Thị trường lao động tích cực
Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số khu công nghiệp, một số loại hình kinh doanh ở các địa phương phải tạm dừng hoạt động khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, nhiều người trong số đó đang có nhu cầu tìm việc làm mới.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, nhằm hỗ trợ người lao động trước ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã có nhiều hình thức kết nối việc làm thông qua các hình thức gián tiếp và trực tuyến như tư vấn qua điện thoại, email, trên website, Zalo và Facebook. Thực hiện tư vấn kết nối việc làm giữa DN và người tìm việc qua các kênh trực tuyến… nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp để rút ngắn thời gian tìm việc làm của NLĐ...
Trong quý II/2021, Trung tâm đã giao dịch với 2.284 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, trong đó có 1.633 doanh nghiệp giao dịch trực tuyến và 649 doanh nghiệp giao dịch trực tiếp. Nguồn cầu trong quý 2 là 23.337 lao động, trong đó nhu cầu về lao động có chuyên môn kỹ thuật là 4.271 lao động, nhu cầu lao động phổ thông là 19.066 lao động.
Đối với nguồn cung lao động, trong quý II/2021 Trung tâm đã thực hiện tư vấn cho 34.978 lượt lao động (số lượng lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp chiếm 54,5%), giới thiệu việc làm cho 24.852 lượt lao động và đã có 18.006 lao động có việc làm.
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Bên cạnh đó, hiểu rõ được vai trò quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp đối với DN và người lao động, Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương đã và đang làm tốt công tác hỗ trợ người lao động thất nghiệp, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khâu tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề. Theo đó, trong quý II/2021, trung tâm tiếp nhận giải quyết 28.364 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Song song với việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, với phương châm “học nghề để tạo lập cuộc sống, học nghề để vững chắc tương lai”, Trung tâm đã tuyên truyền đến người lao động để họ nhận thức được việc hỗ trợ thất nghiệp chỉ là tạm thời trong thời gian tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề, người lao động nên chủ động đào tạo nghề khác hoặc đào tạo nâng cao để có việc làm đảm bảo đời sống lâu dài, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách khác.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương cho biết, số lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi đào tạo nghề được giới thiệu việc làm trong trong quý 2 là 17.667 người, lũy kế 6 tháng đầu năm là 25.394 người.
Theo ông Nguyễn Thanh Phương, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là nguy cơ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trên cả nước nói chung và tại tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong 6 tháng cuối năm thị trường lao động cũng không tránh khỏi nguy cơ ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bình Dương sẽ tiếp tục phấn đấu, phát huy thật tốt những điểm sáng trong thực hiện "mục tiêu kép" ở 6 tháng đầu năm.
“Trong 6 tháng tới, thị trường lao động Bình Dương vẫn theo xu hướng cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt nhu cầu có thể lên đến 60.000 lao động do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử,…”, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Dương.