Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ Kiểm ngư
Trung tâm Huấn luyện thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng V (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp với Chi cục Kiểm ngư vùng V (Cục Kiểm ngư) khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm ngư cho lực lượng thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Lớp tập huấn có 75 học viên đến từ Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản thuộc các tỉnh, thành ven biển phía Nam và Duyên hải Nam Trung bộ, gồm: Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Chi cục Kiểm ngư vùng V.
Trong thời gian 5 ngày (từ 25 - 29/11), các học viên được tập huấn về các nội dung: Quy định xử lý vi phạm hành chính, Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; khái quát về lĩnh vực khai thác thủy sản; nhận biết thiết bị giám sát hành trình tàu cá; nhận diện tàu cá và các hành vi vi phạm Luật Thủy sản trên biển; Luật Biển Việt Nam, Luật Hàng hải, Luật Thủy sản năm 2017, Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Lực lượng Kiểm ngư mỏng và chưa đồng bộ
Việc bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ nhằm chuẩn hóa cho lực lượng kiểm ngư, từ đó nâng cao tính thực thi pháp luật về lĩnh vực thủy sản, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong tuần tra, kiểm soát trên biển là rất cần thiết. Vì hiện nay, Việt Nam đã có lực lượng kiểm ngư chính quy nhưng còn mỏng, nhiều tỉnh, thành phố ven biển chưa có hệ thống kiểm ngư.
Cùng với kiểm ngư thuộc Bộ NN-PTNT, kiểm ngư địa phương là lực lượng thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cả trong bờ và trên biển. Đến nay, mới có một số tỉnh (trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển) thành lập tổ chức kiểm ngư địa phương.
Tuy nhiên, mới chỉ có duy nhất tỉnh Kiên Giang là thành lập Chi cục Kiểm ngư trực thuộc Sở NN-PTNT, còn lại là thành lập theo mô hình cấp phòng và tương đương, thuộc Chi cục Thủy sản hoặc Sở NN-PTNT với tên gọi khác nhau, như: Phòng Kiểm ngư, Thanh tra và Pháp chế, Thanh tra Kiểm ngư, Trạm Kiểm ngư…
Hiện nay, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, trong khi nhiều địa phương có đội tàu quá lớn, gây mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật trên biển còn yếu cả về nguồn nhân lực và phương tiện, lại thiếu đồng bộ giữa các địa phương nên chưa thể tuần tra, kiểm soát tốt trên các vùng biển, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn xảy ra với tỷ lệ cao.
Ngoài các buổi học lý thuyết, các học viên còn được tham gia thực hành trực tiếp trên tàu kiểm ngư chuyên dụng. Cuối khóa học, các học viên làm bài thu hoạch và hoàn thành bài kiểm tra, sẽ được cấp chứng chỉ Kiểm ngư viên để thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định.
Qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các học viên đã được các giảng viên truyền đạt nhiều kiến thức cả về lý thuyết và thực hành trong thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, các công ước quốc tế liên quan đến Luật biển, các kiến thức về quản lý biển, nhận biết các hành vi vi phạm trên biển, các nghiệp vụ về quản lý, sử dụng phương tiện khi tham gia tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển…