| Hotline: 0983.970.780

Bệnh héo rũ Panama có thể xóa sổ nhiều vùng chuối

Thứ Sáu 24/07/2020 , 08:56 (GMT+7)

Hiện nay tỷ lệ nhiễm bệnh héo rũ Panama chưa cao nhưng nếu không đối phó đúng cách, nó có thể lây lan nhanh, xóa sổ nhiều vùng trồng chuối.

Đoàn kiểm tra của Cục Bảo vệ Thực vật, Viện Bảo vệ Thực vật và Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra vùng trồng chuối tiêu ở xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Đoàn kiểm tra của Cục Bảo vệ Thực vật, Viện Bảo vệ Thực vật và Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra vùng trồng chuối tiêu ở xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tuần qua, Cục Bảo vệ Thực vật cùng Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Bảo vệ Thực vật và Cục Trồng trọt đã lập đoàn công tác, khảo sát tình hình bệnh héo rũ Panama trên chuối ở một số khu vực trồng chuối phía Bắc.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, từ 20-23/7, đoàn đã khảo sát tại 4 địa phương là Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội và Hưng Yên. Trong đó, các vùng trồng chuối ở Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội đã xuất hiện bệnh, trong khi ở Hưng Yên, bệnh héo rũ Panama chưa có xuất hiện rõ rệt.

“Bệnh héo rũ Panama có nguy cơ phát triển mạnh nếu chúng ta mở rộng diện tích trồng chuối. Tại Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội có một số khu vực nhiễm bệnh cao và người dân phải chặt bỏ. Thậm chí, ở Mường Khương, Lào Cai, sau khi chặt bỏ chuối bệnh rồi trồng lại thì lại tiếp tục nhiễm bệnh”, ông Nguyễn Quý Dương đánh giá sơ bộ sau chuyến khảo sát.

Hiện nay, diện tích trồng chuối ở Phú Thọ và Hà Nội vào khoảng 3.000 ha, trong khi đó Hưng Yên có khoảng 2.500 ha trồng chuối. Đây là các địa phương có điểm tương đồng khi trồng chuối ở vùng ven sông, bãi bồi. Trong khi 2 địa phương còn lại đang xảy ra tình trạng héo rũ Panama thì ở Hưng Yên bệnh lại không đáng kể.

Nguyên nhân được cho là cách đây 2 năm, diện tích chuối tiêu hồng ở Hưng Yên có bị nhiễm bệnh nhưng người dân đã nhanh chóng chuyển đổi sang chuối tây để canh tác, có khả năng kháng héo rũ Panama tốt hơn rất nhiều.

Ông Dương cho biết, do chuối tây chỉ có thể phục vụ nhu cầu trong nước và xuất được sang Trung Quốc, nên nhiều địa phương miền Bắc đang có nhu cầu phát triển diện tích trồng chuối tiêu, vốn được các thị trường phương Tây ưa chuộng.

“Nếu muốn trồng chuối tiêu, các địa phương chắc chắn phải quan tâm đặc biệt đến loại bệnh này. Nếu chủ quan, không để ý có thể bị xóa sổ cả vùng trồng. Trước đây, ở các nước Nam Mỹ đã xảy ra tình trạng cả vùng trồng chuối tiêu bị xóa sổ do bệnh héo rũ Panama”, ông Dương cảnh báo.

Người dân ở huyện Khoái Châu chuyển đổi nhiều diện tích trồng chuối tiêu sang chuối tây để tránh bệnh héo rũ Panama. Ảnh: Tùng Đinh.

Người dân ở huyện Khoái Châu chuyển đổi nhiều diện tích trồng chuối tiêu sang chuối tây để tránh bệnh héo rũ Panama. Ảnh: Tùng Đinh.

Giải pháp

Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, giải pháp đối phó với héo rũ Panama hiện nay trước tiên vẫn là giống, sau đó mới tính đến các phương án chuyển đổi cây trồng.

