1.400 đợt pháo kích
Rạng sáng ngày 25/2/1942, Los Angeles rơi vào một cơn hỗn loạn. Tưởng sắp phải đối diện với một cuộc tấn công trên không từ Nhật Bản, các đơn vị quân sự của thành phố đã hú còi báo động, ra lệnh tắt điện trên diện rộng, đồng thời thắp sáng bầu trời đêm bằng súng máy cùng 1.400 đợt pháo kích. Nhưng kết quả cuối cùng, Mỹ lại không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu tấn công nào.
Những chiếc đèn phát hiện máy bay thời kỳ Thế chiến II. Ảnh: Getty Images |
Quân đội biện minh cho việc báo động nhầm bắt nguồn từ “tâm lý hoảng loạn” sau trận Trân Châu Cảng. Tuy nhiên, “Trận chiến Los Angeles” này, như cách người đời sau gọi nó, đến giờ vẫn được xem là một trong những sự kiện bí ẩn nhất thời Thế chiến 2, theo History.
Hoang mang và e dè sau cuộc tấn công của phát xít Nhật nhằm vào Trân Châu Cảng vài tuần trước đó, rất nhiều người Mỹ lúc bấy giờ tin rằng các cuộc đột kích của kẻ thù không sớm thì muộn sẽ xảy ra. Ngày 9/12/1941, những báo cáo không rõ ràng về việc máy bay kẻ thù tiếp cận đã khiến thành phố New York rơi vào hỗn loạn, làm thị trường chứng khoán chao đảo nhẹ. Ở Bờ Tây, các phi công cùng những nhân viên radar còn non kinh nghiệm thường xuyên nhận nhầm tàu đánh cá, những khúc gỗ trôi trên biển hay thậm chí cả cá voi thành chiến hạm và tàu ngầm Nhật. Căng thẳng dâng cao đến đỉnh điểm khi Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson cảnh báo các thành phố Mỹ nên được chuẩn bị để hứng chịu “những cuộc tấn công thường xuyên” từ kẻ thù.
Ngày 23/2/1942, một tàu ngầm Nhật Bản nổi lên ngoài khơi thành phố Santa Barbara, bang California, nã hỏa lực vào một mỏ dầu và nhà máy lọc dầu tại đây. Dù không gây thiệt hại đáng kể về người cũng như vật chất, cuộc tấn công đánh dấu lần đầu tiên đất liền Mỹ bị oanh kích trong suốt Thế chiến 2.
Một ngày sau cuộc tấn công nhằm vào mỏ dầu, ý chí sôi sục, nung nấu đáp trả kẻ thù kết hợp với tâm lý hoang mang, hoảng loạn bao trùm đã tạo ra một trong những sự kiện kỳ lạ, bất thường nhất trong lịch sử Thế chiến II ở Mỹ.
Nó bắt đầu vào đêm 24/2/1942, khi tình báo hải quân chỉ đạo các đơn vị trên bờ biển California nâng cao cảnh giác đề phòng một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nhật Bản. Tất cả mọi thứ diễn ra bình lặng trong vài tiếng sau, song vào 2h sáng ngày 25/2, radar quân đội bỗng phát hiện dấu hiệu bất thường, dường như là tín hiệu liên lạc của kẻ thù ở vị trí cách Los Angeles chừng 193 km về phía tây. Còi cảnh báo không kích lập tức hú vang liên hồi, cả thành phố đồng loạt tắt điện. Trong vài phút, các binh sĩ Mỹ đã vào vị trí trên các ụ súng chống máy bay và không ngừng chiếu đèn rà soát bầu trời.
Các binh sĩ điều khiển một khẩu súng phòng không ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Đến 3h sáng, màn nã súng bắt đầu. Sau các báo cáo về việc phát hiện vật thể bay không xác định (UFO), binh sĩ Mỹ ở Santa Monica đồng loạt khai hỏa. “Đèn chiếu sáng từ vô số trạm quan sát thi nhau đâm thủng trời đêm trong khi các đơn vị chống máy bay chọc lỗ chỗ bầu trời bằng những loạt đạn chói sáng màu da cam”, báo Los Angeles Times khi ấy viết.
