| Hotline: 0983.970.780

Bông hoa người Dao đỏ

Thứ Năm 10/01/2013 , 08:50 (GMT+7)

Đó là cái tên mà bà con dân tộc Dao đỏ ở xã Thái Sơn (Bảo Lâm, Cao Bằng) thường gọi cô giáo Đặng Thị Liều.

Đó là cái tên mà bà con dân tộc Dao đỏ ở xã Thái Sơn (Bảo Lâm, Cao Bằng) thường gọi cô giáo Đặng Thị Liều (SN 1982), Hiệu phó Trường tiểu học bản Là, xã Thái Sơn và là đại biểu HĐND huyện Bảo Lâm.

Cô giáo Liều sinh ra và lớn lên ở vùng cao nghèo khó, không giống như bao bạn bè cùng trang lứa nghỉ học theo bố mẹ lên nương, rồi quấn theo luật tục lấy chồng, lấy vợ sớm, Liều chọn cho mình một cách riêng là “hạ sơn” theo đuổi cái chữ mang về dạy cho bọn trẻ nơi đây.

Rời bản ra phố…

Ngược lên miền sơn cước xã Thái Sơn, ông Hoàng Văn Chính, Chủ tịch UBND xã, phân trần: Địa hình xã phức tạp lắm, từ trung tâm xã nhưng đi xe máy mất gần một ngày cũng chưa đến các bản. Nhà báo đến Thái Sơn rồi thì “phượt” một chuyến vào bản xem thế nào.

Lúc ông mặt trời xuống núi, chúng tôi mới có mặt tại bản Là. Kiếm chỗ nghỉ qua đêm, tôi tìm đến nhà trưởng bản Trịnh Giao Lễ (27 tuổi). Nói chuyện về miền sơn cước, Lễ liền khoe: “Giờ bọn trẻ được đến trường và mê cái chữ lắm cán bộ ạ! Thế hệ như mình, Nhà nước mở trường, mở lớp nhưng không ai đi học đâu. Tý tuổi đầu đã theo bố mẹ lên nương rồi lấy vợ, lấy chồng”.

Trưởng bản Lễ kể: Cả vùng này thế hệ như chúng tôi không ai học quá lớp 2, vậy mà có một người đeo bám con chữ học đến cao đẳng. Cô giáo ấy tên là Đặng Thị Liều, ở bản Lìn. Tốt nghiệp sư phạm, cô Liều lại xin về đây dạy chữ cho bọn trẻ. Cô giáo dám vượt qua các hủ tục, vượt qua những mặc cảm, phấn đấu trở thành giáo viên góp phần xua đi những hủ tục, lạc hậu nơi rừng thẳm núi cao.

Sáng sớm, tôi đến Trường tiểu học bản Là, dãy kí túc lợp bằng ngói bờrô xi măng, bốn phía thưng bằng phên nứa, thấy tôi, cô Liều phân bua: “Ở đây giáo viên có chỗ tránh nắng, che mưa là tốt rồi. Phòng ở của giáo viên biến thành phòng tiếp khách của trường mà. Cũng vì đường khó đi lại nên trường bản Là có 3 điểm trường đóng ở ba bản khác nữa, gồm bản Khau Dề, bản Lìn, bản Sán Xoáy. Cả bốn trường nằm trên cung đường mòn dài chừng 25 km”.


Cô giáo Liều bên trang giáo án

Cô giáo Liều năm nay 29 tuổi. Liều sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Lìn, ngày đó cả 4 bản có được hai lớp tiểu học. Trường, lớp và giáo viên có nhưng chẳng có học sinh. Thế hệ như Liều trăm người như một, khi biết đọc, biết viết là bỏ trường, bỏ lớp lên nương. Không quấn theo vòng xoáy như các bạn, Liều lặng lẽ “hạ sơn” ra thị trấn để theo đuổi con chữ. Tuy nhiên, việc đi học tiếp gặp những khó khăn, bố mẹ Liều bảo rằng: Đi học khổ lắm, ở nhà làm nương rồi lấy chồng. Người Dao đỏ bao đời này có cần chữ đâu, bám núi, bám rừng sẽ có cái ăn.

