| Hotline: 0983.970.780

'Bốc thuốc' trị vi phạm công trình thủy lợi

Chủ Nhật 25/10/2015 , 20:14 (GMT+7)

Ngành thủy lợi đang phải hứng chịu sức tàn phá cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”, nhưng khi phát hiện vi phạm, các chủ thể quản lý công trình chỉ được phép lập biên bản gửi cơ quan chức năng để xử phạt. 

Chỉ trong vòng 1 năm (từ 10/2013 – 10/2014), các địa phương đã phát hiện được 65.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi (CTTL), tuy nhiên chỉ xử lý được khoảng 11.000 vụ (chiếm 17%), xử phạt hành chính được 257 triệu đồng.

Chính quyền hờ hững, thủy lợi hứng khổ

Việc xử lý nhanh hay chậm, hiệu quả hay kém hiệu quả phụ thuộc vào lực lượng này…

Vấn đề vi phạm pháp luật về bảo vệ CTTL đã làm “nóng” hội nghị “Tăng cường triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL các tỉnh phía Bắc”, diễn ra vào cuối tuần qua tại Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT) thông tin: Hiện các hệ thống CTTL vùng ĐBSH đang chịu áp lực mạnh mẽ của quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Trong số các nguồn thải phát sinh thì nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn với tổng lượng các chất ô nhiễm rất cao.

Hầu hết nước thải sinh hoạt của các thành phố đều chưa được xử lý, trực tiếp đổ vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Phần lớn các đô thị đều chưa có nhà máy xử lý chất thải tập trung, đã xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả.

Nhiều nhà máy lớn ở các tỉnh, TP có tốc độ công nghiệp hóa cao như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam chưa làm thủ tục cấp phép xả nước thải mà trực tiếp xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống công trình thủy lợi, sông ngòi gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

ĐBSH cũng là khu vực tập trung nhiều làng nghề nhất trong cả nước với gần 900 làng nghề (xấp xỉ 60% tổng số làng nghề cả nước). Các làng nghề với quy trình thủ công, lạc hậu, phần lớn không có các công trình xử lý nước thải đã và đang làm cho chất lượng môi trường nước trong các hệ thống CTTL suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cấp nước cho nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng, như hệ thống Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Sông Nhuệ, Sông Đáy, Bắc Đuống…

TP Hà Nội thống kê được 1.440 điểm xả thải vào hệ thống CTTL, trong đó có 482 điểm xả thải từ SX công nghiệp, làng nghề, bệnh viện (thuộc diện phải xin cấp phép).

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 8 tổ chức làm thủ tục xin cấp phép và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải vào hệ thống CTTL, số còn lại chưa làm thủ tục cấp phép (Sở NN-PTNT chưa cấp giấy phép xả thải nào).

“Nếu chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt, phối hợp với các đơn vị, tổ chức quản lý khai thác CTTL và các lực lượng chức năng thì sẽ phát hiện và xử lý rất sớm các vi phạm. Ngược lại, chính quyền cơ sở thờ ơ và ỷ lại cho cơ quan chuyên môn thì vi phạm sẽ gia tăng nhanh”, ông Nguyễn Vĩnh Liên.

Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, còn cung cấp thêm những số liệu khủng khiếp hơn: “Tổng hợp trên địa bàn Hà Nội tính đến thời điểm này có 15.289 vụ vi phạm công trình thủy lợi.

Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, nhà xưởng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây tường bao, ngâm tre, nứa, luồng, gỗ, giăng lưới, đổ rác thai, cất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi... Tuy nhiên, kết quả công tác giải tỏa vi phạm còn rất hạn chế, từ năm 2011 đến nay chỉ giải quyết được hơn 1.600 vụ".

Theo ông Liên, bất cập ở chỗ Chi cục Thủy lợi chưa thể trực tiếp xử lý vi phạm được, chủ yếu sử dụng các biện pháp phi công trình như tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá giải tỏa vi phạm. Sông Nhuệ, sông Cầu Bây, kể cả sông Đáy cũng đang ô nhiễm rất nặng nề. Việc cấp phép xả thải nước thải chủ yếu được thực hiện bởi Sở TN-MT và UBND các quận, huyện.

Tuy nhiên sự quan tâm của chính quyền cơ sở chưa đúng mức, chưa quyết liệt, chưa triệt để, thậm chí còn né tránh, hầu hết phó thác cho cơ quan chuyên môn, thanh tra chuyên ngành trong công tác ngăn chặn vi phạm. Sự phối hợp với các ngành chức năng trong xử lý vi phạm cũng chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.

