| Hotline: 0983.970.780

Cả ấp thất mùa vì muỗi hành gây hại nặng

Thứ Hai 14/03/2022 , 06:50 (GMT+7)

KIÊN GIANG Hàng trăm hộ dân ấp Kênh 3A xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đang rất buồn rầu vì lúa đông xuân bị thất mùa do dịch muỗi hành gây thiệt hại nặng.

Sạ trễ lịch, lãnh đủ

Cánh đồng lúa đông xuân 2021 - 2022 của ấp Kênh 3A đang bắt đầu ngà màu vàng chờ ngày thu hoạch. Chạy dài theo 2 bên bờ sông Kênh 3, hàng trăm ha lúa của các hộ dân trong ấp được chia theo lô (3 ha/lô) liền canh liền cư thẳng tắp ra cuối ngàn (dài 1.000m). Có người làm ruộng nhà, có người thuê thêm đất của hàng xóm và cả người nơi khác đến thuê để làm. Đông xuân là vụ lúa hiệu quả nhất trong năm, nhưng nông dân chẳng thể vui khi năng suất được dự báo sẽ giảm mạnh.

Cánh đồng lúa 733 ha của nông dân ấp Kênh 3A đều bị dịch muỗi hành tấn công, gây hại nặng. Ảnh: Trung Chánh.

Cánh đồng lúa 733 ha của nông dân ấp Kênh 3A đều bị dịch muỗi hành tấn công, gây hại nặng. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Lật cuốn sổ tay ghi chép, ông Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Ban lãnh đạo ấp Kênh 3A buồn rầu: “733ha ruộng lúa của nông dân trong ấp vụ đông xuân này đều bị dịch muỗi hành tấn công, gây hại. Trong đó, khoảng 50% diện tích bị thiệt hại nặng, giảm năng suất từ 70 - 80%, còn lại cũng thiệt hại từ 30 - 50%. Trung bình mỗi ha nông dân đã đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng do chi phí đầu tư năm nay tăng khá cao. Toàn ấp tính ra số tiền thua lỗ lên đến cả chục tỷ đồng, đây sẽ là một khó khăn lớn cho nhà nông”.

Theo ông Hậu, nông dân trong ấp bắt đầu xuống giống lúa đông xuân 2021 - 2022 từ ngày 16/12. Nếu so với lịch khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì trễ đúng 1 tháng. Nguyên nhân do nông dân làm lúa 3 vụ/năm, mà lúa thu đông 2021 thu hoạch trễ, đã ảnh hưởng dây chuyền đến khung lịch thời vụ tiếp theo. Vụ này, nông dân trong ấp chủ yếu làm giống Đài Thơm 8, chỉ có vài chục ha là sử dụng giống Jasmine 85. Cả 2 giống lúa này đều bị dịch muỗi hành gây hại nặng.

Cánh đồng lúa của ấp Kênh 3A hiện lúa vẫn còn trên đồng, trong khi các ấp lân cận đã thu hoạch xong, đang chuẩn bị vệ sinh đất cho vụ hè thu 2022. Và đây cũng là cánh đồng bị thiệt hại nặng nề nhất do dịch muỗi hành.

Nhiều ruộng lúa của nông dân ấp Kênh 3A bị dịch muỗi hành gây thiệt hại rất nặng, cây lúa không thể phục hồi, năng suất giảm đến 70 - 80%. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều ruộng lúa của nông dân ấp Kênh 3A bị dịch muỗi hành gây thiệt hại rất nặng, cây lúa không thể phục hồi, năng suất giảm đến 70 - 80%. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Khắc Luật, một nông dân trong ấp Kênh 3A canh tác 6ha lúa giống Đài Thơm 8 cho biết, nông dân ở đây đều có thâm niên canh tác lúa nên công tác chuẩn bị, chọn giống chất lượng đều rất kỹ lưỡng. Lúa gieo sạ thời gian đầu phát triển rất tốt, nhưng khi được khoảng 1 tháng bắt đầu thấy xuất hiện muỗi hành tấn công.

