| Hotline: 0983.970.780

Bờ kênh Thanh Đa sạt lở, người dân phập phồng lo sợ

Thứ Bảy 01/07/2023 , 10:12 (GMT+7)

TP.HCM Hơn một tuần trước, 120m bờ phải kênh Thanh Đa đoạn chân cầu Kinh bị sạt lở, làm ảnh hưởng hàng chục hộ dân sống tại đây.

Hầu hết người dân đã được bố trí về nơi an toàn

Chiều 30/6, khu vực sạt lở tại bờ kênh Thanh Đa (đoạn thuộc hẻm 886 Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Phường 25, quận Bình Thạnh) chỉ còn là đống hoang tàn. Hầu hết người dân đã được di dời, tạm trú tại vùng an toàn, không được ở lại nhằm tránh thiệt mạng về người.

Khu vực kênh Thanh Đa xảy ra sạt lở nằm ở đoạn chân cầu Kênh, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Ảnh: Lê Bình.

Khu vực kênh Thanh Đa xảy ra sạt lở nằm ở đoạn chân cầu Kênh, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Ảnh: Lê Bình.

UBND Phường 25 cũng cắt cử lực lượng bảo vệ dân phố túc trực, hạn chế người ra vào khu vực. Theo người dân ở đây, suốt mấy chục năm nay chưa khi nào xảy ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng như thế này.

Khi phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại khu vực sạt lở cũng là lúc nước dần rút, để lộ ra khu đất bị sụt lún tạo vùng võng lõm so với những vị trí khác. Đất, cát tại khu vực sạt lở bị nước cuốn trôi xuống kênh Thanh Đa.

Nhà cửa của các hộ dân bị sụt lún nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ảnh: Lê Bình.

Nhà cửa của các hộ dân bị sụt lún nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ảnh: Lê Bình.

Theo ghi nhận, đinh kè đá khu vực bị sụt lún có xu hướng chuyển vị về phía bờ kênh, một số căn nhà dọc theo bờ kênh bị lún nứt, nghiêng về phía kênh, xuất hiện vết nứt cách đỉnh kè đá hiện hữu khoảng 10m, dọc theo chiều dài khoảng 120m. Thống kê, sạt lở khiến 13 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đến chiều 30/6, vẫn còn 2 gia đình bám trụ lại khu vực sạt lở. 2 hộ gia đình này chủ động xin ở lại và được UBND phường 25 đồng ý.

Ông Nguyễn Vọng Các cho biết, gia đình có 8 người, các con đã ra ngoài thuê chỗ ở với giá 4 triệu đồng mỗi tháng. Vợ chồng ông đang làm nghề buôn bán nên không thể ra chung cư theo đề xuất của chính quyền. Ông đang chờ hỗ trợ chỗ ở mới có thể buôn bán, mưu sinh.

“Tôi đã gần 70 tuổi rồi nhưng chưa thấy vụ sạt lở nào nghiêm trọng đến vậy trên bờ kênh Thanh Đa này. Cũng sợ lắm, vẫn để ý mọi thứ xem có diễn biến gì xấu hơn nhưng biết sao giờ, vẫn phải vì cuộc sống, miếng cơm manh áo”, ông Vọng Các phân trần.

Hiện hai đầu của khu vực sạt lở đã được giăng dây và bảng cảnh báo, hạn chế người ra vào để bảo đảm an toàn. Ảnh: Lê Bình.

Hiện hai đầu của khu vực sạt lở đã được giăng dây và bảng cảnh báo, hạn chế người ra vào để bảo đảm an toàn. Ảnh: Lê Bình.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh (68 tuổi) vẫn còn các con, cháu cố bám trụ lại căn nhà tại khu vực sạt lở. Mẹ con bà Ánh và các cháu không thể chuyển đi tới chung cư Phan Chu Trinh - nơi được bố trí tạm trú.
Rất may, nhà của bà Ánh có 2 phần riêng biệt. Khu vực sạt lở chỉ ảnh hưởng một khu vực làm bằng gỗ, còn phần nhà còn lại không ảnh hưởng.

“Tôi có ba đứa cháu, nếu mà di dời đến chung cư thì rất khó khăn cho việc sinh hoạt, chăm sóc tụi nhỏ. Phần nhà kiên cố của chúng tôi nằm ở xa phía bị sạt lở nên cũng không quá lo. Cũng may, chính quyền cảm thông và cho chúng tôi ở lại”, bà Hoàng Ánh tâm sự.

