Nuôi gà thả đồi lợi đủ bề
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân (Bình Định) đang có gần 2.000ha cây ăn quả. Ngoài ra, địa phương này còn 8.000ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả, chính quyền địa phương có nguyện vọng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.
“Trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả trên địa bàn có nhiều diện tích đất gò đồi, cây bụi mà theo quy hoạch đó là rừng sản xuất kém hiệu quả. Giờ huyện đề nghị đưa những diện tích nói trên ra ngoài diện đất lâm nghiệp để bà con chuyển đổi mục đích, phát triển trồng cây ăn quả. Những diện tích này là vùng đất đầy tiềm năng để người dân kết hợp phát triển nuôi gà thả đồi”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.
Người tiên phong nuôi gà thả đồi ở huyện trung du Hoài Ân là ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây. Ông Rõ nguyên là dân quê biển ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) lên Hoài Ân làm ăn.
Thuở đầu về vùng đất mới, ông Rõ thuê của UBND xã Ân Tường Tây 4ha đất nằm lưng chừng đồi Gò Loi để trồng rừng kết hợp chăn nuôi tổng hợp. Thu nhập từ mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi đã cho ông Rõ tích lũy được ít vốn, ông liền dùng số vốn này mua dần nhiều diện tích đất gò đồi của người dân địa phương, hiện ông đã sở hữu 10ha đất gò đồi. Đến nay, ông Rõ cũng đã có thâm niên nuôi gà gần 10 năm, nhưng ông mới phát triển mạnh nuôi gà thả đồi mấy năm nay. Hiện đàn gà của ông Rõ luôn ổn định khoảng 30.000 con, nuôi trong 15 dãy chuồng, hàng năm xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn gà, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Đàn gà của ông Rõ tự do đi lại dưới bóng những cây keo trong vườn rừng, khi mưa chúng mới vào chuồng, do đi lại nhiều nên thịt gà săn chắc, thơm ngon. Ngoài ăn cám, trong quá trình đi lại trong vườn rừng, gà của ông Rõ còn được ăn những vi sinh vật trong tự nhiên, ăn cả những lá cây thuộc loài thảo dược nên người nuôi giảm bớt một phần chi phí thức ăn, lại nhờ vận động nhiều trong môi trường nhiều cây xanh nên gà có sức đề kháng tốt, ít phát sinh dịch bệnh hơn gà nuôi nhốt chuồng.
Anh Nguyễn Giang Trí, con rể của ông Mai Văn Rõ, chủ trại gà đồi Gò Loi chia sẻ: “Gà thả đồi được nuôi thả rông, ngoài ăn cám, chúng còn ăn thảo dược, men vi sinh, thuốc bắc để tăng sức đề kháng và để gà có chất lượng thơm ngon. Ngoài ra, chúng còn được cho ăn thêm bả bia, các loại bắp ngô để tạo màu vàng trên da gà, nhờ đó, da của gà đồi Hoài Ân có màu vàng sánh rất đặc trưng”.
Chính sách tạo "cú hích" cho gà thả đồi
Trên địa bàn Bình Định hiện có 2 doanh nghiệp chuyên sản xuất giống gà ta là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát). Về điều kiện tự nhiên, các huyện miền núi, trung du như Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và Tây Sơn có nhiều diện tích rừng trồng và cây ăn quả có thể phát triển nuôi gà đồi. Nhận thấy tiềm năng lớn, tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2026.
Đây được xem là một trong những chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình ở các huyện trung du và miền núi của Bình Định. Chính sách này ban hành với các quy định rõ ràng về mức hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, thúc đẩy các chuỗi liên kết. Các hộ tham gia vào chương trình này phải đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu quy mô nuôi 3.000 con/lứa, xây dựng chuồng trại và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học… Trước đó, ngành chức năng Bình Định đã khảo sát thực tế, tham vấn cộng đồng và các ngành chuyên môn để xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi nói trên.
Cuối tháng 2/2023 vừa qua, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành hướng dẫn quy định các tiêu chuẩn về con giống, chuồng nuôi và quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà đồi; đồng thời chuyển thông tin đầy đủ cho 5 địa phương tham gia thực hiện chính sách gồm các huyện miền núi và trung du trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, đơn vị này cũng đồng thời kết nối với 4 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết này, gồm: Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước), Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát), Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Việt Vương (TP Quy Nhơn) và Công ty Cổ phần Hồng Hà (thị xã An Nhơn). Đến nay, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã thống nhất thực hiện liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm; Công ty Cổ phần Hồng Hà sẽ tiến hành tham gia trong quý 2/2023.
Đến nay, đã có huyện Tây Sơn và huyện Hoài Ân thống kê danh sách 23 hộ đủ tiêu chuẩn và đăng ký tham gia nuôi gà thả đồi. Trong đó, huyện Hoài Ân đăng ký 10 hộ và huyện Tây Sơn đăng ký 13 hộ ở các xã vùng cao, những địa phương đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn như các xã Vĩnh An, Tây Thuận, Tây Giang.
“Huyện Hoài Ân đã thống kê được hơn 10 hộ có nhu cầu đăng ký, đến nay vẫn tiếp tục thông tin rộng rãi để người dân biết, tham gia. Việc có doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu vào chuỗi liên kết là một trong những yếu tố đảm bảo tính khả thi, bền vững, giúp người dân an tâm đầu tư”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân chia sẻ.