| Hotline: 0983.970.780

'Bí kíp' giúp trình độ sản xuất của nông dân Lâm Đồng cao hơn mặt bằng

Thứ Tư 03/08/2022 , 09:46 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Từ năm 2004, Lâm Đồng đã sớm xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp, cá nhân đầu tư...

Theo ông Nguyễn Minh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, nông dân Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng có trình độ sản xuất cao so với mặt bằng chung toàn quốc.

Dấu ấn chương trình nông nghiệp công nghệ cao

Ông có thể so sánh trình độ của nông dân tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh lân cận như thế nào? Họ có được trình độ đó là nhờ tự thân vận động hay nhờ đâu?

Ông Nguyễn Minh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Minh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Theo như nhận xét của nhiều người trong ngành nông nghiệp, nông dân Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng có trình độ sản xuất cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Thứ nhất là xuất phát từ điều kiện đất đai, khí hậu của Lâm Đồng rất phù hợp để trồng các loại rau, hoa có chất lượng tốt hơn các vùng khác, có thương hiệu, đã thành nghề truyền thống.

Thứ hai là có một số doanh nghiệp đầu tàu như Dalat Hasfarm đóng chân ở đây đầu tiên, đưa về những công nghệ cao, những giống mới, từ đó người dân mới học hỏi. Thứ ba là tác động của ngành nông nghiệp, nhất là chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2004, Tỉnh ủy đề ra chủ trương còn UBND tỉnh xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, riêng Sở NN-PTNT thành lập Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao huyện Lạc Dương. Với diện tích gần 700ha, đó là mô hình điểm về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng rồi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân. Ông Phạm S, lúc đó là Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Giám đốc Ban, còn Phó Giám đốc Ban là tôi và Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (vì còn liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng).

Khách đến thăm Lang Biang Farm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khách đến thăm Lang Biang Farm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Đầu tiên, nhà nước thuê đất của dân và cho nhà đầu tư thuê lại. Phương án đó là cách làm mới của Lâm Đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng về sau, chúng tôi thấy phương án này có những bất cập, phức tạp nên dần dần chuyển. Hồi đó, giá thuê đất rẻ, doanh nghiệp được lợi nhưng dân bị thiệt hại khi về sau giá đất tăng dần và họ không hài lòng. Diện tích đó hiện giao cho huyện Lạc Dương quản lý, vẫn còn duy trì nhưng cũng có nâng giá thuê đất lên để hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân. Còn ngày nay, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận khi thuê đất của dân.

Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là nông dân của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng rất năng động, sáng tạo, ham học hỏi cái mới. Họ luôn tìm tòi những mô hình mới hiệu quả, những giống mới, nhất là rau và hoa. Một số nông dân như anh Phan ở phường 9 (TP Đà Lạt) còn lên mạng đặt những giống cây tận bên Mỹ về trồng, ví dụ bí ngô khổng lồ để làm du lịch canh nông… Nói tóm lại, nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu như xây dựng những mô hình nhà kính đầu tiên, hệ thống tưới, giống mới, chuyển giao kỹ thuật, các chính sách có liên quan như chứng nhận an toàn, VietGAP, hữu cơ…

Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đã góp phần vào nâng cao trình độ cho nông dân như thế nào, thưa ông?

Chương trình nông nghiệp công nghệ cao của chúng tôi chia ra làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2004 - 2010 là quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện, cơ chế thu hút đầu tư. Lúc đó nhà nước hỗ trợ để xây dựng các mô hình, chuyển giao, tập huấn cho nông dân giúp năng suất, sản lượng của họ ngày càng nâng lên.

Đóng gói rau ở trang trại Trường Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đóng gói rau ở trang trại Trường Phúc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Giai đoạn thứ hai từ năm 2011 - 2015 là đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, vừa tăng diện tích, vừa nâng cao năng suất, chất lượng. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ mới ở giai đoạn này nhiều hơn. Cụ thể, trước đây chỉ làm nhà lưới, nhà kính thì thêm hệ thống tưới tự động, tích hợp nhiều nội dung khác nữa.

Giai đoạn thứ ba từ năm 2015 đến nay. Chủ trương của tỉnh là phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại. Thời gian gần đây, Lâm Đồng chủ trương đi song song, vừa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vừa nông nghiệp thông minh, vừa nông nghiệp hữu cơ.

Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang được giao nhiệm vụ thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ từ khảo sát điều tra, quy hoạch những vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, xây dựng các mô hình, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Chúng tôi đã làm 300 phiếu điều tra của tất cả các huyện. Hầu hết các vùng được khảo sát đều đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, chỉ có một số vùng nhỏ có vài chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, cảnh báo phải lưu ý hơn. 

Một số ý kiến cho rằng hiện nay, việc phát triển quá nhiều nhà kính, nhà lưới làm nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đang gây những hệ lụy xấu tới môi trường. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Đóng gói hoa ở Lang Biang Farm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đóng gói hoa ở Lang Biang Farm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việc phát triển nhà lưới, nhà kính ồ ạt, thiếu quy hoạch ngay từ đầu đã dẫn đến hiện tượng trời mưa, nước dồn lại một thời điểm gây nên lũ, lụt cục bộ. Đó là vấn đề hết sức nan giải bởi thực tế diện tích đất nông nghiệp của bà con Đà Lạt không có nhiều, bình quân chỉ 2.000 - 3.000m2/hộ. Mỗi nhà đều làm một nhà kính như vậy, diện tích để đất trống rất ít, một số vùng tôi đi thấy trắng xóa nhà kính hết.

Tỉnh cũng đang đau đầu về chuyện này. Đã có những hội nghị, hội thảo đề cập và bàn giải pháp tháo gỡ nhưng chưa có giải pháp nào cụ thể cả. Chỉ có quy định chung là quy hoạch nhà kính, nhà lưới ở những vùng phù hợp rồi trồng thêm cây xanh ở vành đai để cải thiện tiểu vùng khí hậu. Bởi đất là của dân nên không thể cấm họ trồng trọt được mà chỉ vận động giảm bớt diện tích nhà kính, để chừa ra một phần diện tích trồng ngoài trời tạo không gian cho nước mưa có thể ngấm được, chứ không chảy tuột xuống sông, xuống suối gây sạt lở, lũ lụt cục bộ.

Còn vấn đề sử dụng thuốc BVTV, có một số đối tượng cây trồng trong nhà kính vẫn phải sử dụng, tuy nhiên phải khuyến cáo hạn chế hoặc sử dụng những loại thuốc nằm trong danh mục, ít ảnh hưởng đến môi trường.

"Diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng hiện khoảng 63.000ha trên tổng diện tích canh tác khoảng 315.000ha. Hiệu quả của nó có thể thấy rõ, năng suất, chất lượng được nâng cao; giá bán, hiệu quả kinh tế cũng thế. Bình quân rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho thu từ 400 - 800 triệu đồng/ha/năm; hoa từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí điển hình 7 - 10 tỉ đồng/ha/năm như trồng hoa lan hồ điệp xuất khẩu.

Đến nay, trồng trọt vẫn là lĩnh vực được ứng dụng công nghệ cao nhiều nhất, đặc biệt là mảng rau và hoa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ trương phát triển công nghệ cao trong chăn nuôi, ví dụ như nuôi bò sữa, cá nước lạnh". 

Ông Nguyễn Minh Trường.

Khuyến nông thay đổi để thích ứng

Giai đoạn đầu, những năm 90 thế kỷ trước, khuyến nông hơn hẳn nông dân về kỹ thuật, họ đưa các giống ngô lai, lúa lai, lợn lai, bò lai vào giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo. Nhưng bây giờ, nhiều khi có cảm giác cán bộ khuyến nông, nhất là những người mới ra trường thua đứt các chủ trang trại công nghệ cao cả về kỹ thuật sản xuất lẫn thương mại hóa sản phẩm?

Trồng rau thủy canh ở Lang Biang Farm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trồng rau thủy canh ở Lang Biang Farm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời kỳ đầu, khi hệ thống khuyến nông mới được hình thành, nhiệm vụ chính hồi đó là chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Trình độ của nông dân hồi đó chưa cao như bây giờ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu nên khi được khuyến nông chuyển giao kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất rất phù hợp. Nhưng hiện nay, trình độ của nông dân đã được nâng lên, khuyến nông phải tự học hỏi để đáp ứng yêu cầu mới. Thứ nữa, khuyến nông phải tích hợp nhiều nội dung, sản xuất phải đi theo hướng liên kết và tính đến việc tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, đã có một số mô hình như vậy, không chỉ chuyển giao đơn lẻ các yếu tố kỹ thuật nữa mà phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ở một số mô hình, chúng tôi đầu tư, hỗ trợ theo nhóm hộ, cùng sản xuất một chủng loại sản phẩm nào đó. Nhóm hộ này sử dụng chung vật tư đầu vào, áp dụng chung một quy trình sản xuất, đảm bảo theo tiêu chuẩn của nhà thu mua và ký hợp đồng với họ.  

Chính vì hiệu quả cao từ sản xuất rau, hoa mà giá đất nông nghiệp của TP Đà Lạt nói riêng và các huyện của tỉnh Lâm Đồng nói chung không còn tính theo ha mà tính theo m2. Cụ thể, ở TP Đà Lạt, đất nông nghiệp có giá từ 5 - 7 triệu đồng/m2, còn các xã thuộc huyện như Bảo Lộc khoảng 2 triệu đồng/m2.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.