Bố mẹ không cho đi học, Liều cũng chẳng làm gì, suốt ngày chỉ biết khóc. Mấy ngày trôi qua cặp mắt thâm quầng, Liều mang áo quần chạy lên nương tìm bố mẹ đề đạt nguyện vọng xin ra huyện học. Thấy con yêu chữ vậy, mẹ Liều bàn với chồng cho con tiếp tục đến trường.

Ngày đến trường, Liều một mình đi gần 60 km đường rừng ra thị trấn, mỗi tháng bố vượt núi tiếp tế lương thực cho con. Còn những hôm bố không ra được, Liều lại cuốc bộ về nhà cõng trên lưng ít gạo, ngô, sắn… Tôi đùa cô giáo: Có phải tên Liều mà cô liều vậy? Cô cười: “Cũng không biết nữa, nhưng ngày đó mình không liều thì không có cô giáo Liều của ngày hôm nay”.

Cứ vậy, năm tháng trôi đi, Liều lớn dần lên trong khó khăn và cứ mỗi năm lại học lên một lớp. Hết lớp 9 trường nội trú huyện, lại ra Trường nội trú tỉnh Cao Bằng học cấp 3. Ở đây, Liều mở mang kiến thức, trông xa nhìn rộng nhưng nghĩ về bản làng khiến Liều buồn bã. Nơi đó, bọn trẻ không có con chữ, càng nghĩ Liều quyết tâm học thật tốt để thành một cô giáo và ra trường quay về bản làng dạy chữ cho bọn trẻ.

... lại bỏ phố về bản

Năm 2009, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc và được một người thân xin việc dạy ở thị xã Cao Bằng (nay TP Cao Bằng) nhưng Liều từ chối. Cầm bộ hồ sơ, Liều đến Phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm trình bày nguyện vọng được về quê hương dạy học.

Là đại biểu HĐND huyện Bảo Lâm, Liều trăn trở: “Không biết khi nào bốn bản Khau Dề, Là, Lìn, Sán Xoáy có con đường cấp phối để đi lại. Đã nhiều lần trong cuộc họp ở huyện, mình đề nghị cấp thuốc nổ để phá đá làm đường nhưng chưa thấy gì. Có đường vào đây người dân đi lại thuận lợi, sản phẩm bà con làm ra vận chuyển dễ dàng”.

Bằng sự cố gắng của mình, năm 2011, cô được giao trọng trách làm hiệu phó. Cùng năm đó, Liều lại trúng vào Hội đồng nhân dân huyện Bảo Lâm. Mỗi tháng, Liều lại cuốc bộ ra huyện họp vài lần với quãng đường cả đi lẫn về hơn 100 km, hết những cuộc họp huyện, lại họp ở Phòng Giáo dục. Tôi hỏi Liều, sao không đi xem máy, Liều cười: “Sợ lắm rồi anh ơi, đi bộ cho nó lành”. Tôi hỏi tiếp: Sao lại sợ vậy? Liều đáp: “Đã mấy lần ngã xuống vực sâu suýt chết, giờ cầm xe máy không dám đi. Hiện nay, những hôm đi họp ở huyện nếu ai có xe thì đi nhờ, còn không cuốc bộ trước một ngày mới kịp”.

Mang tiếng là dạy cùng xã nhưng quãng đường về nhà mất 7 km nên Liều ở lại kí túc. Tôi bảo với Liều, ở dưới xuôi với quãng đường đó, sáng đi tối về không ai ở lại trường đâu. Nghe xong Liều lên tiếng: “Anh xem đó, xe máy không đi được, còn đi bộ hết 2 tiếng đồng hồ làm sao đi về được trong ngày. Mỗi tuần mình chỉ về thăm nhà một lần thôi”. Tôi đùa cô giáo, không bắt cóc anh chàng nào làm "xe ôm" chở đi, chở về? Liều cười: “Mình chưa may mắn nên chưa có anh chàng nào bắt cóc đó mà”.

Tôi buột miệng, 30 tuổi rồi, hay cô giáo nhiều chữ không có anh nào dám tới gần? Liều cười: “Có phần đúng đó anh ạ! Người Dao ở đây bảo mình nhiều chữ, lấy mình về thì khó sống lắm. Mà lo gì, cái số là vậy, nó đến đâu thì đến. Mình mong muốn một ngày gần nhất, Phòng Giáo dục cho xuống đứng lớp, làm hiệu phó không được dạy các em buồn lắm!”, Liều tâm sự.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm