| Hotline: 0983.970.780

'Bí kíp' trồng xoài giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng

Thứ Bảy 05/10/2024 , 15:20 (GMT+7)

Không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào, nông dân áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây xoài còn giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Vườn xoài Úc của anh Nguyễn Thành Tài, thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: KS.

Vườn xoài Úc của anh Nguyễn Thành Tài, thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: KS.

Thay đổi phương thức canh tác xoài

Trước đây, cũng như nhiều nông dân trồng xoài khác tại huyện Cam Lâm, “thủ phủ” trồng xoài của tỉnh Khánh Hòa, anh Nguyễn Thành Tài, thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa canh tác theo kinh nghiệm. Việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh hại không theo nguyên tắc “4 đúng”, bón phân hóa học lạm dụng nhiều khiến đất bị bạc màu, chai cứng. Tuy nhiên sau khi được Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Cam Lâm tập huấn chương trình IPHM, anh Tài đã thay đổi hướng canh tác từ chăm sóc, bón phân cho đến phòng trừ sâu bệnh. Từ đó giúp việc trồng xoài của gia đình mang lại hiệu quả tích cực.

Để minh chứng điều đó, anh Tài dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài Úc tươi tốt với diện tích 6 sào tại thị trấn Cam Đức đang thu hoạch trái vụ. Đây cũng là vụ đầu tiên anh áp dụng IPHM trên vườn xoài này, song sản lượng dự kiến thu hoạch đạt khoảng 10 tấn. Với giá hiện nay khoảng 25 ngàn đồng/kg (xô), anh nhẩm tính sau khi trừ chi phí ước lãi hơn 150 triệu đồng. Trước đó, vườn xoài khoảng 5 sào tại xã Cam Hòa của anh Tài cũng áp dụng IPHM, anh Tài thu hoạch với sản lượng đạt 8 tấn, bán với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng.

Anh Tài cho biết, đã thay đổi canh tác xoài sau khi tập huấn chương trình IPHM. Ảnh: KS.

Anh Tài cho biết, đã thay đổi canh tác xoài sau khi tập huấn chương trình IPHM. Ảnh: KS.

“Nhờ áp dụng IPHM nên chi phí đầu tư cho vườn xoài của gia đình đã giảm 1/3 so với trước đây. Trong khi sản lượng, lợi nhuận cũng tăng lên từ 20-30%”, anh Tài khẳng định và chia sẻ cách thay đổi việc trồng xoài của mình đó là thường xuyên thăm vườn để nắm tình hình sâu bệnh hại. Từ đó phát hiện kịp thời để phun thuốc đúng lúc khi sâu hại trong giai đoạn tuổi nhỏ để phát huy hiệu quả. Tránh trường hợp để sâu bệnh hại bùng phát rồi mới phun thuốc phòng trừ sẽ không còn tác dụng.

Hơn nữa, việc sử dụng đúng thuốc đặc trị sâu bệnh hại, đúng liều lượng, đúng cách cũng được anh chú trọng.

“Hiện nay tôi đã chuyển sang dùng thuốc BVTV sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại xoài. Vì đã hiểu được lợi ích của thuốc sinh học là thời gian phòng trị bệnh kéo dài, ít ảnh hưởng sức khỏe con người và đảm bảo sản phẩm thu hoạch an toàn, không để lại dư lượng thuốc BVTV, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh Tài chia sẻ.

Ngoài vấn đề trên, anh Tài còn nhận thức rằng, để phòng trừ sâu bệnh hại, việc cắt tỉa loại bỏ những cành già, yếu, sâu bệnh sau thu hoạch là rất cần thiết. Cùng với đó, thường xuyên cày xới đất, bón vôi, bón phân hữu cơ để đất tơi xốp, giúp cây khỏe mạnh, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn xoài nhà anh Tài tươi tốt. Ảnh: KS.

Vườn xoài nhà anh Tài tươi tốt. Ảnh: KS.

