| Hotline: 0983.970.780

Cả tỉnh bảo vệ nguồn gen quý cây vải trứng 150 tuổi

Thứ Ba 12/12/2023 , 09:30 (GMT+7)

HƯNG YÊN Cây vải trứng Hưng Yên đang trở thành cây đặc sản giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Nguồn gen quý từ những vườn vải trứng đầu dòng đang được Hưng Yên tập trung bảo vệ.

Bảo tồn cây vải trứng di sản 150 tuổi

Tháng 7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ký quyết định công nhận cây vải trứng có tuổi đời trên 100 năm tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Vì (thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ) là cây vải tổ của giống vải trứng Hưng Yên. Điều này đồng nghĩa với việc cây vải trứng cổ thụ trở thành cây di sản. Tỉnh Hưng Yên giao bằng văn bản, “giấy trắng mực đen” cho Sở NN-PTNT, UBND huyện Phù Cừ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ ông Nguyễn Văn Vì áp dụng các biện pháp nhằm lưu giữ, bảo tồn cây vải tổ.

Cây vải trứng cổ thụ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ). Ảnh: Kiên Trung.

Cây vải trứng cổ thụ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ). Ảnh: Kiên Trung.

Ngay sau đó, Hưng Yên bố trí kinh phí từ ngân sách để xây dựng, tôn tạo khu vực riêng thoáng đãng, đẹp để tôn vinh cây vải tổ. Ngày trước, cây vải cổ thụ này đứng bên mé ao của gia đình ông Vì, tỉnh cho phép san lấp mảnh ao thành mặt bằng, rồi quây bồn, xây khuôn viên rộng cả trăm thước, đồng thời dựng bục tứ diện ốp đá nguyên khối, khắc nguyên văn quyết định công nhận cây di sản của Chủ tịch tỉnh Hưng Yên; khắc bài thơ của nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cảm tác về cây vải tổ quý… Bên trên bục đá là mô hình quả vải trứng khổng lồ được đặt trang trọng…

Ông Vì chiết cành để tạo cây giống từ cây đầu dòng. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Vì chiết cành để tạo cây giống từ cây đầu dòng. Ảnh: Kiên Trung.

Người nức lòng nhất có lẽ là ông Nguyễn Văn Vì, người được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc cây vải tổ từ đời ông cha để lại. Hàng trăm hộ dân thuộc các xã Phan Sào Nam, Minh Tiến, Quang Hưng, Trần Cao… (huyện Phù Cừ) là những người được hưởng lợi khi cây vải trứng quý giá được vinh danh, trở thành “cây thương hiệu” bên cạnh giống vải lai chín sớm ở đất Phù Cừ. Mỗi vụ, một cây vải tuổi đời vài ba chục năm cho thu hoạch 50 – 60 triệu đồng.

Từ xa xưa, cây vải trứng Hưng Yên đã được trồng nhưng hầu hết các hộ đều chặt bỏ bởi giống cây này ra quả cách năm, năm nay ra quả năm tiếp theo lại nghỉ. “Khi đó, chưa biết cách chăm sóc, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, và nói thật vì đặc điểm ra quả cách năm như vậy, năng suất lại không cao như những giống vải khác nên bà con chặt bỏ, trồng loại vải đại trà thay thế” – ông Vì chậm rãi châm điếu thuốc lào, giải thích.

Vườn vải trứng trên 30 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Vì, xã Phan Sào Nam. Ảnh: Kiên Trung.

Vườn vải trứng trên 30 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Vì, xã Phan Sào Nam. Ảnh: Kiên Trung.

“Quãng năm 1990, khi ấy đời sống còn khó khăn nhưng tiếc vườn vải xanh tốt, đang lên bời bời, trong lúc nhiều người chặt bỏ tôi vẫn cố giữ, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn. Ấy thế mà trời thương, giờ vườn vải của tôi là một trong những vườn vải trứng cổ thụ hiếm hoi không những cho thu nhập ổn định mà còn khai thác được cây vải giống đầu dòng”, ông Vì kể thêm.

Sự tình cờ ấy, bây giờ, gia đình ông Vì bỗng trở thành một trong những hộ hiếm hoi còn giữ được 38 cây vải trứng cổ thụ tuổi đời trên dưới 30 năm, là những cây thuần chủng, đầu dòng. Mỗi năm, một cây trưởng thành cho thu hoạch 3 tạ quả, giá bán gấp 5 lần so với vải thường. Trừ chi phí, mỗi năm ông để ra được 5 – 7 trăm triệu đồng, đảm bảo nguồn thu ổn định.

Những vườn vải cổ thụ luôn được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất để làm quà biếu. Ảnh: Kiên Trung.

Những vườn vải cổ thụ luôn được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất để làm quà biếu. Ảnh: Kiên Trung.

Khu vườn vải cổ thụ được vợ chồng ông chăm sóc rất cẩn thận, ra hàng ra lối, có đường đi, đào ao trữ nước để làm mát cây, đồng thời cũng lấy nước tưới. Sau mỗi vụ vải thu hoạch, ông cắt tỉa những cành cỗi để cây ra lộc mới. Những cành tranh nhau, núp tán, thiếu sáng… phải được cắt bỏ để cây tròn tán, đủ nắng. Không chỉ thu hoạch từ quả vải, ông còn chiết cành để bán giống, là những cây giống đầu dòng, thuẩn chủng.

