Mai cảnh khóc ròng
Sáng 5/2, đi dọc Quốc lộ 1A đoạn qua TX An Nhơn (Bình Định), những đoạn đường trống được bày kín những chậu mai xuân bên lề đường để bán cho khách vãng lai và nhất là những chiếc xe tải ngược xuôi, chúng tôi thấy không khí mua bán rất ảm đạm. Người mua thưa thớt, xe tải cũng chẳng có mấy chiếc ghé lại, mai còn chất đầy lô.
Anh Hà, chủ nhà vườn trồng mai cảnh ở phường Bình Định (TX An Nhơn), người thuê 1 lô đất có chiều ngang 4m tại ngã 3 mũi thuyền đoạn giáp ranh giữa TX An Nhơn và huyện Tuy Phước để bày bán mai, than thở: “Từ đêm ngày 4 đến trưa ngày 5/2 không có khách mua, xe tải chạy tuyến Nam-Bắc cũng thưa thớt và cũng không dừng lại mua mai như mọi năm, tôi không bán được chậu mai nào.
Tôi thuê 1 lô tại đây để bán mai với giá 7,5 triệu đồng, nhưng từ đầu tháng Chạp đến nay mới bán được có 10 triệu đồng, chỉ đủ trả tiền bãi và chi phí vận chuyển. Nản quá, giờ tôi muốn bỏ bãi, chở mai về nghỉ cho khỏe nhưng nghĩ lại cũng tiếc”.
Theo anh Hà, do năm nay thời tiết bất thuận, mưa lạnh kéo dài và diễn biến bất thường, nhiều nhà vườn vừa lặt lá mai xong gặp ngay rét lạnh nên ra hoa muộn, mai ra hoa kịp Tết không nhiều nên đầu mùa giá mai khá đắt, thương lái tìm về đặt cọc nườm nượp.
“Trước khi dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 3, mai trong vườn nhà tôi mới 3 năm tuổi được thương lái mua 600-700 ngàn đồng/chậu, tôi gióng giá bao nhiêu họ mua bấy nhiêu chứ không trả treo, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Giờ mai mất giá thê thảm, chỉ còn 450-500 ngàn đồng/chậu mà bán không chạy”, anh Hà cho hay.
Theo anh Hà, những thương lái trước đây đã đặt cọc cho nhà vườn giờ giao thông bị ách tắc, không vận chuyển mai ra miền Bắc bán được nên họ đã thu hồi tiền cọc. Chỉ những thương lái mua sớm, khi mai còn nguyên lá để về lặt lá, sau đó bán lại cho bạn hàng miền Bắc giờ mới khốn đốn. Bởi, tiền đã trả hết cho nhà vườn, giờ thương lái miền Bắc không lấy hàng, đành phải chôn vốn cả trăm triệu đồng.
“Trước tết, anh bạn tôi ở phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) mua 600 chậu mai 5 năm tuổi lúc mai còn lá với giá 600 ngàn đồng/chậu. Đưa mai về nhà lặt lá đợi ngày thương lái miền Bắc vào thu. Lúc mới mua lô mai ấy về, có người đến mua lại ngay với giá 800 ngàn đồng/chậu nhưng anh ấy không bán, bởi để giao cho bạn hàng.
Dịch Covid-19 bỗng bùng phát, bạn hàng ở miền Bắc không vào lấy hàng được, bây giờ anh ấy phải ôm 600 chậu mai chăm sóc đến sang năm mới bán được. Nếu anh ấy sang tay ngay khi ấy thì đã cầm được 120 triệu đồng tiền lãi, giờ đã mất khoản lãi ấy lại chôn vốn hết 360 triệu đồng”, anh Hà kể.
Hoa cúc “mếu máo”
Mai cảnh đã thê thảm là vậy, hoa cúc Tết năm nay cũng chẳng khá gì hơn. Khi thị trường cúc Tết bắt đầu “nóng” thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến đầu ra của hoa cúc lập tức bị tắt ngấm.
Anh Nguyễn Văn Phương, 1 người có thâm niên hơn 10 năm trồng cúc bán tết ở khu vực Vĩnh Liêm, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), cho biết: “Năm nay lo ngại dịch Covid-19 làm tổn thương nền kinh tế, hoa Tết bán sẽ không chạy, nên tôi đã giảm số lượng trồng xuống còn 1 nửa. Nếu như năm ngoái tôi trồng 400 chậu thì năm nay chỉ trồng 200 chậu, ấy vậy mà bán cũng không xong…”.
Theo anh Phương, trước vụ hoa Tết, thương lái khắp nơi đã về đặt cọc tiền, đợi đến nửa tháng Chạp sẽ đưa xe đến vận chuyển đi bán. Khi đến thời điểm các thương lái nhận hàng thì dịch Covid-19 xuất hiện, sợ nhận hàng bán không được nên thương lái “chùn chân”, không đưa xe đến chở hàng. Các chủ nhà vườn đứng ngồi không yên, cầm chắc năm nay mất Tết.
Trong 2 ngày 4-5/2, khi thông tin dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn yên ắng, những người có liên quan đến ca dương tính với Covid-19 ở Gia Lai về Bình Định có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, khi ấy các thương lái mới thở phào tỏa ra đi tìm bãi bán trong nội tỉnh. Sau khi tìm được bãi bán, họ lục tục về các nhà vườn chở cúc đi bán, nhưng chỉ mua số lượng ít hơn số lượng đã đặt cọc trước đó.
Anh Tám, chủ nhà vườn ở khu vực Vĩnh Liêm (thị trấn Bình Định), cho hay: “Năm nay tôi trồng 170 chậu cúc, đầu vụ thương lái đến đặt cọc, mua trụm với giá như năm trước. Thế nhưng 2 ngày nay họ đến chỉ lấy hơn 100 chậu, họ đưa ra lý do lấy về bán lẻ các vùng quê nên sức tiêu thụ không mạnh, nên không dám lấy nhiều và mua với giá thấp.
Nếu như chậu 40cm năm trước bán được từ 270-300 ngàn đồng thì nay chỉ còn 170-200 ngàn đồng; chậu 50cm năm trước có giá 350-400 ngàn đồng thì nay chỉ còn dưới 300 ngàn đồng; chậu 60cm năm trước bán 700-800 ngàn đồng thì nay chỉ còn 500-600 ngàn đồng; chậu 70cm năm trước có giá đến 2,2 triệu đồng thì nay chỉ bán được 1,4 triệu đồng”.
“Số cúc còn tồn lại các chủ nhà vườn chấp nhận bán lẻ. Bán lẻ thì phải tốn tiền thuê bãi và chi phí vận chuyển và chắc chắn là giá bán sẽ còn thấp hơn. Thế nhưng chúng tôi chỉ mong bán hết cúc là mừng, bởi như vậy mới có cơ may thu hồi vốn”, chủ nhà vườn Nguyễn Văn Phương bộc bạch.