Qua thống kê của các cơ quan chức năng, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra ở 145 hộ chăn nuôi tại 54 xã, thị trấn của 9 huyện. Tổng số bò mắc bệnh 231 con, trong đó đã tiêu hủy 14 con.
Để khẩn trương kiểm soát tốt và ngăn chặn các ổ dịch VDNC phát sinh, lây lan trên diện rộng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương yêu cầu chủ hộ chăn nuôi báo cáo kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện của bệnh VDNC cho Trưởng thú y hoặc chính quyền cơ sở.
Hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Định kỳ 1 - 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng là môi giới trung gian truyền bệnh.
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh VDNC phải tiến hành công bố dịch theo quy định. Thực hiện nuôi nhốt cách ly trâu, bò bị bệnh; tiêu hủy những con ốm nặng, chết…
Quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò; không để xảy ra tình trạng bán chạy, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò bệnh. Chính quyền các cấp yêu cầu chủ chăn nuôi nhập trâu, bò có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định vào địa bàn.
Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Khẩn trương rà soát, thống kê đàn trâu, bò trên địa bàn. Tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh VDNC cho 100% trâu, bò thuộc diện tiêm.
Hiện toàn tỉnh Nam Định có khoảng 9.000 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn gần 37.000 con. Trong đó, trâu hơn 6.000 con, còn lại là bò.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh VDNC trên trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh VDNC trên trâu, bò với sự tham gia của Phòng NN-PTNT các huyện, Phòng kinh tế; Trưởng Thú y các xã, thị trấn, các hộ chăn nuôi trâu bò… Tại Hội nghị, ngành chăn nuôi Nam Định đã hướng dẫn cách nhận biết bệnh VDNC trên trâu, bò.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định, bệnh VDNC trên trâu, bò là bệnh do virus gây ra, không gây bệnh cho người và động vật khác. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 14 ngày. Khi bị bệnh, trâu bò có biểu hiện sốt cao, có thể trên 41°C. Giảm ăn, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu; giảm tiết sữa ở gia súc đang cho con bú.
Hình thành các nốt sần (u, cục) có đường kính từ 2 - 5 cm ở vùng đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục, trường hợp nặng có thể lan ra toàn thân. Các u, cục kích thước lớn có thể bị hoại tử, loét hoặc xơ hóa để lại các vết sẹo.