| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam - Trung Quốc

Thứ Năm 28/03/2024 , 13:47 (GMT+7)

Đây là một trong những kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về triển khai các Bản ghi nhớ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đề nghị các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: PT.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đề nghị các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: PT.

Ngày 27/3, Bộ NN-PTNT ban hành văn bản số 2210 thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai các Bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong thông báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vacxin giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký ngày 12/12/2023; Bản ghi nhớ hợp tác về nông nghiệp được Bộ NN-PTNT và Chính quyền Nhân dân khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc ký ngày 16/9/2023 là các văn bản rất quan trọng, đặc biệt phù hợp tinh thần với Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong tháng 12/2023.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên, bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chiến lược phát triển chăn nuôi, Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm phòng đồng loạt các vacxin, nhất là vacxin lở mồm long móng. Ảnh: PT.

Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm phòng đồng loạt các vacxin, nhất là vacxin lở mồm long móng. Ảnh: PT.

Các nhóm giải pháp trọng tâm ở địa phương

Để triển khai có hiệu quả các Bản ghi nhớ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu kỹ nội dung của các Bản ghi nhớ và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất các sản phẩm chăn nuôi, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc.

Các địa phương tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả Công văn số 1297/BNN-TY ngày 26/02/2024 của Bộ NN-PTNT về việc triển khai Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Thứ trưởng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, nhất là các huyện được lựa chọn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật.

Các giải pháp gồm: xác định rõ vùng hoặc vùng địa lý tách biệt với các vùng khác để kiểm soát được dịch bệnh, tổ chức hướng dẫn, giám sát, bảo đảm các biện pháp sản xuất, chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tổ chức tiêm phòng đồng loạt các vacxin, nhất là vacxin lở mồm long móng, tổ chức giám sát chủ động phát hiện mầm bệnh, giám sát sau tiêm phòng (tối thiểu trong 24 tháng không có ca bệnh lâm sàng, 12 tháng không có mầm bệnh lưu hành).

Tổ chức kiểm soát buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ vùng ngoài vào vùng đệm, từ vùng đệm vào vùng an toàn dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi phát hiện dịch bệnh. Tổ chức kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm tại các chuỗi sản xuất để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật trong vùng an toàn dịch bệnh, vùng đệm. Làm việc, yêu cầu, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp có tiềm năng, chủ lực, tiên phong cần tìm các đối tác Trung Quốc và nước nhập khẩu.

Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng.

Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Trung Quốc. Ảnh: PT.

Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Trung Quốc. Ảnh: PT.

Cục Thú y thành lập tổ công tác kỹ thuật đến các địa phương

Đối với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thú y tham mưu, trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, có văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp để tổ chức triển khai các Bản ghi nhớ.

Cục Thú y là đầu mối để trao đổi, thống nhất các nội dung kỹ thuật với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức thực hiện nội dung của các Ban ghi nhớ nêu trên. Cục cũng là đơn vị được giao tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Trung Quốc.

Cục Thú y đàm phán, thống nhất các bước đánh giá, công nhận vùng an toàn dịch bệnh và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thú y với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc.

Thứ trưởng giao Cục Thú y xây dựng, trình Bộ NN-PTNT phê duyệt, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Kế hoạch của Trung ương cho giai đoạn 2024 - 2030 về phòng, chống dịch bệnh động vật, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, đánh giá sau tiêm phòng vacxin. Giám sát an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, đàm phán thú y để xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Đây cũng là đơn vị ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết (quy trình, các bước, cách thức,…) để các doanh nghiệp nghiên cứu, đăng ký xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc, bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cục Thú y cũng được giao thành lập các tổ công tác kỹ thuật đến các địa phương, doanh nghiệp để phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức sản xuất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc.

Cũng tại Thông báo 2210, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ sản xuất, chức chăn nuôi theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức xây dựng các mô hình chăn nuôi, khoá tập huấn chăn nuôi theo chuỗi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm động vật của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y. Ảnh: PT.

Các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y. Ảnh: PT.

Doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn

Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu nghiên cứu kỹ nội dung của các Bản ghi nhớ và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất.

Các doanh nghiệp cần có văn bản gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chuỗi sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của chuỗi cơ sở sản xuất, chế biến bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương để tổ chức tốt, có hiệu quả các nhóm giải pháp kỹ thuật nêu trên.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu doanh nghiệp chủ động trao đổi, thống nhất với các đối tác Trung Quốc và nước nhập khẩu để hợp tác xây dựng chuỗi, đàm phán xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Chuẩn bị hồ sơ, thông tin, dữ liệu để đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của Trung Quốc và hướng dẫn của Cục Thú y.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.