Ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: Bằng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tuyên truyền, vận động và sự vào cuộc quyết liệt của các cán bộ, công chức, người lao động đến xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, từ đó công tác chống khai thác IUU trên địa bàn thị trấn đã có chuyển biến tích cực.
Theo ông Lâm, từ nhận thức làm tốt công tác quản lý tàu cá góp phần thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, việc theo dõi, quản lý tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU đều được địa phương chú trọng.
Hiểu rõ vai trò quan trọng của tác vận động, tuyên truyền, đầu năm 2023 đến nay, UBND thị trấn Sông Đốc đã tổ chức tuyên truyền trên trạm truyền thanh huyện và phát tại các loa di động tại khóm trên trên địa bàn; Phối hợp với Đồn Biên phòng Sông Đốc và Hải Đoàn 42 (Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 4) tổ chức phát sổ tay, hàng trăm tờ rơi và trao 210 lá cờ Tổ quốc, đồng thời tuyên truyền trực tiếp cho các phương tiện khai thác.
Về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, đến nay, thị trấn Sông Đốc có 720/720 tàu cá đã được lắp đặt, đạt 100% theo đúng quy định. Hiện tại, phương tiện trễ hạn đăng ký đăng kiểm là 61/61 phương tiện đã số hóa trên hệ thống phần mềm.
Ðối với công tác phối hợp với các tỉnh lân cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Hoạt động phối hợp đã được Cà Mau thực hiện từ đầu năm 2019 thông qua quy chế được ký kết với các tỉnh: Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Tỉnh đang phối hợp với tỉnh Kiên Giang hướng tới ban hành quy chế phối hợp về kiểm soát tàu cá hoạt động, cập cảng xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.
Thể hiện sự quyết tâm của địa phương, trong đó xử lý nghiêm minh nhằm tạo tính răn đe đối với những phương tiện hoạt động khai thác sai quy định, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử phạt 62 vụ vi phạm về khai thác thủy sản với số tiền gần 1.660 triệu đồng, vi phạm về khai thác IUU 35 vụ/1.294 triệu đồng và vi phạm về thiết bị giám sát hành trình 9 vụ/641 triệu đồng, với 100% vụ việc vi phạm được xử lý theo quy định.
Tất cả kết quả xử phạt vi phạm hành vi khai thác IUU được cập nhật vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, tỉnh đang điều tra xử lý một số trường hợp tàu cá che giấu, gửi thiết bị giám sát hành trình.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, với quyết tâm thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU, trong thời gian tới tỉnh Cà Mau tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cửa biển; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định. Đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo trạng thái hoạt động và được niêm phong với thân tàu trước khi cho tàu cá xuất bến đi hoạt động trên biển. Cùng với đó, tiến tới thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng có 4.280 tàu cá, trong đó có 1.555/1.555 tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 100% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định.