| Hotline: 0983.970.780

Bệnh nhân phong tài hoa

Thứ Sáu 01/10/2010 , 14:30 (GMT+7)

Trong BV Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa có ngôi làng hình thành cách nay đã gần 80 năm. Ở trong làng, có một người hơn 30 năm qua vượt mọi nỗi đau bệnh tật để xây dựng, trang trí từng nhà.

Bệnh nhân phong tài hoa này tham gia tích cực trong việc xây dựng Vườn tượng danh nhân y học

Trong BV Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) có ngôi làng hình thành cách nay đã gần 80 năm. Trong ngôi làng này có hàng trăm ngôi nhà của các bệnh nhân phong, mỗi ngôi nhà có nét kiến trúc riêng và rất độc đáo. Càng độc đáo hơn khi ở ngôi làng này có một bệnh nhân già, suốt gần 30 năm qua, ông đã vượt qua nỗi đau bệnh tật để cáng đáng công việc sửa chữa, trùng tu cho những ngôi nhà nói trên.

Số phận nghiệt ngã

Trò chuyện với tôi, lão bệnh nhân năm nay đã 72 tuổi này buồn buồn đề nghị: “Tôi sẵn sàng trò chuyện cởi mở, chỉ xin đừng nêu danh tánh tôi lên báo, bởi tôi còn gia đình, con cháu ở quê”. Rồi ông thở dài: “Tôi không muốn căn bệnh quái ác của mình ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của họ. Sự kỳ thị của xã hội đối với những người bị bệnh phong hủi như tôi không phải là không còn”.

Lời nói tự đáy lòng của ông khiến tôi thấy mình có lỗi vì đã khơi dậy nỗi đau trong cơ thể già nua không còn nguyên vẹn kia. Nhìn những ngón tay đã bị căn bệnh gặm mòn quá nửa cứ đan bấu vào nhau để giấu niềm xúc cảm, tôi định bụng không hỏi chuyện gì thêm, đồng nghĩa là sẽ không thực hiện bài viết này. Mặc dù khi nghe GĐ Bệnh viện Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa Nguyễn Thanh Tân giới thiệu về nhân vật đặc biệt này tôi đã không giấu được háo hức.

Chen vào giữa sự im lặng của 2 chúng tôi là tiếng thông reo và tiếng sóng biển vỗ. Bỗng dưng ông mở lời: Khi đã mắc bệnh phong là mất tất cả- quê hương, gia đình, những người thân yêu nhất. Mất cả những ước vọng từng đốt cháy tuổi thanh xuân...Dường như chút hoài niệm về tuổi thanh xuân khiến lòng ông rộng mở: "Tôi sinh năm 1938 tại miền Trung. Năm 18 tuổi, tôi thi đậu tú tài, sau đó theo học ngành giao thông công chính. Suốt 3 năm học tập tôi rất cố gắng với suy nghĩ "có cái đầu thì đỡ cho cái vai".

Đôi mắt ông bỗng ánh lên khi nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi được thực hiện ước mơ của một thanh niên nông thôn. Ra trường, ông được bổ nhiệm làm tổng giám sát một số công trình tiểu thủy nông trong khu vực miền Trung. Ngoài công việc, tính sôi nổi của chàng trai xứ biển đã dắt ông đến với phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên thời bấy giờ.

 “Tôi nhờ có giọng ca khỏe nên được vào đội Du ca. Qua phong trào này, đã không ít lần tôi được gặp một số nhạc sỹ ở Sài Gòn. Năm 1973, tôi phát hiện mình mắc bệnh phong. Không thông báo với gia đình, không một lời từ biệt người thân, bạn bè, tôi âm thầm vào Quy Nhơn xin được làm cư dân của làng phong Quy Hòa, từ đó cắt đứt liên lạc với xã hội bên ngoài”, giọng kể của ông trở nên sầu não.

Khi mới nhập cư vào làng phong, ông không tiết lộ nghề nghiệp mà đi dạy văn hóa cho con em của bệnh nhân. Sau đó, thấy những ngôi nhà đẹp, độc đáo đã xuống cấp nghiêm trọng cần nhu cầu sữa chữa, ông nổi máu nghề và bắt đầu quay lại với mùi vôi vữa. “Dù là chuyên ngành giao thông công chính nhưng tôi cũng được học qua nghề xây dựng, do vậy chuyện sửa chữa nhà cửa không lạ lẫm gì với tôi. Lúc ấy, nhìn những ngôi nhà với lối kiến trúc không đâu có cứ hư hỏng dần tôi xót ruột quá, đành phải làm thợ nề bất đắc dĩ vậy”, ông nói giọng vui vẻ hẳn ra.

Nhà phục chế bất đắc dĩ

Giới thiệu nguồn gốc về sự độc đáo của những căn nhà ở làng phong, người thợ bệnh tật hướng dẫn tôi đến ngôi Nhà thờ của các nữ tu Dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ nằm trong khuôn viên bệnh viện, nơi còn lưu giữ những điều thú vị khi bắt đầu xây dựng những ngôi nhà này. Mẹ bề trên Nhà dòng, Anna Phùng Thị Cát (68 tuổi) kể: “Năm 1929, khi linh mục Paul Maheu tìm ra thung lũng Quy Hòa, ông chỉ nghĩ đơn giản là đã tìm ra một nơi xa cách với thế giới bên ngoài để xây dựng một khu điều trị bệnh nhân phong. Thưở nguyên sơ, bệnh viện Laproserie de Quy Hòa chỉ gồm vài căn nhà xây để làm nơi điều trị, nơi ở của các sơ và nhà của bệnh nhân đều là nhà tranh vách đất”.

Cơ sở ban đầu của làng phong Quy Hòa không tồn tại được lâu, năm 1932 sau một trận bão khủng khiếp, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân bị sóng thần cuốn phăng. Sau đó, các sơ thuộc dòng Phan sinh thừa sai Đức Mẹ đã vận động nhiều nguồn tài trợ để tái thiết bệnh viện. Giám đốc bệnh viện Laproserie de Quy Hòa thời bấy giờ Charles Antoine và người phụ tá của mình là Ozithe đã đặt ra chương trình xây dựng lại bệnh viện và xây dựng nhà ở để bệnh nhân phong có nơi trú ngụ kiên cố, lâu dài.

Sơ Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân. Có hàng trăm mẫu nhà cực kỳ “lạ mắt” được thu thập từ khắp nơi trên thế giới mang về đây để bệnh nhân tự chọn và được xây dựng theo từng ước vọng. Nhiều bệnh nhân đã tự vẽ mẫu gạch hoặc nhờ các sơ vẽ lại theo ý tưởng của mình rồi được sản xuất ngay tại bệnh viện nên ở đây hiện đang tồn tại nhiều mẫu gạch lát nền độc nhất vô nhị.

Người thợ tài hoa đúc kết: “Hầu hết những căn nhà ở làng phong dù được xây dựng kiểu nào cũng mang dáng dấp nét kiến trúc La Mã. Nhà nào cũng có cột to, nhiều hoa văn và mặt tiền trang trí hình chữ V, biểu tượng của sự chiến thắng. Tuy căn nhà nhỏ nhưng hiên nhà nào cũng rộng từ 2-2,5m. Sự khác biệt rõ nhất của mỗi căn nhà là ở mặt tiền. Giá trị của quần thể kiến trúc ở đây là chúng không trùng lắp với bất cứ nơi nào”.

Người thợ xây già bần thần tước một căn nhà hư hỏng
Mặc dù được xây dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép nhưng do nằm gần biển nên nhanh xuống cấp. Nhà hư hỏng chỗ nào, gia đình các bệnh nhân để nguyên chỗ ấy chứ không thể sửa chữa, thợ xây dựng ở bên ngoài thì không ai vào đây hành nghề. Ông bệnh nhân vốn là kỹ sư công chính lại một thân một mình không vướng bận gia đình nên hàng ngày dạo quanh làng phong, thấy căn nhà nào hư thì ông vào. Lúc đôi bàn tay chưa bị căn bệnh phong lấy đi mất những ngón tay, ông tự ra tay sửa chữa.

Nhà hư hỏng hàng loạt, một mình ông khắc phục không xuể, ông lân la tìm hiểu, cuối cùng cũng tìm được gần chục bệnh nhân khác vốn trước đó hành nghề thợ xây dựng để hình thành một tổ thợ. Từ đó, những căn nhà độc đáo ở làng phong bị hư hỏng có cơ may được phục chế. “Khi sửa chữa những căn nhà này, tôi xin ý kiến ban giám đốc bệnh viện chấp nhận chi phí vật tư cao để khi sửa chữa giữ nguyên nét kiến trúc cũ, không chắp vá, nhất là mặt tiền. Tôi nghĩ, biết đâu 50 năm nữa, quần thể kiến trúc ở làng phong này sẽ được xem trọng như phố cổ Hội An”, ông thợ già tâm sự.

Thấy việc làm của ông mang lại hiệu quả thiết thực, Ban giám đốc bệnh viện ký hợp đồng lao động với ông. Từ đó ông làm việc có lương hẳn hoi. Ông tham gia vào mọi hoạt động xây dựng của bệnh viện qua mọi thời kỳ, kể cả khi xây dựng thêm vườn tượng danh nhân y học ở bên hông cổng vào. Ông thợ già nói: “Những đồng tiền lương được nhận từ công việc của mình cũng quý thật nhưng quý nhất nó đã mang lại cho tôi niềm vui, làm cho quãng đời còn lại của một người bệnh tật lại đơn độc như tôi đỡ tẻ nhạt”.

Vậy mà đã 27 năm rồi ông tham gia vào công tác xây dựng ở Bệnh viện Phong - Da liễu TƯ Quy Hòa, đến năm 68 tuổi ông mới thực sự “gác kiếm”. Thế nhưng ông vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, ông Nghuễn Thanh Tân, GĐ Bệnh viện, nói thêm: “Già cả bệnh tật vậy mà hiện nay ông ấy vẫn còn tham gia vào việc xây dựng nhà ở cho con em bệnh nhân ở khu vực ngoài bệnh viện. Ai có nhu cầu về xây dựng, sửa chữa nhà đều tìm đến căn phòng số 7 khu bệnh nhân già, neo đơn. Do vậy, chiếc xe đạp cà tàng cứ bị ông “hành hạ” suốt ngày”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm