân giảm chi phí, giá bán sản phẩm cao hơn cách canh tác truyền thống. Ảnh: Quang Yên.

Các hoạt động chính trong dự án gồm xây dựng mô hình cụm cảnh quan cà phê bền vững; tái cấu trúc chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp, tư vấn phân tích đất và sử dụng hóa chất nông nghiệp; thành lập và nâng cao năng lực của các hợp tác xã và học tập sáng tạo thông qua tập huấn nông dân chia sẻ mô hình ứng dụng công nghệ và sáng kiến mới.

Ngoài việc hỗ trợ phân bón hữu cơ, các loại cây trồng xen, các đơn vị đã phối hợp xây dựng được 30 mô hình tưới nước tiết kiệm, cùng với nhiều hỗ trợ khác cho nông dân như lắp đồng hồ đo lượng nước tưới, hồ dự trữ nước mùa khô...

Khi tham gia dự án, nông dân được sử hướng dẫn lắp đặt, áp dụng đồng hồ đo nước. Mục tiêu của chương trình đến năm 2025 là, 100% cà phê sản xuất ra đạt tiêu chuẩn bền vững được thị trường đón nhận; giảm 25% lượng nước tưới sử dụng, giảm 15% lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, tăng 30% thu nhập của nông dân trồng cà phê.

Ông Tạ Duy Thanh, xã Ea Tân, huyện Krông Năng gắn bó với cây cà phê hơn 20 năm, trước đây canh tác theo cách truyền thống nên chi phí đầu tư cao nhưng lợi nhuận thu lại thấp. Từ khi tham gia mô hình, ông Thanh nhận thấy chăm sóc cà phê không vất vả nhưng lợi nhuận từ vườn tăng cao.

“Tham gia chương trình cà phê cảnh quan bền vững, tôi được đi tập huấn để chăm sóc cà phê, giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân vi sinh hữu cơ, tưới nước tiết kiệm. Chúng tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kiến tạo thành khu vườn đa tầng từ cao đến thấp, và được bố trí phù hợp thông thoáng, ánh sáng trải đều nên các loại cây xanh tốt quanh năm, năng suất cao hơn trước và thu nhập ổn định. Ngoài cả phê, gia đình còn thu hoạch sản phẩm của những loại cây trồng khác trong vườn”, ông Thành nói.

Bền vững từ mô hình cà phê cảnh quan

Theo lãnh đạo Công ty Simexco Đắk Lắk, nhằm tạo vùng nguyên liệu cà phê bền vững, từ năm 2009 đến nay, doanh nghiệp đã liên kết với trên 8.500 nông hộ trong toàn tỉnh với tổng diện tích trên 12.000ha.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan mô hình cà phê cảnh quan tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham quan mô hình cà phê cảnh quan tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Cà phê cảnh quan lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các loại cây che nắng, chắn gió, cây thảm phủ, cây làm đai cách ly, giúp vườn cà phê đẹp hơn, phát triển tốt hơn trong các điều kiện thời tiết bất lợi. Dự án hướng tới nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, với việc cà phê trong cụm cảnh quan được chế biến theo phương pháp chất lượng cao và cà phê đặc sản. 

“Việc phát triển cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu. Canh tác cảnh quan cà phê chính là quá trình hoàn thiện, cải tiến và thúc đẩy tiểu hệ sinh cảnh cà phê tiệm cận hệ sinh thái rừng hiệu quả, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường”, lãnh đạo Công ty Simexco Đắk Lắk nói.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, diện tích cà phê lớn nhất cả nước, năng suất, chất lượng cao và cây cà phê tỉnh hiện nay, chủ yếu được trồng ở vùng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo ông Dương, phát triển cà phê chất lượng cao theo hướng xanh và bền vững được xem là định hướng quan trọng cho sản xuất, chế biến, bảo quản góp phần quan trọng nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, HTX và doanh nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, sản xuất cà phê theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở hình thành các HTX trong chuỗi ngành hàng cà phê gắn với các chương trình dự án, như chương trình cà phê cảnh quan; đề án cà phê chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; đề án cà phê đặc sản và đề án cà phê bền vững của tỉnh...

Cà phê cảnh quan giúp ngành hàng này phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Cà phê cảnh quan giúp ngành hàng này phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

“Mục tiêu của các chương trình này là nâng cao chất lượng, giảm phân hóa học, thuốc trừ sâu, nâng cao tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, tăng thảm phủ theo hướng bền vững bảo vệ tài nguyên đất và nước, giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững.

Tăng trưởng xanh gắn liền với mục tiêu nền kinh tế có lượng phát thải các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, đây là xu hướng bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai”, ông Dương nói thêm.

Theo các cơ quan chức năng, mô hình cà phê cảnh quan đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học, 17% lượng nước tưới; 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm