| Hotline: 0983.970.780

Bị 'biển vây', xã đảo vẫn trồng khoai, gieo lúa nhờ đê ngăn mặn

Thứ Năm 25/05/2023 , 15:56 (GMT+7)

QUẢNG NINH Xã đảo Đồng Rui bao quanh bởi biển dẫn đến tình trạng đất ngập mặn. Từ khi có tuyến đê bao ngăn mặn, người dân xã đảo đã yên tâm canh tác, trồng trọt.

Tuyến đê bao quanh xã đảo Đồng Rui trở thành lá chắn giúp người dân yên tâm canh tác nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tuyến đê bao quanh xã đảo Đồng Rui trở thành lá chắn giúp người dân yên tâm canh tác nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đồng Rui là xã đảo ven biển của huyện Tiên Yên. Nơi đây có địa hình tương đối bằng phẳng, thoải dần ra xung quanh và được bao bọc bởi bãi triều và rừng ngập mặn. Tổng diện tích đất tự nhiên là 4.900ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 3.000ha.

Ông Lộc Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho biết, đê Đồng Rui là tuyến đê biển bao quanh xã đảo. Con đê này được đắp thủ công từ những năm 60 của thế kỷ trước theo cách lấy đất ruộng đắp thành bờ.

Đê vòng tròn quanh đảo dài 20,75km, vừa ngăn mặn vừa phục vụ 229ha đất sản xuất nông nghiệp; 620ha ao đầm nuôi trồng thủy sản.

Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư gia cường, gia cố nhiều đoạn đê xung yếu, đảm bảo chịu được bão gió cấp 9. Cụ thể, năm 2010 tỉnh đầu tư 25 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp 15,25km; năm 2014 đầu tư tiếp 25 tỷ đồng sửa sang, bồi đắp những đoạn sạt lở tránh triều cường xâm thực đồng ruộng; năm 2017 quy mô nâng cấp lớn hơn hai lần trước, kinh phí đầu tư hơn 81 tỷ đồng.

Ông Kiều Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội nông dân xã Đồng Rui cho biết: “Mấy năm trước, cứ vào mùa mưa bão là các hộ dân ven biển lại phải sơ tán đi chỗ khác vì lo triều cường, nước tràn qua đê. Những ngày mưa gió, lực lượng dân phòng và công an xã phải ở cùng dân để trợ giúp kịp thời nếu xảy ra sự cố. Nhưng hiện nay, tuyến đê góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp bà con yên tâm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản".

Bà Vũ Thị Én (thôn 4 xã Đồng Rui) chia sẻ, từ năm 1978, khi gia đình bà đến Đồng Rui đã sống bằng nghề trồng lúa. Tuy nhiên, thời điểm đó, đất canh tác thường xuyên bị ngập mặn khiến cho cây trồng khó phát triển, năng suất thấp.

Từ khi có tuyến đê ngăn mặn, bà con xã đảo Đồng Rui đã có thể cấy lúa đến tận mép đê. Một năm được 2 vụ lúa, 1 vụ khoai giúp gia đình tôi tăng thu nhập hơn trước", bà Én hồ hởi nói.

Người dân xã đảo Đồng Rui thu hoạch khoai. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân xã đảo Đồng Rui thu hoạch khoai. Ảnh: Nguyễn Thành.

Còn tại thôn Trung, xã Đồng Rui, ông trưởng thôn mới về hưu Nguyễn Văn Đền, dù đã gần 70 tuổi vẫn ngày ngày canh tác trên ruộng khoai, ruộng lúa của mình.

Được biết, ông bắt đầu trồng khoai, trồng lúa từ ngày mới đến xã đảo. Sinh sống ở Đồng Rui hơn 40 năm, ông Đền đã thấu hiểu nỗi lo của người dân nơi đây.

"Khi đất bị nhiễm mặn, rễ cây không thể hút được nước, không hấp thu được dinh dưỡng, các quá trình sinh lý trong cây bị rối loạn, sinh trưởng của cây bị ức chế. Trường hợp bị nhiễm nặng, vượt quá khả năng chịu đựng, cây héo và chết dần", ông Đền cho biết.

Cũng theo ông Đền, từ khi tuyến đê bao biển được đầu tư sửa chữa và nâng cấp để ngăn tình trạng đất nhiễm mặn, cộng thêm hồ nước ngọt trên xã đảo đã giúp việc canh tác, trồng trọt của bà con xã đảo Đồng Rui được thuận lợi hơn.

Người dân cũng an tâm sản xuất nông nghiệp, từ đó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người tại xã đảo Đồng Rui đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Hiện nay, 100% diện tích rừng ngập mặn tự nhiên hiện có và mới trồng trên địa bàn xã được phục hồi quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, môi trường được cải thiện, các nguồn lợi thuỷ sản trước đây bị cạn kiệt thì nay đã được hồi sinh, tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho cộng đồng; môi trường cũng được cải thiện đáng kể. Được biết, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã Đồng Rui đã tăng lên gần 2.200ha. Đây là vành đai xanh, cũng là lá chắn quan trọng bảo vệ hệ thống đê biển cũng như tính mạng, tài sản của người dân xã đảo Đồng Rui.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.