| Hotline: 0983.970.780

Lão nông U70 bỏ phố về rừng nuôi cá tầm

Thứ Hai 22/05/2023 , 11:15 (GMT+7)

Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Đoàn Đình Kha với niềm đam mê nông nghiệp đã mạnh dạn đầu tư tiền tỉ để nuôi cá tầm nước lạnh tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).

Mô hình nuôi cá tầm tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu của ông Đoàn Đình Kha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình nuôi cá tầm tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu của ông Đoàn Đình Kha. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hộ khẩu ở Thủ đô Hà Nội nhưng hiện nay ông Đoàn Đình Kha (sinh năm 1957) lại chọn bỏ phố về rừng để thỏa mãn đam mê làm nông nghiệp. Thời gian trước, ông Kha trải qua nhiều công việc khác nhau, từ làm kỹ sư thủy lợi cho đến giám đốc công ty xây dựng.

Năm 2014, ông Kha bắt đầu nuôi cá tầm ở tỉnh Lai Châu, đến năm 2015, ông lại tìm đến miền rẻo cao Bình Liêu (Quảng Ninh) để khảo sát, tìm địa điểm thích hợp để mở rộng mô hình nuôi cá tầm.

"Tôi đã đi nhiều nơi ở Quảng Ninh và nhận thấy chỉ có ở Bình Liêu mới có nguồn nước sạch, lạnh phù hợp để nuôi cá tầm. Chính vì vậy, tôi quyết định xây bể và làm ao bạt để nuôi loài cá cho giá trị kinh tế cao này”, ông Kha chia sẻ.

Bình Liêu là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, có nhiều khu vực địa hình đồi núi dốc, chia cắt, tạo thành các vùng nước tĩnh với nguồn nước ổn định, rất thuận lợi để nuôi các loài cá ưa môi trường nước lạnh, trong đó có những loại cá giá trị như cá tầm, cá hồi…

Để khai thác tiềm năng tự nhiên đó, năm 2015, huyện Bình Liêu đã quy hoạch 2 vùng nuôi cá nước lạnh tập trung ở thôn Sú Cáu (xã Húc Động) và thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn). HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc ở thôn Khe Tiền, do ông Đoàn Đình Kha làm giám đốc, là đơn vị đầu tiên tham gia mô hình.

"Tôi nhận thấy giống cá tầm được ươm từ Sa Pa (Lào Cai) là giống cá thích hợp, dễ nuôi. Hơn nữa khí hậu tại Bình Liêu được ví như Sapa thu nhỏ, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên. Vì thế tôi đã lựa chọn mang cá giống tại Sapa về nuôi ở Bình Liêu. Ban đầu tôi nhập 300 con, sau cá sinh trưởng tốt, tôi nhập số lượng nhiều hơn”, ông Kha chia sẻ.

Được biết, ao nuôi tại HTX được bố trí theo kiểu phân cấp từ trên cao xuống thông qua đập nước và hệ thống ống dẫn phi 140 và phi 90 để nguồn nước có thể lưu thông liên tục, đảm bảo cung cấp lượng oxi cần thiết cho cá.

Sau hơn 7 năm, hiện nay, HTX của ông Kha có 14 bể và 7 ao bạt nuôi cá tầm. Ảnh: Võ Việt.

Sau hơn 7 năm, hiện nay, HTX của ông Kha có 14 bể và 7 ao bạt nuôi cá tầm. Ảnh: Võ Việt.

Thời gian đầu, HTX của ông Kha cũng phải đối diện với nhiều khó khăn. Đỉnh điểm là khi cá bị chết hàng loạt, một số thành viên của HTX xin rút vốn.

"Đã làm gì thì phải làm bằng được mới thôi, tôi không có suy nghĩ cưỡi ngựa xem hoa, đặc biệt là khi làm nông nghiệp. Đây là công việc cần sự tâm huyết chứ không cần tài giỏi gì đâu", ông Kha chia sẻ.

Sau nhiều ngày học hỏi và rút kinh nghiệm, những con cá tầm hiện đã tăng trưởng và phát triển mạnh, lứa cá đầu tăng trưởng bình quân 2,5-3kg/con/tháng và đặc biệt là tỷ lệ sống đạt trên 90%. Giá cá tầm thương phẩm tại ao nuôi là 260.000 đồng/kg.

Về quy trình nuôi, cá tầm được ươm giống từ Sa Pa (Lào Cai) khi được một tuần tuổi thì đưa về HTX nuôi trong ao nhỏ có diện tích 3m2. Sau 3 tháng cá phát triển đạt 100g/con chuyển sang ao có diện tích 12m2; cá đạt 500g/con chuyển sang ao nuôi 30m2; cá tầm đạt trọng lượng 1kg/con sẽ chuyển sang ao lớn có diện tích 300m2 đến lúc thu hoạch. Trên mỗi ao có bạt che phủ 2/3 diện tích ao để tạo bóng râm, có hệ thống lọc rác thải và hệ thống xả nước. Chi phí đầu tư cho hệ thống ao nuôi của ông Kha khoảng trên 1 tỷ đồng.

Anh Dường Cắm Dìu hàng ngày cùng ông Kha trông nom, chăm sóc đàn cá tầm trị giá hàng tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Anh Dường Cắm Dìu hàng ngày cùng ông Kha trông nom, chăm sóc đàn cá tầm trị giá hàng tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Từ mô hình này, HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc đạt doanh thu khoảng trên 1 tỷ đồng/năm. Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động là người dân địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.

"Chúng tôi đang thực hiện quy trình nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm cá an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá sang địa bàn xã Húc Động và đã xây dựng được thương hiệu cá tầm Bình Liêu", ông Kha chia sẻ thêm.

Mô hình nuôi cá tầm của HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc mở ra cơ hội lớn cho Bình Liêu trong phát triển sản phẩm không phải thế mạnh của huyện, góp phần thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư các mô hình mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nghề nuôi cá nước lạnh đang là hướng phát triển mới cho huyện Bình Liêu. Không chỉ mở ra triển vọng mới về nghề nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao, mà còn giúp huyện thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Đến thăm huyện Bình Liêu, du khách được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, tận mắt thăm những ao nuôi cá tầm trên núi ở bản người Dao, thưởng thức các món ăn từ cá tầm sẽ mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị về vùng đất, con người nơi đây.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 4] Nông hộ 'hụt hơi', doanh nghiệp chiếm sân chơi

Khi nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ 'hụt hơi', chỉ riêng năm 2024, Bình Định thu hút 7-8 dự án chăn nuôi lợn, quy mô mỗi dự án từ 24.000-36.000 con lợn thịt/lứa

Hai trường hợp tử vong ở Đồng Nai liên quan tới bệnh dại

Trước tình hình dịch bệnh dại tăng cao, gây tử vong ở người, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo xử lý triệt để dịch bệnh dại trên địa bàn.

Tương lai sáng dâu tằm tơ miền núi phía Bắc [Bài 2]: Tiềm năng thành vùng sản xuất lớn

CAO BẰNG Đồi núi khô cằn bao năm gắn bó với ngô, sắn đang từng ngày khoác lên màu xanh mướt của dâu tằm, mang lại tín hiệu vui cho vùng đất nghèo.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Có kế hoạch tạo đột phá về khoa học công nghệ từng lĩnh vực, từng năm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết sẽ xây dựng kế hoạch tạo đột phá về khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho từng lĩnh vực, từng năm.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.