Hỗn loạn bao trùm vài phút tiếp theo. Dường như Los Angeles đang bị tấn công nhưng người ta lại không nhìn thấy thứ gì ngoài khói đen và chớp sáng phát ra từ họng súng. Nhưng đối với không ít người, mối đe dọa thực sự hiện hữu. Các báo cáo liên tục được truyền đi khắp thành phố, thông báo về việc chiến đấu cơ Nhật Bản xếp thành đội hình mang theo bom và lính dù đang tiến tới. Súng cứ thế nhả đạn. Ước tính, các khẩu đội pháo của Los Angeles đã nã 1.400 phát lên bầu trời cho đến khi lệnh “tất cả an toàn” được đưa ra vào buổi sáng.
Dưới ánh sáng ban ngày khi mặt trời ló rạng, các đơn vị quân sự Mỹ mới phát hiện ra điều kỳ lạ: Thực tế, không có cuộc tấn công nào từ kẻ thù. “Bất chấp các nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những hoài nghi, rõ ràng không có quả bom nào được thả và cũng không có chiếc máy bay nào bị bắn rơi”, thông báo từ Bộ Chỉ huy Quốc phòng phía Tây Mỹ nêu rõ.
Người đàn ông dọn dẹp những thiệt hại gây ra bởi hỏa lực của “quân nhà” sau sự kiện ngày 25/2/1942 ở New York. Ảnh: The LIFE Picture Collection/Getty Images |
Những ngày tiếp theo, Chính phủ Mỹ và truyền thông đưa ra hàng loạt thông tin trái ngược nhau về điều gì thực sự xảy ra trong “Trận chiến Los Angeles”. Bộ trưởng Hải quân Mỹ Frank Knox bác bỏ khả năng còi báo động được kích hoạt bởi “tâm lý lo âu” nhưng Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson lại hưởng ứng với quân đội khi khẳng định có ít nhất 15 chiến đấu cơ đã làm rung chuyển thành phố. Ông thậm chí còn đưa ra giả thuyết rằng những chiến đấu cơ ma kia có thể là các máy bay thương mại “do điệp viên của kẻ thù điều khiển” nhằm gieo hoảng sợ trong công chúng Mỹ.
Stimson về sau tự bác bỏ những tuyên bố của mình song vẫn còn hàng nghìn dân thường và binh sĩ quân đội khẳng định họ thực sự nhìn thấy máy bay trên bầu trời Los Angeles. Theo một bài viết trên tờ New York Times, một số nhân chứng cho biết họ quan sát thấy “một vật thể lớn trôi trên bầu trời trông giống như bóng bay”. Số khác lại nói họ thấy từ một đến hàng chục máy bay xuất hiện ở các vị trí không giống nhau. “Càng đi sâu kiểm chứng sự việc diễn ra rạng sáng ngày 25/2 ở Los Angeles, nó càng trở nên lạ thường” bài báo viết.
Nảy sinh tranh cãi
Vậy điều gì đã dẫn tới màn “đốt cháy bầu trời” Los Angeles của quân đội Mỹ? Phía Nhật khẳng định họ chưa bao giờ điều máy bay đi qua Los Angeles trong suốt Thế chiến 2. Tuyên bố này làm nảy sinh hàng loạt giả thiết khác thường, trong đó có ý tưởng về việc những vật thể trên bầu trời Los Angeles chính là đĩa bay từ bên ngoài không gian viếng thăm trái đất.
Những chiếc đèn chiếu sáng trên bầu trời Los Angeles để tìm máy bay địch vào rạng sáng ngày 25/2/1942. Ảnh: Los Angeles Times |
Dù vậy, lời giải thích logic nhất vẫn là các binh sĩ Mỹ với tâm trạng âu lo kết hợp với hệ thống radar còn thô sơ đã đưa ra cảnh báo nhầm. Văn phòng Lịch sử Không quân Mỹ năm 1983 liệt kê các sự kiện diễn ra trong “Trận chiến Los Angeles” và lưu ý đến một chi tiết quan trọng là các bóng bay khí tượng có thể đã được thả lên trời trước màn nã súng để đo sức gió. Ánh sáng phát ra từ chúng nhiều khả năng là nguồn cơn kích hoạt báo động. Khi súng khai hỏa, dường như khói, ánh sáng từ những chiếc đèn chiếu và hỏa lực phòng không đã kết hợp với nhau để khiến các binh sĩ lầm tưởng rằng họ đang bắn phá máy bay địch.
Los Angeles Times đưa tin về sự kiện lúc bấy giờ. Ảnh: Military Times |