Có hiện tượng nhờn vi phạm

Tỉnh Hải Dương có gần 800 doanh nghiệp xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, nhưng tính đến nay, Sở NN-PTNT mới chỉ tiếp nhận, thẩm định và tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép xả nước thải vào hệ thống CTTL cho 24 doanh nghiệp, tỷ lệ còn rất thấp (đạt khoảng 3%).

13-55-13_nh-vi-phm-cttl-1
Xây dựng công trình lấn chiếm gây thu hẹp lòng sông Nhuệ tại thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (Hà Nội)

Ông Bùi Tuân, đại diện Cty TNHH MTV KTCTTL Bắc Hưng Hải chia sẻ: "Qua thẩm tra đánh giá, khoảng 90% nguồn nước từ các cơ sở SX nhỏ (làng nghề thuộc da, các giết mổ gia súc và khu dân cư) và 70% nước thải từ các nhà máy ở Long Biên, Gia Lâm (Hà Nội) chưa được xử lý chảy vào hệ thống. Sông Cầu Bây do Cty KTCTTL Gia Lâm quản lý đang rất ô nhiễm, chảy ra kênh thủy lợi của Bắc Hưng Hải. Chúng tôi yêu cầu Chi cục Thủy lợi Hà Nội tham mưu cho UBND các cấp tổ chức xử lý nước thải trước khi đổ ra các kênh, sông".

“Từ khi có Nghị định 139, tỉnh có trên 500 trường hợp vi phạm. Chúng tôi đã chỉ đạo các Cty và chính quyền địa phương giải quyết được khoảng 300 trường hợp. Nhưng chủ yếu là giải tỏa công trình chứ chưa xử phạt hành chính được một đồng nào”, ông Nguyễn Hồng Kỳ, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang.

Cùng chung nỗi khổ với Hải Dương, Hưng Yên cũng đang phải vật lộn với những dòng nước ô nhiễm chảy xuống từ hệ thống sông của Hà Nội. “Nhiều đợt tưới là dân không lấy nước vì quá ô nhiễm, cá trên sông cũng chết rất nhiều. Không chỉ Hưng Yên mà Bắc Ninh cũng bị rất nặng.

Việc cấp phép xả thải thì là do Sở TN-MT thực hiện. Việc xử lý là vừa Sở TN-MT, Cảnh sát môi trường và chính quyền các địa phương. Nhưng ô nhiễm vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tưới tiêu”, đại diện Cty KTCTTL Hưng Yên ngán ngẩm nói.

Cũng theo vị này, từ đầu năm đến nay mực nước ngầm của Hưng Yên hạ khoảng 5 m. Nhiều hộ dân phải khoan sâu thêm mới có nước. Những diện tích SX trước đây sử dụng nguồn nước ngầm để tưới, giờ phải sử dụng nước mặt. Nguyên nhân do các KCN, nhà máy bơm nước ngầm quá nhiều để phục vụ SX.

Ở Lạng Sơn, mặc dù môi trường nước trong hệ thống thủy lợi không bị xâm hại nhiều, nhưng tình trạng xây nhà tạm lấn chiếm hành lang, ngâm tre, gỗ xuống kênh vẫn diễn ra. Năm 2015, các địa phương phát hiện được 112 vụ vi phạm, nhưng chỉ xử lý được 5 vụ, còn tồn đọng 107 vụ.

Ông Hoàng Văn Tam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lạng Sơn bức xúc: “Khi phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương thường chỉ nhắc nhở, răn đe bằng mồm thôi, chứ chưa có biện pháp nào cụ thể. Chính quyền cơ sở nhiều nơi còn ở ngoài cuộc nên đôi khi các đối tượng vi phạm bị nhờn đi.

Một số xã, việc bố trí cán bộ theo dõi mảng thủy lợi còn hạn chế. Không ít cán bộ chưa nắm được thông tin gì về hệ thống công trình thủy lợi của địa phương mình. Đây cũng là khó khăn trong việc quản lý bảo vệ công trình thủy lợi”.

Trong thời gian tới, cần phải tổ chức mở một số lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến công tác bảo vệ, khai thác công trình thủy lợi… để cán bộ nâng cao nhận thức bảo vệ hệ thống thủy lợi. Đồng thời cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Xem thêm
Cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix

HÀ NỘI Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix minh chứng cho câu chuyện hợp tác 'muốn đi xa phải đi cùng nhau'.

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất