| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận cảnh báo sâu đục thân hại lúa

Thứ Bảy 19/08/2023 , 08:36 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cảnh báo sâu đục thân hại lúa vụ mùa.

Một số diện tích lúa ở huyện Bắc Bình có hiện tượng trổ bạc (hạt lép) do sâu đục thân gây hại. Ảnh: KH.

Một số diện tích lúa ở huyện Bắc Bình có hiện tượng trổ bạc (hạt lép) do sâu đục thân gây hại. Ảnh: KH.

Những ngày này, nông dân huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã cơ bản thu hoạch gần xong vụ lúa hè thu. Hầu hết các diện tích đều cho năng suất cao, bình quân từ 7 - 8,5 tấn/ha (lúa khô). Với giá lúa (lúa khô) thu mua hiện dao động từ 8.200 - 8.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, nông dân thu hoạch có mức lãi khá.

Tuy nhiên, một số diện tích lúa giai đoạn chín - thu hoạch thuộc các xã: Phan Hòa, Phan Rí Thành, Phan Hiệp, Hải Ninh, Phan Điền (huyện Bắc Bình) lại có hiện tượng trổ bạc (hạt lép).

Trước tình hình trên, vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện Bắc Bình phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng các địa phương đã kiểm tra, xác định nguyên nhân lúa trổ bạc là do sâu đục thân gây hại. Tỷ lệ gây hại phổ biến từ 30-40%, với diện tích khoảng 230ha, cá biệt có một số diện tích gây hại với tỷ lệ trên 70% (diện tích khoảng 15 ha). Sâu đục thân gây hại trên hầu hết các giống lúa được sản xuất trong vụ hè thu.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Bắc Bình, các diện tích bị sâu đục thân gây hại chủ yếu do nông dân phòng trừ sâu đục thân không hiệu quả. Thời điểm gieo cấy trễ so với khung thời vụ (gieo sạ từ ngày 20/5 trở về sau), lệch với lịch gieo sạ né sâu rầy theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện.

Mặt khác, nông dân có sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ nhưng không tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” trong dùng thuốc BVTV. UBND các xã, thị trấn chưa thông tin kịp thời các thông báo (công văn số 13TTKT&DVNN-TT, ngày 11/5/2023 và công văn số 18/TTKT&DVNN-TT ngày 05/7/2023) cảnh báo sâu đục thân gây hại của ngành nông nghiệp.

Do vậy, Phòng NN-PTNT huyện Bắc Bình cho rằng, các diện tích lúa bị sâu đục thân gây hại trên là không đủ điều kiện để hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính Phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Qua kiểm tra thực tế đồng ruộng về tình hình sâu bệnh hại lúa vụ hè thu và vụ mùa tại các huyện Tuy Phong và Bắc Bình, ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã phát cảnh báo sâu đục thân hại lúa vụ mùa, cùng với biện pháp phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo thời gian tới sâu đục thân có nguy cơ gây hại trên trà lúa vụ mùa. Ảnh: KH.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo thời gian tới sâu đục thân có nguy cơ gây hại trên trà lúa vụ mùa. Ảnh: KH.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, dự báo thời gian tới, sâu đục thân có khả năng gây hại mạnh và phổ biến, ảnh hưởng lớn đến năng suất trên các trà lúa vụ mùa năm 2023.

Trước tình hình trên, để phòng sâu đục thân phát sinh, phát triển và gây hại trên diện rộng gây ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa, Chi cục đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Trong đó, giai đoạn đầu sâu đục thân phát triển (bướm hoặc thành trùng), bà con có thể sử dụng các biện pháp thủ công như dùng bẫy lồng đèn, ngắt bỏ lúa héo, diệt ổ trứng.

Về biện pháp hóa học, bà con cần sử dụng thuốc BVTV để trừ sâu đục thân sau khi bướm rộ 5 - 7 ngày, lựa chọn các loại thuốc lưu dẫn. Có thể sử dụng một trong các nhóm thuốc sau: Abamectin (Reasgant 5WG, Abasuper 1.8EC, Actamec 75EC, Voliam targoR 063SC...); Azadirachtin (Misec 1.0EC, Ramec 18EC, Agiaza 4.5EC...); Bacillus thurigiensis (Amatic, Tp-Thần tốc, An huy...); Carbosulfan (Marshal 200SC, Sulfaron 250EC, Afudan 20SC, Coral 5GR...); Cartap (Gà nòi 4GR, Padan 4GR...); Chlorantraniliprole (Virtako 40WG, Prevathon 35WG); Cyantraniliprole (Benevia® 1000D, Minecto Star 60WG)....

Đối với những ruộng bị sâu đục thân gây hại nặng, sau khi thu hoạch xong nên cày lật gốc rạ xuống, đồng thời vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng để tiêu diệt sâu non và nhộng nhằm ngăn ngừa sự phát sinh của sâu đục thân trong vụ sau.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý hạn chế sử dụng thuốc hóa học trước 40 ngày sau sạ để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu đục thân có trong ruộng lúa như bọ rùa, ong ký sinh, nhện, bọ cánh cứng 3 khoang... Nếu bị sâu đục thân gây hại ở giai đoạn mạ (dưới 25 ngày tuổi) thì rải phân bổ sung và dặm tỉa.

Trong trong trường cần thiết (bướm ra rộ nhiều, mật số trứng cao) thì tiến hành phun xịt bằng các các chế phẩm sinh học như: Bacillus thurigiensis (Amatic, Tp-Thần tốc, An huy...), Beauveria bassiana (Muskardin 10WP...) hoặc loại thuốc chuyên trị như: Chlorantraniliprole (Virtako® 40WG, Prevathon® 35WG), Cyantraniliprole (Benevia® 1000D,Minecto Star 60WG...) để phun xịt.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa để kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ có hiệu quả sâu đục thân để bảo vệ năng suất lúa vụ mùa.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.