| Hotline: 0983.970.780

Bình Định quyết xóa giết mổ nhỏ lẻ sau nhiều lần lỡ hẹn

Thứ Năm 16/06/2022 , 10:13 (GMT+7)

Để đưa hoạt động giết mổ động vật vào quy củ, Bình Định mạnh tay xóa sổ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, xây dựng mới nhiều cơ sở giết mổ tập trung.

Hiện ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện ở thành phố Quy Nhơn, Bình Định có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Ảnh: Kim Sơ.

Nhiều lần lỡ hẹn

Mục tiêu mỗi địa phương 1 cơ sở giết mổ tập trung không phải mới mẻ gì với Bình Định, từ giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh này đã thể hiện quyết tâm bằng chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn với quy hoạch 26 điểm.

Sau khi tỉnh ban hành chính sách, nhiều địa phương đã tiên phong thực hiện thí điểm. Thế nhưng, khi các mô hình thí điểm đi vào hoạt động mới lộ ra những bất cập khó khắc phục, bởi nó nằm trong ý thức của người dân.

Cụ thể, nếu đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở giết mổ động vật tập trung, phải qua kiểm tra của ngành thú y để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này đối với những sơ sở giết mổ nhỏ lẻ là không thể.

Bởi, giết mổ động vật tại nhà họ có thể đưa vào giết mổ những con heo, con gà đang bị bệnh hoặc đã chết, nếu đối tượng động vật này đưa vào cơ sở giết mổ tập trung sẽ bị loại ra ngay. Do đó, những điểm giết mổ động vật tập trung tiên phong trong giai đoạn này đều ế ẩm, chẳng mấy ai đưa gia súc đến mổ, sống lay lắt được thời gian ngắn rồi các cơ sở này cũng nhanh chóng chết yểu.

Khó khăn là vậy, nhưng Bình Định vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu mỗi địa phương 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung. Năm 2018, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND, yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Chỉ thị nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm, đến cuối năm 2019 các địa phương phải hoàn thành, nếu địa phương nào không hoàn thành thì người đứng đầu địa phương ấy phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Từ khi 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động, thành phố Quy Nhơn xóa sổ gần 60 hộ chuyên giết mổ gia súc nhỏ lẻ. Ảnh: Đình Thung.

Từ khi 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động, thành phố Quy Nhơn xóa sổ gần 60 hộ chuyên giết mổ gia súc nhỏ lẻ. Ảnh: Đình Thung.

Quyết liệt là vậy, nhưng đến cuối năm 2020 trên địa bàn Bình Định mới chỉ có thành phố Quy Nhơn xây dựng được 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung, 1 nhà máy có công suất giết mổ 700 con heo, 30 con bò, 2.000 con gia cầm/ngày đêm tại khu vực 3, phường Nhơn Bình do Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn đầu tư; 1 cơ sở của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định hoạt động tại khu vực 9, phường Trần Quang Diệu với công suất giết mổ từ 400 - 500 con heo và 40 con bò/ngày đêm.

Cuối năm 2019, cơ sở giết mổ động vật tập trung của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định chính thức đi vào hoạt động.

Theo ngành nông nghiệp Bình Định, cơ sở giết mổ động vật tập trung của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định có quy mô khá lớn, có cơ sở hạ tầng, dây chuyền thiết bị đủ điều kiện phục vụ cho hoạt động giết mổ.

Tuy nhiên, lượng khách đưa gia súc vào cơ sở nói trên để giết mổ rất ít, mỗi ngày chỉ có từ 2-3 hộ với khoảng 30 con heo, hầu hết của người dân phường Trần Quang Diệu và xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) đưa vào giết mổ.

Do vậy, trong thời gian đầu hoạt động, chủ đầu tư phải chịu thua lỗ nặng. Thực trạng này đã khiến tiến trình thực hiện mỗi địa phương 1 cơ sở giết mổ tập trung của Bình Định chững lại.

Từ khi 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, sản phẩm động vật trên thị trường được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Đình Thung.

Từ khi 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, sản phẩm động vật trên thị trường được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Đình Thung.

Cuộc đại thay đổi từ thói quen tới chính sách

Trước thực trạng trên, Bình Định quyết tâm xóa những lò giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư tại các địa phương, đồng thời xây dựng chính sách hỗ trợ giết mổ tập trung để đưa hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn đi vào quy củ.

