| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết là lòng dân

Thứ Hai 31/07/2017 , 13:30 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Vĩnh Long đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. 

Từ những bài học kinh nghiệm đó, bà Vương Thị Thu Hương, Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long đã chia sẻ đôi điều với Báo NNVN.

16-01-04_1
Bà Vương Thị Thu Hương, Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM Vĩnh Long

Bà có thể khái quát những nét nổi bật trong xây dựng NTM của tỉnh thời gian qua?

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Xây dựng NTM tỉnh đã tập trung ưu tiên các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Vĩnh Long dần đổi mới, tạo đà cho phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong tỉnh. Các cấp, ngành và địa phương cũng tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các xã điểm. Nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện thắp sáng, giáo dục, y tế...

BCĐ thường xuyên quan tâm, tập trung đầu tư và nhân rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục làng nghề. Công tác đào tạo nghề gắn kết với xây dựng NTM đã góp phần giúp giải quyết việc làm cho hàng loạt lao động nông thôn có thu nhập, việc làm. Đã có nhiều mô hình liên kết tổ chức sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.

Nhờ phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 29,9 triệu đồng/năm, tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2015 ; số hộ nghèo giảm 1,48% so với năm trước.

Toàn tỉnh hiện có 32/89 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 35,9%) và trong năm 2017 phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM.

Các tỉnh ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng, đều gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Vĩnh Long đã có cánh làm nào hay để hoàn thiện tiêu chí này?

Cũng như hầu hết các tỉnh ĐBSCL khác, trong chỉ đạo điều hành Chương trình Xây dựng NTM, phát triển giao thông nông thôn được BCĐ tỉnh xác định là khâu đặc biệt quan trọng. Nhằm tạo đột phá, đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và phục vụ mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế- xã hội, chúng tôi đã dành một nguồn vốn không nhỏ kết hợp với vận động, huy động bà con cùng thực hiện tiêu chí này nên gặt hái được những thành quả lớn.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn đề cao công tác giám sát của cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện phát triển giao thông nông thôn. Hiện có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Toàn tỉnh đã có 39 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm 43,8% tổng số xã NTM.

Từ thực tế triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM nhiều năm qua, tỉnh đã rút ra được bài học gì để chương trình đạt được dân đồng thuận, giúp các xã, các huyện về đích nhanh hơn?

Có thể khẳng định, xây dựng NTM là chương trình tổng hợp về chính trị - kinh tế - xã hội, là một hình thức CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Do đó, để thực hiện thành công chương trình phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch rõ ràng, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, chủ động, sáng tạo và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Trong đó, vai trò trách nhiệm của người đúng đầu cấp ủy, chính quyền và của BCĐ các cấp là cực kỳ quan trọng để từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Người đứng đầu phải dấn thân và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân thực sự làm chủ thể xây dựng NTM.

Cần phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở tổ, ấp, xã. Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên là những điển hình gương mẫu, nhiệt huyết trong thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Tích cực vận động và cùng song hành với người dân. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình tại địa phương.

"Chúng ta cần có những tổng kết, đánh giá để rút kinh nghiệm kịp thời trong chỉ đạo, điều hành và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện. Biểu dương, khen thưởng nhanh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công cuộc xây dung NTM để chương trình nhận được sự đồng thuận của cả xã hội, góp phần quan trọng trong việc đưa các xã về đích nhanh, vững chắc", bà Vương Thị Thu Hương.

Chương trình xây dựng NTM có được sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân là do biết phát huy sức mạnh tổng hợp, nắm chắc tình hình, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, kiểm tra uốn nắn.

Kế hoạch của tỉnh thời gian tới như thế nào? Những vấn đề nào cần tập trung thực hiện để đảm bảo kế hoạch trên, thưa bà?

Vĩnh Long đề ra kế hoạch, phấn đấu đến hết năm 2020 có 51% xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại tăng ít nhất 1 tiêu chí/năm trở lên. Trước mắt, đến năm 2018, phấn đấu có đơn vị thị xã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, việc xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn cần làm thường xuyên, xuyên suốt.

Để đạt được mục tiêu trên, BCĐ tỉnh tập trung chỉ đạo các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Hai là, tập trung chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn,  các xã đã đạt được một số tiêu chí NTM tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh đề án xây dựng NTM phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp; gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch chung của huyện và của tỉnh.

Huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có, bảo tồn các công trình văn hóa.

16-01-04_2
Quá trình xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Long đã có được nhiều thành tựu

Quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Chỉ đạo xây dựng HTX, tổ hợp tác, các hình thức liên kết hợp tác, gắn với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo sản xuất bền vững, hiệu quả.

Quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung văn hóa, xã hội, môi trường; xây dựng nếp sống văn minh, phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm gắn với xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa. Tổ chức nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, ấp sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ba là, các cấp ủy Đảng thực sự là nòng cốt lãnh đạo xây dựng NTM. Chính quyền triển khai thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật chặt chẽ và hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM.

Tiếp tục kiện toàn BCĐ Xây dựng NTM; kiện toàn cơ quan Thường trực BCĐ Xây dung NTM các cấp theo hướng chuyên trách. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, có tính thực tiễn cao; trong tổ chức thực hiện cần phân công chi tiết, có kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, nhất là ở cấp xã.

Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng nông thôn mới”

 Xin cám ơn bà!

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.