| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết nuôi bò vỗ béo

Thứ Tư 27/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Từ lâu, nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng đã trở thành sinh kế của nông dân ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đắk Lắk).

15-39-29_nh_bui_tn_khnh_mu_bo_lo_ve_vo_beo
Anh Bùi Tấn Khánh mua bò “lỡ” về vỗ béo.

Tuy nhiên để đàn bò đạt năng suất, chất lượng thịt cao, người nuôi phải có bí quyết riêng.

Gia đình anh Bùi Tấn Khánh (thôn 4, xã Hoà Sơn) có 8 con bò nuôi nhốt trong chuồng. Hằng ngày, anh tranh thủ buổi trưa hoặc ngày nghỉ ra đồng cắt cỏ cho đàn bò. Nhà anh có thâm niên nuôi bò hơn 15 năm, chủ yếu chăn thả tự nhiên. Về sau, đồng cỏ bị thu hẹp dần đến mức không còn chỗ để chăn, gia đình phải giảm đàn, giữ lại 4-5 con chuyển sang hình thức nuôi bò vỗ béo.

Anh Khánh tâm sự, nuôi bò nhốt chuồng không phải tốn thời gian đi chăn nên rất phù hợp với mục đích vỗ béo lấy thịt. Tuy nhiên 100% nguồn thức ăn người nuôi phải cung ứng đủ thì đàn bò mới nhanh lớn. Để rút ngắn thời gian nuôi, anh Khánh chọn loại bò “lỡ” (bò gầy, ốm) về vỗ béo. Chọn giống bò đực lai vì chúng có bộ xương to, vai rộng, bản lưng lớn cho lượng thịt nhiều, săn chắc.

Việc đầu tiên sau khi mua bò “lỡ” về là tẩy giun sán, tiêm phòng vacxin đầy đủ rồi mới tiến hành vỗ béo. Quy trình vỗ béo cần tuân thủ thời gian cho ăn, chế độ ăn với khẩu phần phù hợp, một con bò nặng khoảng 2 tạ cần 15 - 20 kg thức ăn thô (gồm cỏ xanh, thân cây chuối, bã đậu, mía...) và khoảng 5 kg thức ăn tinh (bột bắp, cám gạo...).

Nếu chăm sóc tốt chẳng mấy chốc, bò “da bọc xương” sẽ mập ú lên nhanh xuất chồng. Để có đủ thức ăn cho đàn bò, nhà anh Khánh chủ động chuyển 2 sào lúa nước sang trồng cỏ, tận dụng đất trống trong vườn cà phê trồng xen cỏ voi đồng thời dự trữ rơm rạ cho mùa khô.

Cũng xác định gắn bó lâu dài với mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, anh Phan Thanh Tri (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) vừa đầu tư hơn 20 triệu đồng xây lại hệ thống chuồng trại thật bài bản. Anh chọn mảnh đất cao ráo phía sau xa nhà làm chuồng bò, nền chuồng láng xi măng, xung quanh đóng bằng thanh gỗ rất chắc chắn và thoáng mát. Anh cũng lắp đặt riêng một bồn chứa nước bằng và mua máy băm thức ăn phục vụ đàn bò.

Theo anh Tri, ngoài chất lượng con giống thì hệ thống chuồng trại rất quan trọng quyết định đến thành công của mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Bởi chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông thì đàn bò mới phát triển tốt, không bị bệnh dịch tấn công.

Anh Tri tâm sự, giá bò có lúc lên, xuống nhưng nhìn chung vẫn ổn định hơn các vật nuôi khác và nuôi bò lấy thịt nhanh lời hơn nuôi bò sinh sản. Anh Tri tính toán: Bò cái nuôi 18 tháng mới đẻ được bê con, nuôi thêm 6 tháng nữa mới có con nghé xuất chuồng. Giá 1 con nghé hiện nay khoảng 10 - 12 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc thì thu nhập không được bao nhiêu.

15-39-29_nh_phn_thnh_tri_dung_my_bm_ct_nho_cy_chuoi_cho_bo_n
Anh Phan Thanh Tri dùng máy băm cắt nhỏ cây chuối cho bò ăn.

Trong khi đó, nuôi bò vỗ béo, từ khi nhập đến khi xuất chuồng chỉ trong vòng 6 - 8 tháng, người nuôi có chắc khoản lãi hơn 4 triệu đồng/con. Mỗi lứa xuất chuồng khoảng 4 - 5 con thì kiếm được vài chục triệu đồng, đây là số tiền lớn đối với nông dân. Anh Tri xem đàn bò là “của để dành”, có việc quan trọng mới bán, còn lại cứ có tiền anh lại mua thêm bò về nuôi.

Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, toàn xã có hơn 600 hộ nuôi bò theo mô hình nhốt chuồng thâm canh. Nhà nuôi ít nhất 2 con, nhiều lên tới chục con. Trong chăn nuôi, nuôi bò là ít gặp rủi ro nhất, nếu có bệnh cũng hiếm khi lây lan nhanh như đàn heo trong đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa qua...

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.