Huyện Tuy Phước là địa phương sau thành phố Quy Nhơn tiên phong trong việc xóa những lò giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, đồng thời vận động người dân đưa gia súc đến các cơ sở giết mổ động vật tập trung tại phường Nhơn Bình và phường Trần Quang Diệu (Thành phố Quy Nhơn) để giết mổ.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, trước đây, huyện này đã quy hoạch 2 điểm xây dựng nhà  máy giết mổ tập trung, 1 điểm tại khu phố Công Chánh (thị trấn Tuy Phước) và 1 điểm tại thôn Phong Tấn (xã Phước Lộc).

Thế nhưng, khi triển khai thì không kêu gọi được nhà đầu tư, bởi trước đó, những mô hình thí điểm giết mổ tập trung trên địa bàn hoạt động không hiệu quả, trong khi mức kinh phí đầu tư nhà máy giết mổ tập trung không phải là ít. Hơn nữa, số lượng gia súc trên địa bàn huyện Tuy Phước giết mổ mỗi ngày không nhiều, nên không nhà đầu tư nào dám tham gia.

Sau khi cơ sở giết mổ động vật tập trung của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định đi vào hoạt động tại khu vực 9, phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn), ngành chức năng huyện Tuy Phước đề xuất UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương xóa sổ những lò giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn, đưa hoạt động giết mổ gia súc về cơ sở giết mổ tập trung tại phường Trần Quang Diệu, bởi địa bàn huyện Tuy Phước cách điểm giết mổ này không xa.

Nhận thấy đề xuất nói trên của huyện Tuy Phước hợp lý, sau đó, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Đề án di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư ở huyện Tuy Phước về nhà máy giết mổ tập trung ở phường Trần Quang Diệu.

Sau khi có chủ trương, ngành chức năng huyện Tuy Phước đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đả thông tư tưởng cho những hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ trước khi thực hiện. Song song, Tuy Phước thành lập các tổ công tác ráo riết kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán thịt heo tại các chợ trên địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng bán thịt heo không có dấu kiểm dịch của ngành chức năng.

Cả hoạt động giết mổ gà để cung cấp cho các chợ cũng được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Đình Thung.

Cả hoạt động giết mổ gà để cung cấp cho các chợ cũng được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Đình Thung.

“Ngành chức năng huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền, vận động từng hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ, hướng dẫn họ viết bản cam kết chấp hành chủ trương đưa hoạt động giết mổ gia súc quy về một mối là cơ sở giết mổ tập trung tại phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn).

Cuối tháng 5/2020, huyện Tuy Phước đã đưa hoạt động giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư của 99 hộ vào quy củ. Trong đó, tại thị trấn Tuy Phước có 7 hộ, xã Phước Nghĩa 2 hộ, xã Phước Sơn 10 hộ, xã Phước Thuận 1 hộ, xã Phước Thắng 3 hộ, xã Phước Hòa 18 hộ, xã Phước Hưng 18 hộ, xã Phước Quang 4 hộ, xã Phước Thành 5 hộ, xã Phước An 4 hộ, xã Phước Hiệp 6 hộ, nhiều nhất là xã Phước Lộc với 21 hộ”, ông Phan Văn Khiêm cho hay.

Nhiều chính sách ưu đãi tối đa cho các hộ giết mổ nhỏ lẻ di dời

Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho biết, các hộ giết mổ nhỏ lẻ di dời hoạt động vào các cơ sở giết mổ tập trung được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Trong đó, hỗ trợ tháo dỡ lò mổ tại nhà là 3 triệu đồng/hộ; mỗi con heo sau khi giết mổ được hỗ trợ chi phí vận chuyển đến chợ đầu mối 20.000 đồng/con.

Ngoài khoản hỗ trợ của tỉnh Bình Định là gần 5,4 tỷ đồng, UBND huyện Tuy Phước còn trích ngân sách 2 tỷ đồng để phục vụ công tác tuyên truyền; hỗ trợ tháo dỡ, đập bỏ các lò mổ nhỏ lẻ, hỗ trợ chi phí vận chuyển gia súc sau khi mổ đến chợ đầu mối.

Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định cũng miễn phí tiền điện, tiền nước phục vụ giết mổ nên hầu hết những hộ giết mổ nhỏ lẻ ở huyện Tuy Phước đều đồng thuận đưa gia súc vào giết mổ tại nhà máy giết mổ tập trung tại phường Trần Quang Diệu.

Đình Thung

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.