| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc thu hút cả ‘đại bàng’ lẫn ‘chim sẻ’

Bình Định khởi sắc nhờ thu hút mạnh đầu tư

Thứ Năm 03/06/2021 , 06:31 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, xung quanh nỗ lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc. Ảnh: Đình Thung.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc. Ảnh: Đình Thung.

Lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò thế nào trong cơ cấu kinh tế của Bình Định, thưa ông?

Là tỉnh có kinh tế nông nghiệp chiếm đến 27% trong cơ cấu kinh tế và có đến 70 - 80% lao động làm nông nghiệp, nên trong những năm qua, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Bình Định đã thu hút mạnh đầu tư vào các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi.

Xác định đây là mặt trận hàng đầu trong 5 năm tới, nên UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Tỉnh đảng bộ lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bình Định thu hút đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực nào, thưa ông?

Về lĩnh vực trồng trọt, trong thời gian qua Bình Định đã kêu gọi và thu hút 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình và Công ty Giống cây trồng Trung ương tham gia xây dựng dự án liên kết sản xuất lúa giống. Ngoài ra, Bình Định còn kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết, đơn cử như bưởi ở huyện Hoài Ân; lạc ở huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ; ngô ngọt ở huyện Tây Sơn; đinh lăng ở huyện Phù Cát và huyện Tây Sơn; ngô sinh khối ở  huyện Phù Mỹ…

Kỹ thuật chăn nuôi tự động và công nghệ chuồng trại được Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đầu tư hiện đại nhất khu vực. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Kỹ thuật chăn nuôi tự động và công nghệ chuồng trại được Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đầu tư hiện đại nhất khu vực. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thu hút đầu tư mạnh nhất trong những năm qua của Bình Định là lĩnh vực chăn nuôi. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) đã đầu tư sản xuất giống gà thương phẩm 1 ngày tuổi với tổng đàn gà giống 680.000 con, trong đó có 5.000 con gà cụ kỵ, 50.000 con gà ông bà và 625.000 con gà bố mẹ, sản xuất 50 triệu con giống/năm. Hiện nay, doanh nghiệp này đang đầu tư 3 dự án chăn nuôi gia cầm, nâng công suất 125 triệu con gà giống thương phẩm 1 ngày tuổi vào năm 2025, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Á. Kỹ thuật chăn nuôi tự động và công nghệ chuồng trại được Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đầu tư hiện đại nhất khu vực.

Bình Định còn có 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất gà giống khác là Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát). Từ năm 2015, quy mô đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã đạt 180.000 con. Mỗi tháng công ty cung cấp ra thị trường từ 1,4 - 1,8 triệu con giống. Trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp này phát triển, lai tạo tăng đàn bố mẹ lên 250.000 - 350.000 con, cung ứng ra thị trường cả nước một lượng con giống khá lớn, bình quân hơn 20 - 25 triệu con/năm, bao gồm 3 dòng gà CK1, CK2, CK3.

Để chủ động con giống chất lượng trong chăn nuôi heo, cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng đầu tư xây dựng Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng - Bình Định tại thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát). Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng đầu tư chăn nuôi, sản xuất heo bố mẹ, thương phẩm công nghệ cao với tổng đàn 2.100 con heo cụ kỵ, ông bà, bố mẹ; mỗi năm công ty sản xuất 75.000 con heo giống chất lượng cao. Hiện nay, doanh nghiệp đang mở rộng xây dựng 23 dãy chuồng hiện đại. Ngoài ra, Bình Định còn có trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định với quy mô 2.400 con. Công nghệ chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vắt sữa tự động động với công suất hơn 10 triệu lít sữa/năm.

Hiện nay, tại Bình Định có 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm; 12 doanh nghiệp chăn nuôi heo bố mẹ quy mô từ 1.500 - 2.400 heo giống; sản xuất hơn 750.000 con heo thương phẩm/năm; 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ động vật tập trung theo hình thức cơ giới, quy mô giết mổ 500 con heo/đêm. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất chăn nuôi heo giống, bò sữa như New Hope, Hà My, Cao Nguyên, Hùng Thương Nhật...

