| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui của nông dân Mỹ khi Trung Quốc mua thêm 50 tỷ USD nông sản

Thứ Sáu 18/10/2019 , 07:01 (GMT+7)

Nông dân Mỹ được an ủi phần nào khi biết tin Tổng thống Donald Trump cuối tuần trước đạt thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh đồng ý mua thêm 40 – 50 tỷ USD nông sản.

1145941907
Nông dân Mỹ kiểm tra độ sâu của lỗ trước khi gieo hạt trên cánh đồng ở ngoại ô thành phố Henry, bang Illinois. Ảnh: Bloomberg.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã diễn ra hơn một năm. Sau vòng đàm phán thứ 13 tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một và sẽ được viết ra trong vài tuần tới. Thỏa thuận giải quyết vấn đề tài sản trí tuệ và dịch vụ tài chính và Trung Quốc sẽ mua thêm 40 – 50 tỷ USD nông sản Mỹ.

Thông tin trên giúp an ủi phần nào nông dân Mỹ nhưng họ vẫn đề phòng. Blake Hurst, chủ tịch Cục Nông nghiệp bang Missouri, và Tim Bardole, chủ tịch Hiệp hội Đậu tương Iowa, nói với Yahoo Finance ngày 16/10 rằng họ vẫn “lạc quan thận trọng”.

“Lời hứa mua 50 tỷ USD có giá trị gấp hai lần năm làm ăn tốt nhất của chúng tôi. Nếu thành hiện thực, đó sẽ là một ngày tuyệt vời với ngành nông nghiệp Mỹ”, Hurst cho biết. “Vấn đề ở đây là chúng tôi từng được hứa hẹn rất nhiều trong suốt quá trình đàm phán thương mại nhưng không phải tất cả đều giữ lời”.

Mỹ và Trung Quốc từng đạt thỏa thuận đình chiến thương mại trong quá khứ. Tháng 12/2018, hai nước cùng xuống thang căng thẳng sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, Trung Quốc nối lại hoạt động mua đậu tương Mỹ. Tình hình nóng trở lại khi Mỹ tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% hồi tháng 5.

“40 – 50 tỷ USD là cú hích mạnh cho ngành nông nghiệp”, theo Bardole. “Tôi có chút hoài nghi nhưng giá trị đó sẽ bù đắp phần nào các tổn thất do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra suốt hơn một năm qua”.

Việc Trung Quốc cam kết mua thêm nông sản Mỹ cho đến nay mới chỉ được đề cập bởi chính quyền Trump, Hurst lý giải. “Chúng tôi chưa nghe thấy con số nào từ phía Trung Quốc. Thị trường rất trông chờ thương vụ này, ngay cả khi chúng diễn ra trong vài tháng nữa”.

Một vấn đề nữa là không phải lúc nào Trung Quốc cũng làm đúng cam kết.

“Chúng tôi từng nghe những thông tin tương tự hồi đầu năm và rồi phái đoàn Trung Quốc về nước. Một tuần sau đó, lời hứa biến mất và đàm phán thương mại bế tắc nhiều tháng. Bị một lần là tởn tới già. Chúng tôi rõ ràng phải chờ xem tình hình”. Hurst cho biết ngay cả khi tàu chở hàng đã khởi hành, thương vụ vẫn bị hủy vì lý do nào đó.

Với Bardole, ưu tiên trong việc chốt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là “tự do, bình đẳng thương mại”. “Trung Quốc mua rồi hủy đơn hàng khiến thị trường sụp đổ, gây thiệt hại cho nông dân Mỹ”.

Iowa và Missouri là hai trong số những bang xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Trung Quốc nhất và cũng là bên chịu thiệt hại nặng nhất vì thuế quan đáp trả lẫn nhau giữa hai cường quốc kinh tế. Xuất khẩu của Iowa và Missouri lần lượt giảm 43% và 19% trong năm vừa qua, theo Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung.

“Chọn cây trồng phụ thuộc vào việc thỏa thuận thương mại này có được thực hiện hay không. Chúng tôi cần có sự chắc chắn trước khi ra quyết định cho vụ tiếp theo”, Hurst nói.

Năm giao dịch 2018 – 2019, kết thúc ngày 31/8, Trung Quốc mua hơn 13 triệu tấn đậu tương, Reuters dẫn số liệu từ chính phủ Mỹ. Trước chiến tranh thương mại, con số trên là gần 30 triệu tấn. Tuy nhiên, Bắc Kinh giờ khó tăng mua đậu tương bởi tổng đàn lợn của Trung Quốc đã giảm đáng kể vì dịch tả lợn châu Phi, Ole Houe, giám đốc bộ phận tư vấn tại công ty môi giới hàng hóa IKON Commodities, Sydney, Australia, nhận định.

Ngoài ra, tăng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ đồng nghĩa phải giảm mua từ những thị trường khác như Brazil, nơi các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay trong vài năm gần đây.

Giá trị nhập khẩu những nông sản khác như ngô, thịt lợn, thịt bò nhỏ hơn rất nhiều so với đậu tương do ảnh hưởng bởi thứ được Mỹ gọi là rào cản phi thuế quan.

214594365
Trung Quốc khó tăng mua thêm đậu tương Mỹ do quy mô đàn lợn trong nước giảm. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc cần dỡ lệnh cấm hormone và dư lượng thuốc trong thịt, cho phép mua bán với điều kiện như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, theo Joel Haggard, chủ tịch châu Á tại Liên đoàn Xuất khẩu thịt Mỹ. Từ đó, giá trị thịt bò xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tăng lên hơn 1 tỷ USD, tức 10 lần mức hiện tại, nhưng sẽ phải mất 1 – 2 năm.

“Với những sản phẩm khác, chúng tôi cần chờ có đột phá, có thể là sau khi thỏa thuận giai đoạn một được ký trong 4 – 5 tuần tới. Khó có thể đạt được mục tiêu trừ khi thỏa thuận được viết ra”, một thương nhân thuộc một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nói.

“Thị trường không chắc chắn về việc có thỏa thuận thương mại hay không. Nếu tình hình leo thang nữa thì sao? Nếu ông Trump đăng gì đó lên Twitter thì sao?”.

Bất chấp những bất ổn, nông dân Mỹ nhìn chung vẫn ủng hộ Tổng thống Trump cùng chính quyền của ông.

“Tổng thống Trump đang xử lý vấn đề mà nhiều người Mỹ dường như còn chưa nhận ra. Là nông dân, tôi muốn ông ấy thu được một thỏa thuận tốt. Tôi nghĩ những người nông dân sẽ rất vui khi nghe tin chúng tôi đang tiến gần hơn tới kết thúc chiến tranh thương mại. Thời gian sẽ trả lời”, Bardole chia sẻ.

Hurst có chung quan điểm, cho biết “mọi người rất phấn khích” trước cơ hội được tạo ra bởi thỏa thuận.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.