Chia sẻ thêm về giống kháng héo rũ Panama, TS Nguyễn Văn Dũng, Viện phó Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, hiện nay đơn vị đã xác định được dòng có khả năng kháng tốt với bệnh héo rũ Panama, có nhiều đặc điểm tốt (được nhóm nghiên cứu đặt tên là giống chuối GL3-5).

Giống GL3-5 đang được đưa ra trồng khảo nghiệm tại một số vùng như xã Bản Nguyên, Cao Xá (huyện Lâm Thao, Phú Thọ); xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên)... Đây là những vùng chuyên canh chuối có bệnh héo rũ Panama, nhiều nhà không trồng được chuối tiêu do dịch bệnh này.

Kết quả, giống GL3-5 sinh trưởng ổn định, chiều cao cây 2,5m, chu vi thân 59 - 60cm, 8 - 9 nải/buồng, thời gian sinh trưởng 350 - 360 ngày. Mặc dù trồng xen kẽ với chuối bệnh đã 4 năm nhưng GL3-5 vẫn phát triển tốt.

Ngoài khả năng kháng bệnh, GL3-5 còn được người dân ưa chuộng bởi mẫu mã và chất lượng quả chuối rất tốt, đem lại lợi ích kinh tế cao. Trong khi đó, giống FOC-05 có khả năng kháng bệnh héo rũ Panama tốt hơn nhưng quả thưa, gầy nên không được người dân sử dụng.

Ông Nguyễn Quý Dương cho biết, sẽ tham mưu cho các địa phương rà soát, đánh giá lại tỷ lệ chuối tiêu/chuối tây trên tổng diện tích, xác định hiện trạng bệnh héo rũ Panama từ đó mới đưa ra được các giải pháp.

“Với các vùng nhiễm nhẹ, người dân có thể chủ động hủy cây nhiễm bệnh, vệ sinh khu vực xung quanh tránh lây nhiễm. Nếu bệnh đã lan rộng thì cần bỏ, vệ sinh lại toàn bộ và chuyển sang cây trồng khác, có thể là giống kháng bệnh, có thể là chuối tây hoặc có thể là một loại cây trồng mới”, ông Dương khuyến cáo.

Theo hướng dẫn, lúa nước là loại cây tốt nhất có thể trồng để làm sạch nguồn bệnh héo rũ Panama nhưng ở các tỉnh miền Bắc đa số trồng chuối trên đồi hoặc bãi bồi nên phương án này không khả thi, thay vào đó là các cây trồng ngắn ngày khác.

Tuy nhiên, do chuối đang có giá trị kinh tế cao, nên nếu vẫn lựa chọn phương án trồng chuối, bà con nông dân cần kết hợp cả giống với các phương thức canh tác được hướng dẫn để đối phó với loại bệnh này.

Hưng Yên hiện có hơn 2.500 ha trồng chuối, trong đó nhiều nơi đã chuyển từ chuối tiêu hồng sang chuối tra để tránh bệnh héo rũ Panama. Ảnh: Tùng Đinh.

Hưng Yên hiện có hơn 2.500 ha trồng chuối, trong đó nhiều nơi đã chuyển từ chuối tiêu hồng sang chuối tra để tránh bệnh héo rũ Panama. Ảnh: Tùng Đinh.

Bệnh héo rũ Panama do nấm Fusarium oxysporum f. sp. cubense (Foc) gây ra đã xóa sổ ngành công nghiệp chuối Gros Michel ở Trung Mỹ và Caribbean, vào giữa thế kỷ XX.

Hậu quả của Foc Race 1 đã được khắc phục bằng cách chuyển sang các giống chuối Cavendish kháng thuốc, hiện là nguồn gốc của 99% chuối xuất khẩu.

Đến nay, Foc đã được phân loại thành 3 chủng, dựa theo giống chuối chúng sử dụng làm vật chủ. Cụ thể là, Foc Race 1 (Foc 1), Foc Race 2 (Foc 2) và Foc Race 4 (Foc 4). Trong đó, Foc 4 có thể được chia thành hai chủng nhỏ hơn là Foc nhiệt đới 4 (Foc TR4) và Foc cận nhiệt đới 4 (Foc STR4).

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.