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng đầu tư xây dựng Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng - Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng đầu tư xây dựng Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng - Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Bình Định đã tạo được lực hút như thế nào, thưa ông?

Năm 2015, UBND tỉnh Bình Định đã giao cho Công ty TNHH Việt Úc - Phù Mỹ 126ha để thực hiện Dự án Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với công suất 8.400 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích khoảng 116ha và đang sản xuất ổn định.

Trong những năm qua Bình Định thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong những năm qua Bình Định thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Với công nghệ tiên tiến, công ty này thả nuôi 3 - 4 vụ/năm, năng suất đạt từ 40 - 60 tấn/ha. Sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch trong năm 2020 đạt 1.000 tấn với cỡ tôm loại 50 - 60 con/kg; đồng thời cung ứng ra thị trường 3,5 tỷ con tôm giống. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đánh giá hướng đầu tư phát triển của doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đang có nguyện vọng sau khi Bình Định hoàn thiện quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 đối với Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm với tổng diện tích 406ha thì sẽ xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, khu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho người dân.

Việc doanh nghiệp xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến thủy sản, chuyển giao công nghệ nuôi tôm cho người dân sẽ góp phần quan trọng phát triển ngành nuôi tôm trong tỉnh, đưa Bình Định trở thành trung tâm sản xuất tôm của khu vực miền Trung; quan trọng hơn là đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người nuôi tôm ở địa phương.

Năm 2018, Công ty TNHH Thành Ly (thành phố Quy Nhơn) cũng đã được UBND tỉnh Bình Định đồng ý thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao. Quy mô dự án là 48ha, diện tích mặt nước nuôi 22ha; công suất 2.700 tấn/2 vụ/năm. Hiện doanh nghiệp đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên 26ha, đã đi vào sản xuất thương mại, sản lượng đạt 500 tấn, năng suất 25 tấn/ha/vụ.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định phê duyệt các đề án, dự án của ngành theo lĩnh vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bình Định có những chính sách cụ thể gì để thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thưa ông?

Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động; được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; linh kiện, trang thiết bị.

Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cụ thể là huyện Tuy Phước doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày dự án hoàn thành đưa vào hoạt động; được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

Bình Định đang khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2021 - 2025 nên đã đề ra chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; trong đó miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với dự án đầu tư xây dựng tại các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Tây Sơn, Phù Mỹ và Hoài Ân.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạng mục xây dựng hàng rào dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị. Hỗ trợ phí dịch vụ giết mổ và phí kiểm soát giết mổ, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% trong năm thứ nhất và 50% cho năm thứ hai kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Đến nay đã có 2 doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn để được hỗ trợ theo Quyết định 51 của tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025, gồm: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; trong đó, dự án liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết như nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng; hỗ trợ mô hình khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Đến nay, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt 8 dự án liên kết sản xuất lúa giống theo Quyết định 38/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh, quy mô diện tích 982,3 ha với 4.276 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ 21.782,1 triệu đồng với mục tiêu hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp và hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất; kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách địa phương.

Kêu gọi vốn chế biến, tận dụng thế mạnh khai thác thủy sản

Về chế biến thủy sản Bình Định đã kêu gọi, thu hút Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín có 100% vốn Nhật Bản, trụ sở đóng ở Khánh Hòa đầu tư nhà máy chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu với quy mô diện tích 5ha, công suất 3.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội. Nhà máy đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2019.

Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín xây dựng Dự án chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Việc thực hiện Dự án căn cứ theo Quyết định 38/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm cá ngừ đại dương có đầu ra ổn định, giá bán cao, tăng thu nhập cho ngư dân, nâng giá trị nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu chế biến thủy sản tại huyện Tuy Phước với diện tích 12ha để tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong thời gian tới.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.