Tạp chí Y học Medindia của Chính phủ Ấn Độ (MID) vừa tư vấn một số nguyên tắc ăn uống có lợi cho nhóm người mắc bệnh sỏi thận. Mục đích khuyến cáo là cung cấp thông tin tổng quát giúp mọi người hiểu sâu thêm về bệnh sỏi thận từ đó có cách phòng tránh, chữa trị thích hợp bằng ăn uống.
1. Nguyên tắc chung về ăn uống đối với người sỏi thận
Có tới 5 dạng sỏi thận phổ biến là sỏi thận oxalate canxi, sỏi thận phốt phát canxi, sỏi thận axít uric, sỏi thận struvite và sỏi thận cystine. Vì vậy ăn uống của những dạng bệnh này cũng khác biệt. Về cơ bản có 2 chế độ ăn uống khuyến cáo dùng cho người sỏi thận. Một là tăng cường lượng nước (dịch lỏng) hàng ngày cho cơ thể để giúp lọc độc tố, giảm nhẹ bệnh, đặc biệt là giảm nồng độ khoáng chất trong nước tiểu. Trung bình nên uống 2,5 lít nước mỗi ngày, nhưng ở người bệnh sỏi thận nên uống trên 3 lít nước/ngày. Nếu thời tiết nóng bức, khô hanh, lao động, luyện tập nhiều thì uống ở mức cao hơn. Hai là nguồn canxi đầu vào phải đảm bảo theo mức khuyến cáo cho phép, để giúp cho việc tiêu hóa các khoáng chất, đặc biệt là liên kết oxalate với canxi trong quá trình tiêu hóa được thuận lợi, giúp chúng thải ra ngoài thay vì liên kết tạo ra sỏi thận.
2. Chế độ ăn uống cho từng dạng sỏi thận
- Đối với sỏi oxalate canxi: Đây là dạng bệnh sỏi thận thường gặp nhất, dạng nhỏ, có gai nhọn nên dễ gây đau bụng cấp khi nó đi từ thận xuống và đôi khi còn gây chảy máu đường tiết niệu. Sỏi hình thành khi canxi liên kết với oxalate (loại khoáng chất thực vật có ở một số loại cây trồng). Những người dùng nhiều thuốc chữa bệnh, trong nước tiểu có nhiều canxi là nhóm dễ mắc bệnh sỏi oxalate canxi. Nhóm người mắc bệnh oxalate canxi nên hạn chế thực phẩm làm tăng canxi và oxalate trong máu và nước tiểu như cà phê, muối, xocola, thực phẩm ăn nhanh. Bổ sung khoáng chất, Vitamin B6 có tác dụng giảm thiểu canxi trong nước tiểu. Thực phẩm làm tăng oxalate có vitamin C nó làm nhiệm vụ chuyển hóa oxalate trong nước tiểu. Thực phẩm giàu oxalate có trong củ cải, các loại hạt và xocola...
- Đối với bệnh sỏi thận phốt phát canxi: Đây là dạng sỏi được hình thành khi sức khỏe con người có vấn đề, đặc biệt là mắc bệnh RTA (bệnh thận không có khả năng bài tiết axít) hay mắc bệnh cường giáp, sỏi thường có bề mặt phẳng, cứng, to nhanh, dễ gây tổn thương thận. Nhóm người này nên dùng các loại thực phẩm phù hợp với các loại thuốc đang được dùng để điều trị bệnh chuyển hóa. Độ ph trong nước tiểu cao (tính axít nước tiểu thấp) cũng là nguyên nhân gây sỏi, vì vậy nên tăng cường thực phẩm để làm tăng tính axít, như protein động vật và các loại quả chua.
- Đối với nhóm người mắc bệnh sỏi thận axit uric: Đây là căn bệnh nước tiểu có quá nhiều axit uric kèm theo căn bệnh gut và một số dạng bệnh về rối loạn chuyển hóa do ăn nhiều thịt động vật. Khi mắc bệnh nên hạn chế nguồn protein động vật, bánh mì ngọt, cá mòi, thực phẩm dạng hạt. Nên dùng nguồn protein tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và trọng lượng cơ thể. Sỏi axit uric tinh khiết có thể tán được bằng cách uống nhiều nước, nên uống 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày. Nước tiểu có màu vàng nhạt nghĩa là đã uống nước đủ.
- Bệnh sỏi thận struvite: Sỏi struvite hay còn gọi là sạn thận, thủ phạm gây nhiễm trùng đường tiểu, phụ nữ và trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh cao. Các loại sạn này ban đầu chỉ là nang tạo bởi manhê và amoniac nhưng sau to dần gây tổn thương thận. Do sỏi gây nên bởi viêm nhiễm như khuẩn (Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis) nên cần tư vấn bác sĩ để dùng thuốc cho phù hợp. Về thực đơn nên dùng nhóm giàu axít để giúp nước tiểu ức chế khuẩn phát triển, đặc biệt là protein động vật và nhóm quả chua.
- Nhóm sỏi thận cystine: Đây là căn bệnh mang tính di truyền. Sỏi thận cystine gồm có các thành phần amino acids cysteine và methionine, các axit amino là vật liệu tạo nên protein, vì vậy để giảm bệnh nên hạn chế tiêu thụ protein. Ngoài ra nên giảm ăn nhóm thực phẩm giàu methionine như cá, thực phẩm dạng hạt. Tăng cường thực phẩm làm tăng độ ph trong nước tiểu (tạo kiềm) để hòa tan nhanh sỏi cystine như nước ép hoa quả, rau sống và các loại trái cây.