Ông Luật buồn rầu: “Thông thường, muỗi hành xuất hiện sớm, nông dân phun thuốc phòng trừ và chăm sóc tốt cây lúa sẽ đâm chồi và tự phục hồi lại, mức độ thiệt hại không lớn. Nhưng năm nay muỗi hành xuất hiện nhiều đợt, chồi mới lại tiếp tục bị gây hại. Ruộng lúa của tôi ước bị thiệt hại 85 - 90%, chỉ còn lại ít chồi hữu hiệu cho bông. Chắc thu hoạch hết giỏi lắm cũng chỉ khoảng 5 tấn lúa, giá hiện nay là 5.700 đồng/kg, tổng thu cũng chưa tới 30 triệu đồng, trong khi đã đầu tư vào vụ lúa lên đến hàng chục triệu đồng mỗi ha, không thể thu hồi vốn”

Nông dân thua lỗ nặng

Thay vì vui mừng vì ruộng gieo sạ đến ngày thu hoạch thì nông dân ở đây ai cũng lắc đầu ngao ngán: “Vụ lúa này thua lỗ nặng rồi”. Ông Phạm Minh Triết ở Tổ 16 ấp Kênh 3A canh tác 3ha đất nhà với giống Đài Thơm 8 nhẩm tính: Lúa thu đông thu hoạch dứt điểm vào ngày 30/11, vệ sinh đồng ruộng, thực hiện cách ly 3 tuần, đến 20/12 thì gieo sạ lúa đông xuân 2021 - 2022. Trong khoảng 30 ngày đầu, ruộng lúa phát triển rất tốn, nhưng sau đó thì phát hiện bị muỗi hành tấn công liên tục nhiều đợt, làm lúa không thể phục hồi, thiệt hại rất nặng.

Các nông dân ấp Kênh 3A (từ trái qua: anh Triết, anh Huy, anh Luật) đang kiểm tra những cây lúa bị muỗi hành gây hại hoàn toàn, không thể ra bông. Ảnh: Trung Chánh.

Các nông dân ấp Kênh 3A (từ trái qua: anh Triết, anh Huy, anh Luật) đang kiểm tra những cây lúa bị muỗi hành gây hại hoàn toàn, không thể ra bông. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều ruộng lúa thất đến nỗi chủ máy cắt không muốn nhận thu hoạch. Anh Tạ Văn Chăm, một người chuyên chạy máy gặt đập liên hợp cho biết: “Những ruộng lúa thất quá, chúng tôi đã thống nhất với chủ ruộng là sẽ chạy thử 1 - 2 đường cắt, sau đó tính năng suất xem thu có đủ chi phí không, rồi mới làm tiếp, không thì đành bỏ”.

Không chỉ ruộng lúa của ông Luật, ông Triết mà nhiều ruộng lúa của người dân trong ấp Kênh 3A đều chung cảnh ngộ. Có người khi thấy ruộng lúa bị muỗi hành gây hại quá lớn, đành kêu người bán với giá khoảng 10 triệu đồng/ha để vớt vát lại ít vốn đầu tư. Người mua sau đó đầu tư thêm tiếp tục chăm sóc, hi vọng lúa sẽ sinh chồi hữu hiệu và cho năng suất tương đối.

Những người làm ruộng nhà còn đỡ, chứ những người đầu tư thuê đất làm thì lỗ rất nặng. Bản thân ông Nguyễn Đức Hậu, ngoài canh tác 1,5ha đất nhà, ông còn thuê của nhiều hộ khác thêm 4 lô đất nữa (12ha). Mỗi lô đất riêng tiền thuê vụ đông xuân là 40 triệu đồng, nếu làm tiếp vụ hè thu thì thêm 20 triệu đồng nữa. Chi phí đầu tự vụ này vào khoảng 17 - 20 triệu đồng/ha. Như vậy, cứ mỗi lô gồm cả tiền thuê và chi phí đầu tư sản xuất đã ngót nghét gần 100 triệu đồng.

Ông Hậu buồn rầu ngồi nhẩm tính: “Nếu giỏi lắm mỗi ha thu hoạch được khoảng 3 - 3,5 tấn lúa là nhiều, với giá hiện nay giống Đài Thơm 8 thương lái thu mua 5.700 đồng/kg, thì cũng chỉ được 17 - 20 triệu đồng/ha, mỗi lô 3ha được tầm 50 - 60 triệu đồng, lỗ đứt 40 - 50 triệu đồng/lô đất thuê. Những người đi thêu đất như chúng tôi cũng đang thương lượng, hi vọng chủ đất thương tình có thể bớt giảm cho chút ít”.

Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang, diện tích lúa đông xuân 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh bị muỗi hành gây hại vào thời kỳ 31/1 là 2.475ha, và cao điểm nhất là ngày 15/2 với diện tích 2.714 ha, trong đó, nhiễm nhẹ 764ha (tỷ lệ 5 - 10%), nhiễm trung bình 1.418 ha (tỷ lệ > 10 - 20%), nhiễm nặng 532ha (tỷ lệ >20%). Những ruộng bị muỗi hành gây hại nặng thường có đặc điểm mặt bằng ruộng không tốt, đất ngập nước sâu trong thời gian dài, không chủ động nước và nông dân bị động trong khâu chăm sóc.

Cả ấp Kênh 3A vụ này ruộng lúa đều bị dịch muỗi hành gây hại, nhiều ruộng lúa thất đến nỗi chủ máy cắt cắt không muốn nhận thu hoạch, mà sẽ chạy thử 1 - 2 đường cắt, sau đó tính năng suất xem có đủ chi phí không, rồi mới làm tiếp, không thì đành bỏ luôn. Ảnh: Trung Chánh.

Cả ấp Kênh 3A vụ này ruộng lúa đều bị dịch muỗi hành gây hại, nhiều ruộng lúa thất đến nỗi chủ máy cắt cắt không muốn nhận thu hoạch, mà sẽ chạy thử 1 - 2 đường cắt, sau đó tính năng suất xem có đủ chi phí không, rồi mới làm tiếp, không thì đành bỏ luôn. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, dịch muỗi hành xuất hiện và bùng phát gây hại trên trà lúa đông xuân 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh chủ yếu là diện tích gieo sạ muộn, từ ngày 25/12/2021 đến 5/1/2022. Muỗi hành xuất hiện gây hại nhiều trên các giống lúa thơm ST25, Đài Thơm 8, OM18, Jasmine 85, tập trung ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riêng, Châu Thành, Gò Quao và TP Rạch Giá.

Ngay sau khi dịch muỗi hành xuất hiện, Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang đã cử cán bộ xuống địa phương kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ ruộng lúa. Theo đó, nông dân không cần thiết sữ dụng thuốc BVTV để phòng trừ muỗi hành khi lúa đã vào giai đoạn làm đòng - trỗ và hầu hết muỗi đã vũ hóa (mọc cánh để bay) vì khả năng phát sinh và tiếp tục gây hại cho cây lúa giai đoạn sau là không lớn.

Nông dân cần tiếp tục chăm sóc những ruộng lúa bị muỗi hành gây hại như điều tiết nước hợp lý, không để mực nước trong ruộng quá cao trong thời gian dài. Đối với trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, cần tăng cường thêm lượng phân bón ở thời điểm bón phân đón đòng nhằm giúp cây lúa có đòng to khỏe, bù đắp các chồi lúa đã bị thiệt hại do muỗi hành gây ra.

Ngay khi dịch muỗi hành bùng phát, Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV) đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật về quản lý muỗi hành hại lúa tại ĐBSCL. Bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết, kết quả nghiên cứu của đơn vị cho thấy, khi phát hiện triệu chứng cọng hành thì việc phun thuốc phòng trừ sẽ không mang lại hiệu quả, tốn kém chi phí và làm giảm mật số thiên địch muỗi hành sẵn có trong tự nhiên. Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, khi bị muỗi hành, nông dân chỉ cần khai nước ra khỏi ruộng, bón phân, chăm sóc nhằm kích thích chồi lúa phát triển, ruộng lúa sẽ phục hồi.

Thời gian qua, trên các trang mạng điện tử, có một số công ty đã giới thiệu và khuyến cáo nông dân phun thuốc BVTV để phòng trừ muỗi hành. Điều này không mang lại hiệu quả mà còn gây lãng phí và tốn kém tiền của nông dân.

Xem thêm
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, khốn khó đủ đường

Nếu không triệt để việc ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi thì chúng ta đang tự đẩy mình đến với đại họa mới mang tên kháng kháng sinh.

Nghệ An tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An chủ động tham mưu, tổ chức ứng phó dịch bệnh quyết liệt nên tình hình cơ bản được kiểm soát ngay trong diện hẹp.

Quá trình cho ra đời giống cây có múi sạch bệnh

Kiểm soát chất lượng cây đầu dòng và giám định cây con thường xuyên là các bước để có được giống cây có múi khỏe mạnh, sạch bệnh.