Đến thời điểm này, tác nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn tiêu da bò vẫn chưa được xác định rõ
Hiện nay, nhiều nơi trồng nhãn ở vùng ĐBSCL như Cai Lậy, Cái Bè (Tiền Giang), Đồng Phú, Hòa Ninh, An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long), Châu Thành, Chợ Lách (Bến Tre) đang bị một căn bệnh tàn phá làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất của cây nhãn. Người dân ở mỗi nơi dựa vào hình thù của bộ phận cây bị bệnh mà gọi căn bệnh này bằng rất nhiều tên gọi khác nhau, như: chổi rồng, đầu lân, bông lúa mì, bông lục bình… Thật ra, căn bệnh này được giới chuyên môn gọi là “witches’ broom” (chổi của phù thủy). Tác nhân bệnh có thể là do lây truyền qua vector - côn trùng và nhện chích hút.
Căn bệnh này được ghi nhận cụ thể như sau: ở đầu mỗi nhánh thay vì đâm bông để cho trái thì lại ra một chùm đọt với chồi, lá nhỏ quắn quéo, quăn queo, trông xa như một chùm bông có màu vàng đậm. Chùm đọt này với thời gian sẽ chuyển màu nâu rồi khô héo dần, khiến cây nhãn không thể đâm bông kết trái được. Theo các nhà khoa học, bệnh chổi rồng đã xuất hiện hơn 5 năm nay ở miền Đông Nam bộ.
Trong 3 năm gần đây, bệnh lây lan mạnh ở ĐBSCL. Với bà con nông dân, căn bệnh mới này chưa có cách trị hữu hiệu. Cách thức phòng tránh, bà con nhà vườn cũng không rõ; mỗi nơi, mỗi nhà thực hiện theo kinh nghiệm riêng của mình. Còn với giới khoa học, căn bệnh mới này hiện nay đang trong thời gian nghiên cứu. Được biết, Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu đề tài bệnh chổi phù thủy này 3 năm qua, nhưng hiện giờ mới chỉ có được kết luận là do các loài nhện chích hút truyền bệnh.
Chuyên gia Lê Văn Đơn, dựa vào kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam, đã có nhận định về tác nhân gây bệnh chổi rồng: “nhện lông nhung (Eirophyes litchii Keifer) là vectơ truyền bệnh gây nên bệnh chổi rồng trên nhãn. Đây là loài nhện có kích thước rất nhỏ, chiều dài cơ thể khoảng 0,12 - 0,17mm, thân màu trắng vàng. Dưới kính hiển vi, cơ thể chúng có dạng củ cà rốt, đầu tù, đuôi thon nhỏ. Phần ngực có hai đôi chân; đuôi có một đôi lông; số vòng lưng bụng của thân tương đối giống nhau khoảng 70 - 72 vòng. Trứng hình tròn trong suốt. Do không thể quan sát được bằng mắt thường nên việc kiểm soát và phòng trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Từ nguồn tin của Đài truyền hình Bến Tre, Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng, Giám đốc Bệnh viện cây ăn quả ĐBSCL lại cho biết, đến thời điểm này, tác nhân gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn tiêu da bò vẫn chưa được xác định rõ, các mẫu bệnh đã được gửi sang các chuyên gia Bệnh viện cây trồng Quốc tế nghiên cứu. Theo giới chuyên môn, việc nghiên cứu còn khó khăn vì thiếu phương tiện kĩ thuật hiện đại, như kính hiển vi điện tử. Có điều kiện này, hi vọng kết quả định bệnh mới có tính thuyết phục được.
Theo Giảng viên chính Dương Minh, Tổ bệnh cây của Khoa NN & SHƯD Trường đại học Cần Thơ, trong lúc chờ kết quả nghiên cứu khoa học, người trồng nhãn có thể hạn chế lây lan bệnh "chổi rồng" bằng các cách thức sau: 1/ Cắt bỏ cành bệnh sâu xuống 40 - 50 cm từ phần bệnh. Cần hơ lửa kéo cắt sau mỗi lần cắt (bằng quẹt gas). 2/ Phun thuốc trừ nhện và rầy bằng hỗn hợp dầu khoáng (3 ml/ lít) kết hợp với abamectin hay emamectin (theo liều khuyến cáo). Cần chú ý phòng trừ các loài chích hút mang mầm bệnh vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4 đến tháng 5 dl và lúc "hạn bà chằn" tháng 7 đến tháng 8 dl. 3/ Chú ý đề phòng sâu đục ngọn ở đầu cành nhãn vì sẽ tạo điều kiện để bệnh lây lan. Khi thấy đọt nhãn bị héo, có thể dùng tay (hay kéo) bẻ bỏ, phần héo phải thiêu hủy để hạn chế lây lan.
Cũng theo Th.S. Dương Minh, do chưa có nhiều nghiên cứu, việc phòng trị căn bệnh này còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên do sâu xa của căn bệnh này cũng được ông nhận định, có thể do những năm qua, chúng ta nhập giống tràn lan từ nhiều nguồn, kể cả hoa kiểng, đã vô tình mang theo nguồn côn trùng (vectors) gây bệnh, hoặc cả cây bệnh. Theo đó, các nhà nghiên cứu chúng tôi rất khó đáp ứng kịp yêu cầu thực tế khi bệnh bộc phát.
Trong khi chờ kết quả nghiên cứu, thiết nghĩ về cách phòng trị, nhà vườn nên theo gợi ý của nhà chuyên môn. Riêng bà con nông dân nào có được thực tiễn phòng trị tốt, cũng nên thông tin góp sức với giới nghiên cứu khoa học để sớm có được quy trình phòng trị bệnh hữu hiệu giúp người trồng nhãn; tránh để bệnh phát triển mạnh có thể gây nên dịch tiêu diệt vườn nhãn vùng ĐBSCL, rồi lan sang các cây ăn trái khác. Vì hiện nay, tỉ lệ cây bệnh trong vườn đã có chiều hướng gia tăng. Theo khảo sát của ông Lê Văn Đơn, có nơi tỉ lệ cây bệnh đã ở mức trên dưới 20%, cá biệt có nơi thiệt hại đã lên tới mức báo động 70% như ở cồn Cái Gà, Bến Tre chẳng hạn.