Dẫn chúng tôi mục sở thị vườn vải quý của ông Nguyễn Văn Vì, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ, ông Bùi Quang Nam giải thích: “Hiện tại, vải trứng Hưng Yên trồng trên đất Phù Cừ không có hàng bán ra bên ngoài, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Khi cây vừa ra hoa đã có khách đến đặt tiền mua đứt cả cây để làm quà biếu. Người trồng vải trứng đang rất “nhẹ đầu” vì không phải tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Thu hoạch vải trứng ở vườn ông Mai Văn Diện (xóm 1, thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam). Ảnh: Kiên Trung.

Thu hoạch vải trứng ở vườn ông Mai Văn Diện (xóm 1, thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam). Ảnh: Kiên Trung.

Tại xã Phan Sào Nam, gia đình ông Mai Văn Diện (xóm 1, thôn Ba Đông) cũng có vườn vải trứng đầu dòng được nhiều người biết đến. Gia đình ông hiện có 70 gốc vải trứng cho thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng, giúp ông ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu. Nhà vườn của ông cũng là địa chỉ cung cấp cây giống vải trứng thuần chủng của Hưng Yên.

Giữ nguồn gen vải trứng đầu dòng

Ông Bùi Quang Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ thông tin: Vải trứng Hưng Yên hiện đang là giống vải có kích thước quả lớn nhất trong các giống vải. Một kg vải trứng chỉ khoảng hơn chục quả. Vải trứng ruột dày, có vị ngọt thanh, mát. Quả vải trứng to, tròn, vỏ dày, sần sùi, có độ nhám và có màu đỏ thẫm. Đặt quả trứng gà bên cạnh, có những quả vải còn nhỉnh hơn cả quả trứng gà.

Các cơ quan chuyên môn, các giáo sư đầu ngành đã về xác minh, thẩm định nguồn gene cây vải trứng và xác nhận, đây là giống vải quý chỉ có ở đất Hưng Yên, trong đó tập trung ở huyện Phù Cừ.

Quả vải trứng Hưng Yên đặt so sánh với quả trứng gà. Ảnh: Kiên Trung.

Quả vải trứng Hưng Yên đặt so sánh với quả trứng gà. Ảnh: Kiên Trung.

Vụ vải năm 2023 vừa qua, Hưng Yên đã mang sản phẩm vải lai chín sớm, vải trứng Hưng Yên lên giới thiệu tại khu “phố nhà giàu” Ecopark, được người mua đón nhận khiến nhiều nhà vườn không có vải để bán. 1kg vải khi đó có nhà vườn bán với giá trên 200 ngàn đồng/kg, cao gấp gần chục lần loại vải thông thường.

Với giá trị kinh tế cao mà cây vải trứng mang lại, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch vùng trồng vải trứng tại các xã phía Bắc của huyện Phù Cừ, “thủ phủ” là xã Phan Sào Nam, Minh Tiến, Quang Hưng, Đoàn Đào, Trần Cao… Tổng diện tích vải trứng trên toàn huyện đang đạt quy mô 250ha, cho sản lượng 250 tấn/năm. Các xã còn lại được trồng vải lai chín sớm với diện tích khoảng 800ha, sản lượng đạt 12.000 tấn/năm.

Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phù Cừ đang có hai giống vải mũi nhọn là vải trứng và vải lai. Diện tích, sản lượng vải của Hưng Yên so với vùng vải Bắc Giang chỉ chiếm một phần rất nhỏ, tuy nhiên lại cho thu hoạch sớm nên cạnh tranh hơn về giá, mang lại thu nhập lớn hơn cho người dân. Huyện đã xin chủ trương của tỉnh cho phép chuyển đổi 1.650ha đất trồng lúa kém hiệu quả, là những vùng ngập trũng sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây vải.

Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cùng người dân mang vải lai chín sớm, vái trứng Hưng Yên xuống tiếp thị tại 'phố nhà giàu Ecopark' hồi tháng 5/2023. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cùng người dân mang vải lai chín sớm, vái trứng Hưng Yên xuống tiếp thị tại "phố nhà giàu Ecopark" hồi tháng 5/2023. Ảnh: Kiên Trung.

Ngành chức năng của Hưng Yên trong những năm qua đã hoàn tất các thủ tục để vải trứng Hưng Yên được công nhận sản phẩm VietGAP, có chỉ dẫn địa lý, có nguồn gốc xuất xứ và được bảo hộ thương hiệu. Mẫu gene cây vải trứng đã được bảo quản tại Viện Di truyền Nông nghiệp.

Để bảo vệ nguồn gen cây đầu dòng, Phòng NN-PTNT huyện Phù Cừ hướng dẫn các nhà vườn chỉ được phép nhân giống từ các cây vải thuần chủng, không đưa cây không rõ nguồn gốc, xuất xứ về trồng tại vùng quy hoạch để ảnh hưởng tới nguồn gen.

“Chuyện gia nông nghiệp đã về tận vườn vải trứng của gia đình tôi để nghiên cứu, thẩm định nguồn gốc và khẳng định đây là giống vải quý hiếm có lịch sử nhiều trăm năm. Các cơ quan chuyên môn cũng đang khảo sát nguồn gốc xuất xứ, nếu bên Trung Quốc không có giống vải như vải trứng Hưng Yên thì đây là loài duy nhất chỉ Việt Nam mới có” – lão nông Nguyễn Văn Vì tự hào cho biết.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.