Theo Bộ Y tế, BA.5 là biến chủng có khả năng sẽ lấn lướt các biến chủng cũ. Vì vậy, Bộ Y tế khẳng định, việc tiêm các mũi nhắc lại vacxin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết.
Thời gian qua, chiến dịch tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 tại nước ta đã được triển khai rộng khắp với trên 228 triệu mũi tiêm, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.
Hiện nay, mặc dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên cả nước đã có xu hướng giảm rõ rệt, nhưng bên cạnh sự xâm nhập của biến chủng mới BA.5, hiện các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do Covid-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu Covid-19. Nếu không tăng cường bao phủ các mũi vacxin tăng cường, số ca nặng và nguy kịch có thể gia tăng trở lại.
Cũng trong chiều 27/6, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã lên tiếng khuyến cáo về việc vì sao việc tiêm các mũi nhắc lại vẫn là yếu tố quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: "Vì sao chúng ta phải tiếp tục hoàn thành công tác tiêm chủng? Thứ nhất là vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, đã xuất hiện những biến chủng mới và chúng ta không thể chắc chắn được virus có còn tiếp tục biến đổi hay không. Xu hướng dịch trên thế giới là giảm, tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận xu hướng giảm 1 cách thận trọng.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã không còn test Covid-19 nữa, vì vậy con số thống kê có thể chưa phản ánh hết được tình trạng thực tế. Mới đây, chúng tôi đã phân tích dữ liệu toàn cầu và nhận thấy rằng từ ngày 13-19/6 số ca mắc mới ở khu vực Đông Nam Á tăng khoảng 46%, khu vực Địa Trung Hải hay Châu Âu cũng gia tăng. Tiếp nữa là chúng tôi khẳng định các loại vacxin đã được WHO cấp phép sử dụng là đảm bảo an toàn và có hiệu quả. Con đường duy nhất để chúng ta chiến thắng được dịch bệnh là tiếp tục tiêm phòng vacxin".
Tiêm vacxin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khoẻ trẻ em và cộng đồng
Theo Bộ Y tế, tại các địa phương, tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vacxin là Moderna và Pfizer. Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi.
Tính đến ngày 23/6/2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vacxin phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn. Phản ứng thông thường sau tiêm vacxin phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày.