Trong lúc đang vận chuyển các thùng hóa chất, do không cẩn thận, anh D.M.L (36 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) bị một lượng dung dịch axit HCL bắn vào mắt và một số vị trí khác trên cơ thể.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng mắt đau nhức dữ dội, đỏ mắt và chảy nước mắt liên tục, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng mắt độ 1 do hóa chất.
Người nhà cho biết, anh D.M.L trong lúc làm việc vận chuyển các thùng hóa chất thì sơ suất, bị văng một lượng lớn axit HCL vào mắt, tay và chân. Bệnh nhân có rửa mắt dưới vòi nước và được sơ cứu rửa mắt tại cơ sở y tế ban đầu. Sau đó, lập tức đến khám tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ khi mắt phải liên tục đau nhức, đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều bất thường.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị bỏng mắt độ 1 do hóa chất. Tình trạng giác mạc tróc hết toàn bộ biểu mô, tuy nhiên không có tình trạng thiếu máu rìa, kết mạc không hoại tử nên tiên lượng tình trạng bệnh khá. Bệnh nhân tiếp tục được rửa mắt, loại bỏ ghèn mắt và dị vật, sau đó kê đơn thuốc và nhập viện để được chăm sóc.
BS Đỗ Tiến Đức, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ cho biết, bỏng mắt do hóa chất (axit và bazo) ở kết mạc và giác mạc là một cấp cứu nhãn khoa và cần được can thiệp ngay lập tức. Tổn thương có thể để lại những di chứng nặng nề và suy giảm thị lực. Bỏng mắt do hóa chất thường thâm nhập nhanh và sâu hơn vào các bộ phận của mắt. Các mô bị tổn thương sẽ tiết ra các enzym gây phân hủy protein dẫn đến tổn thương nặng hơn. Các tổn thương do axit thường ít độc hại hơn kiềm. Chúng làm biến tính protein và tạo thành một hàng rào ngăn cản axit thâm nhập sâu hơn.
Theo hướng dẫn cấp cứu ban đầu của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ đưa ra, mức độ nghiêm trọng của tổn thương mắt phụ thuộc vào nồng độ của hóa chất, thời gian tiếp xúc với hóa chất, diện tích tiếp xúc. Một số trường hợp nặng có thể cần phải phẫu thuật như: cắt lọc mô hoại tử, ghép kết mạc, tách dính mi cầu.
Vì vậy, khi tiếp xúc với hóa chất, việc đầu tiên cần làm là rửa mắt với một lượng nước lớn. Tại nơi bị nhiễm hóa chất (axit hoặc kiềm). Nếu không có dung dịch vô trùng thì có thể sử dụng các dung dịch không độc hại như nước máy.
Tại cơ sở y tế nên tiếp tục được rửa mắt tối thiểu 30 phút, dùng từ 1 - 3 lít dịch, kết hợp với sử dụng tăm bông vô khuẩn để loại bỏ dị vật ở cùng đồ. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân nên được chuyển tới các bệnh viện chuyên khoa để được chăm sóc mắt toàn diện.
Thông qua trường hợp trên, BS Đỗ Tiến Đức khuyến cáo, tai nạn lao động ở mắt thường xuyên xảy ra, phần lớn là do người dân chủ quan, không áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động. Vì vậy, khi lao động, làm vườn, phun thuốc trừ sâu hay vận chuyển các hóa chất, người dân nên hết sức cẩn trọng, dùng kính bảo hộ che chắn mắt, tránh các trường hợp tai nạn ảnh hưởng đến thị lực, nghiêm trọng có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.