| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh đưa nghị quyết việc làm vào cuộc sống

Thứ Ba 27/07/2021 , 11:20 (GMT+7)

Tây Ninh là địa phương nằm trong vùng kinh tế năng động khu vực phía Nam, cùng với Nghị quyết số 68/NQ-CP, Tây Ninh chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động.

Nhiều đối tượng được hỗ trợ

Nhằm giúp đỡ kịp thời cho người lao động, căn cứ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành quyết định về hỗ trợ với người lao động không có giao kết lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Lao động tự do tại Tây Ninh. Ảnh: CTV.

Lao động tự do tại Tây Ninh. Ảnh: CTV.

Tiêu chí hỗ trợ là các đối tượng trên có đủ các điều kiện là bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/tháng với khu vực thành thị; Do phải cách ly y tế hoặc trong khu phong toả hoặc bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước từ 15 ngày trở lên; cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh.

Lao động thủ công tại Tây Ninh. Ảnh: CTV.

Lao động thủ công tại Tây Ninh. Ảnh: CTV.

Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người và chỉ hỗ trợ 1 lần cho người. Tỉnh giao UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chi trả trong 3 ngày làm việc. Nguồn kinh phí thực hiện là từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tây Ninh Võ Thanh Thủy cho biết, hiện tỉnh đang triển khai cho lập danh sách các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để hỗ trợ với kinh phí ước tính trong đợt 1 khoảng 40 tỷ đồng.

UBND tỉnh Tây Ninh sẽ hỗ trợ các đối tượng người lao động làm một trong các công việc như thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ từ 2 tấn trở xuống tại các chợ, bến bãi; xe ôm truyền thống và công nghệ. Người bán lẻ vé số,… Các đối tượng lao động tự làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp; lĩnh vực dịch vụ, xây dựng… cũng sẽ được hỗ trợ.

“Sở đã triển khai, hướng dẫn cho các huyện, thị, thành phố thống kê các đối tượng theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong đó, ưu tiên rà soát danh sách nhóm lao động tự do với số lượng khoảng 10.000 người, riêng người bán vé số khoảng hơn 6.000 người, mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (đối với lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng) và 1.500.000 đồng/người (đối với lao động nghỉ việc, mất việc làm từ 1 tháng trở lên).

Ngoài ra, Sở LĐTB-XH tỉnh Tây Ninh cũng đang xây dựng quy định chi tiết việc hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động, để sớm tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh xã hội, gồm 11 chính sách: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ...", Giám đốc Thủy chia sẻ.

Giải quyết việc làm cho 16.000 lao động.

Song song với Nghị quyết số 68/NQ-CP, Tây Ninh ban hành nhiều kế hoạch gỡ khó cho ngành lao động. Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình việc làm năm 2021.

Trong đó, duy trì, tạo việc làm ổn định, thường xuyên và tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 12.700 lao động; thông qua cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 3.000 lao động, giải quyết việc làm từ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng là 300 lao động. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 71%... Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch là hơn 140 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm và vốn sự nghiệp.

Đào tạo làm nghề truyền thống. Ảnh: Trần Trung.

Đào tạo làm nghề truyền thống. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Tấn Thuận, Giám đốc Trung tâm DVVL Tây Ninh cho biết, Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chức năng tỉnh đã tư vấn việc làm và học nghề cho gần 16.000 lượt lao động, giới thiệu cung ứng lao động trong nước 889 lao động, đưa 128 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 “Trung tâm đang gặp khó khăn về nguồn lao động vì hiện nay nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất cao mà nguồn lao động trong tỉnh đang rất ít. Vì thế, cần phải có sự đầu tư tạo nguồn lao động nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là đối với doanh nghiệp nằm trong khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ngoài tỉnh có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động”, ông Nguyễn Tấn Thuận chia sẻ.

Sàn giao dịch việc làm tại Tây Ninh. Ảnh: CTV.

Sàn giao dịch việc làm tại Tây Ninh. Ảnh: CTV.

Theo đánh giá từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tây Ninh, những năm qua, chương trình giải quyết việc làm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, đơn vị, nhất là sự tham gia hưởng ứng của người lao động.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.