| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Lúa đông xuân đạt năng suất kỷ lục, gần 72 tạ/ha

Thứ Hai 01/05/2023 , 18:11 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2022-2023 năng suất lúa ở Bình Định cao nhất từ trước đến nay, lúa trúng giá nên nông dân vô cùng phấn khởi…

Năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay

Vụ đông xuân 2022-2023 Bình Định gieo trồng gần 47.000ha lúa, giảm 722ha so cùng kỳ do chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Năng suất lúa vụ đông xuân năm nay đạt 71,8 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Cây trồng cạn cũng tăng cả về diện tích lẫn năng suất, sản lượng.

Trong vụ này Bình Định thực hiện được 204 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa và cây trồng cạn với tổng diện tích 7.749ha. Trong đó, có 196 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với diện tích khoảng 7.400ha và 8 cánh đồng mẫu lớn sản xuất đậu phộng với diện tích 352ha.

Giá bán các sản phẩm nông sản năm nay cũng tăng cao hơn các năm trước nên nông dân vô cùng phấn khởi.

Năng suất lúa vụ đông xuân 2022-2023 ở Bình Định đạt 71,8 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: V.Đ.T.

Năng suất lúa vụ đông xuân 2022-2023 ở Bình Định đạt 71,8 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: V.Đ.T.

“Đầu vụ đông xuân năm nay dù thời tiết bất thuận, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời và công tác phối hợp tốt nên việc tổ chức trồng trọt đạt kết quả khả quan. Tình hình sâu bệnh cũng được kiểm soát tốt, do đó năng suất cây trồng ổn định, tăng hơn so với cùng kỳ. Thành công của vụ đông xuân là điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp Bình Định tổ chức sản xuất tốt vụ hè thu và vụ mùa năm 2023”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, cho hay.

Hồ chứa đầy nước nhưng vụ hè thu không chủ quan

Vụ hè thu năm 2023 Bình Định sẽ gieo trồng hơn 42.000ha lúa, 9.100ha cây trồng cạn và khoảng 5.200ha rau màu các loại. Trong vụ này Bình Định sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 1.300ha, chủ yếu chuyển đổi trên đất lúa, mì (sắn) và mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị cao; đồng thời chuyển đổi gần 1.500ha sản xuất lúa từ 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm.

Nông dân Bình Định thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023. Ảnh: V.Đ.T.

Nông dân Bình Định thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023. Ảnh: V.Đ.T.

Nỗi lo lớn nhất trong những vụ hè thu ở Bình Định là nước tưới, thế nhưng năm nay ngành chức năng tỉnh dự báo nguồn nước khá dồi dào.

Dù đã tưới cho vụ đông xuân nhưng 164 hồ chứa lớn và vừa ở Bình Định hiện vẫn đạt 94% dung tích thiết kế, đảm bảo đủ nước tưới cho các diện tích sản xuất vụ hè thu 2023. Ngay sau khi thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương xuống giống ngay vụ hè để tận dụng lượng nước còn trong ruộng, các diện tích sản xuất vụ thu thì nông dân cho đất nghỉ ngơi, sẽ xuống giống tập trung từ ngày 1-15/5, kết thúc gieo sạ trước ngày 20/5.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, dù nguồn nước trong các hồ chứa đang còn nhiều, nhưng dự báo thời tiết năm nay nắng nóng rất gay gắt nên có nguy cơ hạn cục bộ ở 1 số vùng nếu không kiểm soát được vùng tưới ngay từ đầu. Nắng nóng cũng là điều kiện để 1 số sâu bệnh xuất hiện gây hại trên cây lúa vụ hè thu.

“Do đó, Sở NN-PTNT yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với các địa phương tổ chức kế hoạch sản xuất chặt chẽ nhằm tiết kiệm nguồn nước, phòng trừ sâu bệnh. Trung tâm Khuyến nông tỉnh khi xây dựng các mô hình khuyến nông bám sát vào thực tế nhu cầu của địa phương, trong đó chú trọng vào mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; khảo nghiệm các giống mới…”, bà Nguyễn Thị Tố Trân yêu cầu.

Vụ đông xuân 2022-2023 ở Bình Định giá bán các sản phẩm nông sản tăng cao hơn các năm trước nên nông dân vô cùng phấn khởi. Ảnh: V.Đ.T.

Vụ đông xuân 2022-2023 ở Bình Định giá bán các sản phẩm nông sản tăng cao hơn các năm trước nên nông dân vô cùng phấn khởi. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ của Bình Định đang đi đúng hướng, nhưng vẫn còn không ít khó khăn trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chuỗi liên kết phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhiều bên và buộc phải có sự tham gia của doanh nghiệp và HTX nông nghiệp.

“Ngay trong vụ hè thu này, Sở NN-PTNT cùng với Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông thí điểm xây dựng các chuỗi trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, địa phương thực hiện thí điểm là huyện Hoài Ân để đánh giá thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.