Tương tự, ông Đào Văn Tám, thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cũng đã áp dụng IPHM trên vườn xoài nhà mình sau khi được tập huấn. Ông Tám cho biết, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu vào còn giúp vườn xoài nhà ông tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, trong thời gian tới ông sẽ kiên định sản xuất xoài theo IPHM để gia tăng hiệu quả kinh tế.

Lợi nhuận tăng 10-20%

Ông Lê Thành Luận, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Cam Lâm cho biết, huyện Cam Lâm có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển cây xoài. Hiện toàn huyện có tổng diện tích 6.000ha với các giống chủ lực như xoài Úc, xoài tứ quý, xoài cát Hòa Lộc, canh nông…

Những năm vừa qua do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng mưa thất thường khiến việc trồng xoài của bà con gặp nhiều khó khăn. Bên canh đó, việc canh tác xoài của bà con theo kinh nghiệm, phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học quá nhiều khiến đất đai ngày càng bị thoái hóa. Trong khi đa số nông dân “bồi bổ đất” bằng việc bón phân vô cơ, ít bổ sung phân bón hữu cơ và vôi.

Trước thực trạng đó, từ 2022 đến nay, Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Cam Lâm đã tổ chức 3 lớp (mỗi lớp 30 người) tập huấn cho nông dân trồng xoài về chương trình IPHM.

Bản chất căn bản của chương trình IPHM là muốn cây trồng tốt thì phải làm đất tốt và khi đất tốt thì cây trồng mới khỏe, kháng lại được sâu bệnh. Nông dân cũng cần đo độ pH của đất có đạt với tiêu chuẩn cây trồng hay không. Đối với đất thích hợp trồng cây xoài có độ pH từ 6-6,5.

Nếu độ pH thấp thì cần bón vôi để tăng độ pH đất lên. Khi đó, việc bón phân hữu cơ cho đất sẽ được hấp thụ tốt, giúp đất tơi xốp và hàm lượng khí, dinh dưỡng trong đất được đảm bảo.

“Chúng tôi đã hướng dẫn bà con cách đo độ pH đất, nếu ở mức thấp so với ngưỡng pH của cây xoài thì tiến hành bổ sung vôi và phân bón hữu cơ. Đối với vôi bón khoảng 500kg/ha, còn phân hữu cơ 3.000 kg/ha. Sau thời gian 3-4 tháng, bà con đo lại pH đất, nếu độ pH chưa lên thì tiếp tục bón với lưu lượng như vậy”, ông Luận chia sẻ.

Cán bộ Trạm hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh hại xoài. Ảnh: KS. 

Cán bộ Trạm hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh hại xoài. Ảnh: KS. 

Bên cạnh đó, việc kiểm tra lượng mùn, mật độ giun, độ thoát nước trong đất có tốt hay không cũng cần lưu ý. Nếu vườn xoài thoát nước không tốt thì nông dân cần cày xới lên. Việc phòng trị bệnh hại xoài như rầy, bọ trĩ, thán thư cũng được Trạm khuyến cáo bà con sử dụng thuốc sinh học có hoạt chất Abamectin hoặc Emamectin Benzoate để phòng trừ thường xuyên sẽ có hiệu quả.

“Qua theo dõi của chúng tôi, khi nông dân áp dụng IPHM trên cây xoài sẽ giảm số lần phun thuốc hơn 50%, lợi nhuận tăng 10-20%”, ông Luân khẳng định.

Theo ông Luận, thời gian tới, Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Cam Lâm sẽ tiếp tục tập huấn chương trình IPHM cho bà con trồng xoài. Phấn đấu mỗi xã được mở một lớp tập huấn để nông dân nắm bắt kiến thức, để sản xuất xoài hiệu quả, đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn cho người tiêu dùng.

Xem thêm
Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp

Tỷ lệ hao hụt thấp, tiêu tốn thức ăn thấp, vật nuôi tăng trưởng nhanh là những yếu tố giúp nhiều trang trại yên tâm khi chăn nuôi heo gia công cho Japfa.

Thu lợi kép nhờ chăn nuôi gà an toàn sinh học

VĨNH PHÚC Phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học đang giúp người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc tiết kiệm được nhiều chi phí phòng trị bệnh, công lao động, gia tăng lợi nhuận…

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.