Tập trung khắc phục sạt lở

Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, bờ kè kênh Thanh Đa bị nghiêng hẳn về phía mặt kênh. Nền bên trong bờ sụt lún khoảng nửa mét so với mặt đường. Các vết nứt đang tiếp tục kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nhà dân dùng bao cát gia cố bờ kè nhưng biện pháp này chưa thật sự đạt hiệu quả.

Trước đó, vào ngày 26/6, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Trung tâm Quản lý Đường thủy, UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 25 - quận Bình Thạnh kiểm tra sự cố sạt lở khu vực kênh Thanh Đa thuộc phường 25, quận Bình Thạnh.

Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nguyên nhân được xác định là vì đang trong mùa mưa bão nên hiện tượng mưa lớn và triều cường xảy ra thường xuyên gây bão hòa nước khu vực bên trong đỉnh kè, tạo áp lực nước lớn khi triều kiệt gây nguy cơ sạt lở.

“Nhà dân xây dựng cách đỉnh kè 3,5m làm gia tăng tải trọng ngang gây nguy cơ sạt lở. Đây cũng được xác định là nguyên nhân chính gây tác động, xảy ra hiện tượng sạt lở tại đoạn kênh Thanh Đa”, ông Bùi Hòa An lý giải.

Đội khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đang gấp rút khảo sát, đánh giá và vẽ bản thiết kế chi tiết để sớm thi công khắc phục tình hình. Ảnh: Lê Bình.

Đội khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đang gấp rút khảo sát, đánh giá và vẽ bản thiết kế chi tiết để sớm thi công khắc phục tình hình. Ảnh: Lê Bình.

Nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm nêu trên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và UBND quận Bình Thạnh đã bố trí nơi tạm trú khác cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND phường 25 tổ chức rào chắn khu vực nêu trên, bố trí lực lượng trực gác thường xuyên không cho người dân ra vào khu vực.

Ông Phạm Văn Tồn - Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh cũng kiến nghị các Sở, ngành và UBND quận tiến hành đánh giá và sớm khắc phục hậu quả sạt lở để người dân sớm ổn định cuộc sống.

“Công tác bố trí hiện tại cũng nhằm tránh ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Làm sao để sớm khắc phục được nền móng và tình trạng sụt lún tái diễn là tốt nhất, đó cũng là biện pháp lâu dài và giúp dân sớm ổn định cuộc sống”, ông Phạm Văn Tồn chia sẻ.

TP.HCM đang vào mùa mưa, kết hợp với triều cường tăng cao. Điều này càng khiến cho khu vực bị sạt lở bị tác động nhiều hơn.

Nhiều căn nhà bị sụt lún nghiêm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều căn nhà bị sụt lún nghiêm trọng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: Lê Bình.

Dù mưa nặng hạt nhưng Trung tâm Quản lý Đường thủy cũng tổ chức đo đạc lòng sông, đánh giá nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở cấp bách tại vị trí trên, báo cáo Sở Giao thông vận tải trong thời gian sớm nhất để triển khai công trình khắc phục sạt lở.

Suốt nhiều ngày nay, đội khảo sát của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) liên tục đo đạc và đánh giá mức độ tác động của sạt lở lên địa chất, công trình hiện tại. Đại diện tổ khảo sát chia sẻ với phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam, phải mất vài ngày nữa mới có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng cũng như lên được phương án thi công cụ thể.

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa chậm tiến độ

Để ngăn sự cố sạt lở hai bên bờ kênh Thanh Đa, từ năm 2003, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã nghiên cứu, đề xuất lên UBND TP xây dự án chống sạt lở tại bán đảo Thanh Đa với kinh phí hàng trăm tỉ đồng.

Năm 2006, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở ở khu vực này, chia thành 4 đoạn chính. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 chỉ một đoạn được xây hoàn tất. Các đoạn còn lại vẫn dang dở do vướng mắc mặt bằng.

Nhiều vị trí thuộc đoạn số 2 và số 4 vẫn chưa xây dựng, gạch đá ngổn ngang. Thậm chí, nhiều hạng mục đã được thi công trước đó đang có dấu hiệu xuống cấp.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.