| Hotline: 0983.970.780

'Bóng ma' Covid quay lại châu Âu: [Bài 3] Chia rẽ vì tiêm chủng

Thứ Tư 01/12/2021 , 11:49 (GMT+7)

Giáng sinh năm nay được kỳ vọng là dịp để các gia đình ở châu Âu đoàn tụ. Nhưng thay vào đó, lục địa này đang là tâm điểm của đại dịch Covid-19.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong phòng điều trị tích cực (ICU) tại một bệnh viện ở thủ đô Bucharest, Romania, hồi tháng 9. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong phòng điều trị tích cực (ICU) tại một bệnh viện ở thủ đô Bucharest, Romania, hồi tháng 9. Ảnh: AP.

Với tình trạng ca nhiễm tăng vọt trở lại bất chấp các hạn chế được áp đặt gần hai năm qua, cuộc khủng hoảng Covid-19 ngày càng đè nặng lên người dân châu Âu, nguy hiểm hơn, nó còn tạo rạn nứt lớn trong xã hội, giữa người chưa tiêm chủng và người đã tiêm.

Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm bảo vệ hệ thống y tế trước sóng Covid-19, chính phủ nhiều nước đã áp đặt các hạn chế với những người chưa tiêm với hy vọng thúc đẩy người dân đi tiêm chủng, qua đó tăng độ phủ vaccine.

Áo hồi cuối tuần trước đã tiến một bước xa hơn, ra lệnh bắt buộc tiêm chủng kể từ ngày 1/2/2022.

"Suốt một thời gian dài, tôi và những người khác đã tưởng lầm rằng có thể thuyết phục được mọi người dân Áo, thuyết phục họ đi tiêm chủng một cách tự nguyện", Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói.

Ông khẳng định bắt buộc người dân tiêm chủng là "cách duy nhất phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn lây nhiễm và phong tỏa mãi mãi".

Áo đến nay vẫn là quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh bắt buộc tiêm chủng, song ngày càng có nhiều nước đang dần mạnh tay hơn với người chưa tiêm vaccine.

Bắt đầu từ ngày 22/11, Slovakia sẽ cấm những người chưa tiêm chủng vào tất cả các cửa hàng không thiết yếu và trung tâm mua sắm. Họ cũng sẽ không được phép tham dự bất kỳ sự kiện hoặc buổi tụ tập công cộng nào và phải xét nghiệm Covid-19 hai lần một tuần nếu muốn đi làm.

Slovakia mới chỉ có 45,3% trong 5,5 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ. Nước này cũng đang chứng kiến sóng Covid-19 bùng phát dữ dội trở lại.

Không chỉ các quốc gia ở Trung và Đông Âu đang phải một lần nữa bị bóng ma Covid-19 đe dọa. Các quốc gia giàu có ở Tây Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề và phải tái áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế.

"Đã đến lúc phải hành động", Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi. Với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở mức 67,5%, Đức đang cân nhắc tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế.

"Toàn nước Đức là một ổ dịch lớn. Đây là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chúng tôi cần phải kéo phanh khẩn cấp", Lothar Wieler, lãnh đạo cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức, nói hôm 19/11.

Hy Lạp cũng đang nhắm đến những người chưa tiêm chủng. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis vào cuối ngày 18/11 đã công bố một loạt biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm vaccine, không cho phép họ tới nhiều địa điểm công cộng như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng và phòng gym, ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV.

"Đây là một hành động bảo vệ tức thì và tất nhiên là một sự thôi thúc gián tiếp người dân đi tiêm chủng", Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh.

Những hạn chế này khiến Clare Daly, một nhà lập pháp Ireland, thành viên Ủy ban Công lý và Tự do Dân sự của Nghị viện châu Âu, phẫn nộ. Bà cho rằng các quốc gia đang chà đạp quyền cá nhân.

"Nhiều quốc gia đang loại trừ những người có khả năng đi làm", Daly nói, đồng thời gọi những hạn chế của Áo với người chưa tiêm chủng là "một kịch bản đáng sợ".

Ngay cả ở Ireland, nơi 75,9% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, bà cũng cảm thấy những phản ứng dữ dội đang bùng lên đối với người chưa tiêm vaccine.

Thế giới đã có lịch sử tiêm vaccine bắt buộc ở nhiều quốc gia đối với các bệnh như đậu mùa hay bại liệt. Tuy nhiên, bất chấp số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu đã vượt 5 triệu, bất chấp nhiều bằng chứng y tế cho thấy vaccine bảo vệ rất tốt người tiêm khỏi nguy cơ tử vong hoặc bệnh trở nên nghiêm trọng, đồng thời hạn chế đáng kể tốc độ lây lan dịch, làn sóng phản đối tiêm chủng vẫn rất mạnh mẽ trong một bộ phận dân số.

Khoảng 10.000 người tuần trước đã tụ tập biểu tình, hô vang khẩu hiệu "tự do, tự do" tại thủ đô Prague, Czech, nhằm phản đối các hạn chế của chính phủ áp dụng với người chưa tiêm chủng.

"Không có tự do cá nhân nào là tuyệt đối", giáo sư Paul De Grauwe từ Trường Kinh tế London phản bác. "Quyền tự do không tiêm chủng cần được giới hạn để đảm bảo quyền tự do được hưởng sức khỏe tốt của những người khác".

Nguyên tắc này đang tạo ra mối rạn nứt xã hội trên khắp châu Âu, khiên bạn bè xa nhau, gia đình chia rẽ.

Birgitte Schoenmakers, bác sĩ đa khoa kiêm giáo sư tại Đại học Leuven, nhìn thấy những điều như vậy gần như mỗi ngày.

"Nó đã biến thành một trận chiến giữa người dân với nhau", bà nói. Một trong những bệnh nhân của Schoenmakers đã bị cha mẹ không cho vào nhà vì cô ấy sợ phải tiêm vaccine.

Theo bà, nhà chức trác các nước trước đây phản đối ý tưởng tiêm chủng bắt buộc, song biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao đang khiến họ thay đổi ý kiến.

"Để thực hiện một cú quay đầu 180 độ như vậy là điều rất khó khăn", bà lưu ý.

Tỷ lệ lây nhiễm gia tăng và các biện pháp kiềm chế đang kết hợp với nhau để mở ra một kỳ nghỉ lễ nghiệt ngã thứ hai liên tiếp tại châu Âu.

Thành phố Leuven, Bỉ, đã hủy chợ Giáng sinh năm nay. Tại Brussels, một cây thông Noel cao 18 mét đã được dựng lên ở Quảng trường Lớn ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc liệu thủ đô của Bỉ có thể tiếp tục ăn mừng dịp lễ lớn hay không còn phụ thuộc vào diễn biến dịch.

Paul Vierendeels, người đã tặng cây thông cho thành phố, hy vọng một Giáng sinh truyền thống sẽ quay trở lại.

"Chúng tôi rất hân hoan khi chứng kiến họ dựng cây lên, trang trí nó. Đó là khởi đầu", ông nói. "Sau gần hai năm khó khăn, tôi nghĩ thật tốt khi một số điều bình thường trong cuộc sống lại diễn ra".

  • Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.