| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết tôm khỏe dù thời tiết đỏng đảnh

Thứ Sáu 18/10/2024 , 08:50 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu Với việc ứng dụng công nghệ sinh học và lấy nước biển sâu, công ty Minh Phú Lộc An vẫn khiến cho con tôm ‘sống khỏe’ giữa hai mùa nắng - mưa.

Với diện tích trang trại lên tới 300ha, Công ty Thủy sản Minh Phú Lộc An (huyện Đất Đỏ) là đơn vị có diện tích nuôi tôm lớn nhất Đông Nam bộ. Diện tích này được Minh Phú Lộc An đầu tư 560 ao nuôi, 300 ao xử lý nước, 280 ao ương và 2 hồ chứa nước biển, 1 ao nước thải.

Không chỉ có diện tích nuôi trồng lớn, Minh Phú Lộc An cũng được biết đến là đơn vị có sự đầu tư bài bản trong ứng dụng công nghệ cao. Công ty nuôi tôm siêu thâm canh tại ao tròn nổi, khung thép, đáy lót bạt… với 3 vụ nuôi/ năm.

Minh Phú Lộc An đang sử dụng 2 dòng vi sinh để giúp tôm tăng cường đề kháng và ít phụ thuộc vào kháng sinh. Ảnh: Lê Bình.

Minh Phú Lộc An đang sử dụng 2 dòng vi sinh để giúp tôm tăng cường đề kháng và ít phụ thuộc vào kháng sinh. Ảnh: Lê Bình.

Theo chị Trần Thị Thanh Thanh Tâm, Trưởng phòng Tiêu chuẩn, hiện công ty đang sử dụng công nghệ sinh học MPBio có bổ sung hạt sinh học và tảo khuê. Minh Phú đang sử dụng 2 loại men vi sinh để xử lý nước, đào thảo khí độc và giúp cho đường ruột của tôm khỏe mạnh và đạt tỉ lệ sống cao hơn.

“Nhờ vào công nghệ Bio này mà khi nuôi tôm, tỉ lệ tôm bị bệnh và chết đột ngột trong thời gian qua cực thấp. Màu sắc và chất lượng vỏ tôm cũng được cải thiện so với trước đây. Ngoài ra, men vi sinh này còn giúp cho môi trường nuôi tôm được ổn định hơn mỗi khi mưa xuống”, chị Tâm chia sẻ.

Nhờ công nghệ này, quá trình nuôi và xử lý nước của Minh Phú đều dùng vi sinh, không thay nước, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, tiết kiệm điện, giúp giảm chi phí đầu vào.

Chị Tâm cho biết thêm: “Nước được xử lý bằng men vi sinh, nuôi với mật độ 150 - 190 con/ m2 và quy trình khéo kín nên tôm hầu như không bị dịch bệnh, không phụ thuộc vào kháng sinh, nước thải ra ao lắng đều đảm bảo môi trường nên giảm thải carbon rất tốt”.

Ngoài ra, để có nguồn nước đảm bảo độ mặn lý tưởng và sạch, Minh Phú Lộc An đã đầu tư 230 tỷ đồng xây dựng đường ống dài 4,5km lấy nước biển vào nuôi tôm. Điều này cũng cho phép trang trại nuôi tôm điều hòa được nguồn nước trước điều kiện nắng mưa thất thường.

Minh chứng, trong 2 năm gần đây, dù thời tiết ‘đỏng đảnh’ hơn trước nhưng các ao nuôi tôm của Minh Phú vẫn ‘sống khỏe’. Do đó, không chỉ năng suất vẫn được duy trì trong mùa mưa bão, mà các tiêu chuẩn kĩ thuật trên tôm vẫn đảm bảo.

Diện tích trang trại nuôi tôm của Minh Phú Lộc An lên tới 300ha. Ảnh: Lê Bình.

Diện tích trang trại nuôi tôm của Minh Phú Lộc An lên tới 300ha. Ảnh: Lê Bình.

Ông Ngô Thanh Hà, Giám đốc Công ty Minh Phú Lộc An cho biết, khi tới ngày thu hoạch thì tôm đều ở kích cỡ lớn 15 - 20 con/kg, giá bán cũng cao hơn so. Với mỗi ao nuôi có diện tích khoảng 834m2 sẽ cho năng suất khoảng 3 tấn/ vụ.

So với quy trình nuôi tôm công nghiệp bình thường thì nó giảm chi phí đầu vào ở 25 - 30%. Khi mà giảm chi phí đầu vào thì nó sẽ làm cho cái lợi nhuận nó tăng lên, tương ứng với giá chi phí.

“Với việc kết hợp nuôi tôm bằng nước biển khơi và men vi sinh hỗ trợ nên độ mặn của nước vẫn luôn được đảm bảo dù có bất lợi về thời tiết. Tôm cũng được giàu axit amin tự do, màu tôm bóng đẹp cả khi nuôi cũng như chế biến. Để giữ vị tươi và ngọt của tôm, chúng tôi còn sử dụng kĩ thuật hôn mê tôm tức thì bằng nước đá lạnh theo công nghệ IKEJIME của Nhật Bản”, ông Hà chia sẻ.

Với những ứng dụng các kĩ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng, Minh Phú Lộc An đã được cấp chứng chỉ chứng nhận về các thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu (BAP) và chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC).

Minh Phú Lộc An đang triển khai kế hoạch liên kết cùng người dân để nuôi tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.

Minh Phú Lộc An đang triển khai kế hoạch liên kết cùng người dân để nuôi tôm theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Lê Bình.

Nhằm tăng nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu hiện đang rất thiếu của doanh nghiệp, công ty Minh Phú Lộc An cũng đang có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để chuyển giao công nghệ nuôi tôm sinh học, liên kết nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm với nông dân trong tỉnh vào năm tới.

Điều này không chỉ giúp diện tích nuôi trồng thủy sản công nghệ cao của tỉnh tăng cao mà người dân khu vực huyện Đất Đỏ cũng được chuyển giao kĩ thuật tiên tiến. Đặc biệt, người dân cũng không quá lo lắng về con giống, kĩ thuật nuôi, đầu ra của sản phẩm không còn tình trạng “được mùa mất giá”.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển