| Hotline: 0983.970.780

Người trồng nhiều nhãn nhất tỉnh Hưng Yên

Thứ Năm 13/07/2023 , 06:35 (GMT+7)

Có gần 8ha nhãn các loại, ông Đặng Văn Ứng ở Hiệp Cường, Kim Động (Hưng Yên) được coi là hộ trồng nhiều nhãn nhất tỉnh. Hiện ông vẫn tiếp tục thuê ruộng trồng nhãn.

Kiên trì thuê ruộng trồng nhãn

Ông Ứng kể trước khi trồng nhãn, ông có 3.600m2 (10 sào) ruộng khoán, gieo trồng đủ các loại ngô, lúa, mía, đỗ, lạc..., mỗi thứ trồng 1 - 2 sào để phòng mất mùa cây này có cây khác bù vào. Làm nhiều như vậy nhưng ông vẫn phải sống “giật gấu vá vai”. Nghĩ mãi không ra cách làm hiệu quả cao hơn, ông lại lao vào quăng quật trồng nhiều loại cây khác, hễ thấy ai mách loại cây nào năng suất cao, ông lại cố mua về trồng lấy được, để rồi nghèo vẫn hoàn nghèo.

Vườn nhãn sai quả nhất năm nay của ông Ứng. Ảnh. Hải Tiến.

Vườn nhãn sai quả nhất năm nay của ông Ứng. Ảnh. Hải Tiến.

Dần dà ông Ứng cũng ngộ ra, cách làm trên vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa thoát khỏi tư duy sản xuất tự túc tự cấp. Hưng Yên được tiếng là đất nhãn, xứ nhãn, tại sao không phát triển trồng nhãn? - ông Ứng nghĩ. Hơn nữa, gieo trồng nhiều loại cây khác nhau, phải mua nhiều vật tư sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) khác nhau, khó thâm canh hơn so với chuyên trồng 1 - 2 loại cây nào đó cho hiệu quả cao...

Năm 2003, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, xã Hiệp Cường vận động người dân hưởng ứng dồn thửa đổi ruộng nhằm giảm bớt canh tác manh mún, nhỏ lẻ. Không bỏ lỡ cơ hội, ông Ứng liền đổi hết các ruộng của nhà lấy 2 thửa canh tác liền kề, rồi xuống tiền mua 200 cây nhãn về trồng trên diện tích 7 sào, còn lại ông tạm gieo cấy lúa lấy thóc ăn khi vườn nhãn chưa cho thu nhập.

Kết quả từ sau năm thứ 3, ông Ứng đã thu được 5 - 6 tấn nhãn/năm. Giai đoạn 2006 - 2010, giá nhãn tương đương với vài năm gần đây (12.000 - 15.000 đồng/kg) nên ông Ứng luôn có được nguồn lợi cao từ trồng thâm canh nhãn.

Nhờ đó, ông đã không những chuyển đổi được toàn bộ diện tích lúa của nhà sang trồng thâm canh nhãn, mà còn thuê thêm nhiều ruộng để mở rộng diện tích cây trồng này. Đến nay, tổng diện tích vườn nhãn của ông Ứng đã đạt gần 8ha, trong đó 5ha đang cho khai thác kinh doanh, mỗi năm sản lượng đạt trên dưới 100 tấn quả, trừ hết các khoản vốn đầu tư, vẫn để dư ra được 200 - 300 triệu đồng.

Năm nay nhãn mất mùa chung, nhưng các diện tích nhãn của ông Ứng vẫn được coi là được mùa hơn nhiều hộ trồng nhãn trong tỉnh. Ảnh. Hải Tiến.

Năm nay nhãn mất mùa chung, nhưng các diện tích nhãn của ông Ứng vẫn được coi là được mùa hơn nhiều hộ trồng nhãn trong tỉnh. Ảnh. Hải Tiến.

Dự kiến khi toàn bộ diện tích nhãn ra trái, sản lượng nhãn mỗi năm của ông Ứng sẽ đạt 150 - 170 tấn quả, ước lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/năm. Không thoả mãn với thành quả thu được, ông Ứng tiếp tục hỏi thuê các ruộng ở địa phương, mở rộng trồng nhiều nhãn hơn nữa.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ông Ứng đã xuất vườn được ngót 3 tấn nhãn các loại, bao gồm 1 tấn nhãn trái vụ (thu hoạch quả tháng 3 âm lịch), giá bán 40.000 đồng/kg; gần 2 tấn nhãn chín cực sớm (mới hái quả cuối tháng 5), giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg.

Hiện tại, ông Ứng đang có gần 3 tấn nhãn thu hoạch đầu tháng 6 âm lịch, có thương lái đến mua không phân loại, giá 28.000 đồng/kg nhưng ông chưa nhận lời vì nhãn bán ngày tuần tiết (mồng 1 hoặc 15 hàng tháng) rất dễ bán và được giá.

Ước tính mùa thu quả chính vụ, ông Ứng vẫn còn trên 30 tấn nhãn đặc sản. So với năm trước, năm nay ông Ứng cũng bị thất thu do đây là năm nhãn mất mùa chung trong toàn tỉnh do thời điểm cây nhãn ra hoa, đậu quả gặp mưa phùn kéo dài, trong nước mưa có a xít nên bị thiệt hại nặng ngay khi nhãn đang hoa và trái non.  

Bí quyết trồng nhãn nhanh thu hồi vốn, lợi nhuận cao nhất

Để cây nhãn nhanh thu hồi vốn đầu tư, ông Ứng bao giờ cũng chọn mua cây giống giâm trồng được 5 tuổi trở lên và trồng với mật độ 30 cây/sào 360m2 (mật độ dày gấp 2 - 2,5 lần so với các hộ khác). Do vậy chỉ sau 3 năm xuống giống, ông đã được khai thác, đạt năng suất trung bình 5 tạ quả/sào (14 tấn quả/ha), từ năm thứ 8 - 15 (sau trồng) đạt 25 - 28 tấn quả/ha. Sau đó, ông mới tiến hành cách 1 cây hoặc 1 hàng chặt loại bỏ 1 cây hoặc 1 hàng, đảm bảo mật độ trồng 12 - 15 cây/sào (325 - 405 cây/ha).

Nhãn chín sớm vẫn cho cùi rất dầy, ngọt thơm. Ảnh. Hải Tiến.

Nhãn chín sớm vẫn cho cùi rất dầy, ngọt thơm. Ảnh. Hải Tiến.

Để nhãn không mất mùa (trừ nguyên nhân bất khả kháng do thời tiết), ông Ứng chia sẻ kinh nghiệm:

- Với trà nhãn chính vụ, từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 âm lịch phải tiến hành khoanh thân, cành hoặc dùng hoá chất kaliclorat (KClO3) tưới gốc. Với trà nhãn lấy quả cực sớm, chỉ xử lý ra hoa bằng KClO3 từ 10/8 - 10/9 âm lịch; trà nhãn trái vụ cũng xử lý KClO3 từ 10/7 - 10/8 âm lịch. Trước xử lý cho nhãn ra hoa 1 - 2 tháng, phải dừng tưới nước và bón phân các loại.

- Bón phân/sào với lượng 30kg NPK 13-13-13+TE, chia bón 2 lần cách nhau 20 - 25 ngày, mỗi lần bón 50% số lượng phân, kể từ khi quả nhãn lớn bằng hạt ngô. Phun bón lá cao cấp + thuốc Azotop trừ nấm bệnh ngay sau bón phân NPK lần 1 khoảng 2 ngày. Sau thu hoạch, bón 200kg phân hữu cơ vi sinh + 20kg NPK 13-13-13+TE, kết hợp cắt bỏ cành gầm, cành khô, cách sâu bệnh, cành giao tán và các đầu cành mới thu hoạch quả.

- Phòng trừ sâu bệnh: Phun 3 lần thuốc trừ sâu SecSaiGon 25C + thuốc sinh học đặc hiệu diệt côn trùng: Lần 1 khi cây nhãn xuất hiện ngồng hoa; lần 2 và 3 phun kép cách nhau 3 - 4 ngày khi cây phát lộ quả non. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao gói. Có thể thay thuốc và phân bón nêu trên bằng các loại có tác dụng tương đương, nhưng phải nằm trong danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn.

Để trồng nhãn luôn đạt lợi nhuận cao nhất, ông Ứng chỉ trồng các giống nhãn đầu dòng đặc sản, như Đường phèn, T6, Siêu ngọt, Hương Chi và gắn sản xuất với chế biến quả thành sản phẩm long nhãn.

Xoáy tách cùi quả cho sấy long nhãn tại hộ ông Ứng. Ảnh. Hải Tiến.

Xoáy tách cùi quả cho sấy long nhãn tại hộ ông Ứng. Ảnh. Hải Tiến.

Ông Ứng phân tích, vườn nhãn dù thâm canh tốt đến mấy cũng vẫn mất một sản lượng quả nhất định không đạt loại 1 (giá bán cao nhất). Số nhãn quả này thường gọi là nhãn loại, giá chỉ bằng 30 - 50% nhãn loại 1. Nhưng các quả nhãn loại này đưa vào chế biến thành long nhãn và quy đổi thì giá trị tối thiểu cũng ngang bằng nhãn loại 1 (bán tươi làm quà). Đây chính là một trong các bí quyết cốt yếu giúp vườn nhãn của ông Ứng luôn thu được giá trị, lợi nhuận cao nhất.

“Tự đầu tư được cơ sở chế biến nhãn sẽ không lo bị thương lái ép giá, không sợ gặp thời tiết mưa kéo dài trong mùa thu hoạch gây rụng trái, nứt quả, mất mùa. Nếu khó bán quả tươi, sẵn sàng đưa ngay vào lò chế biến”, ông Ứng nói.

Ông Ứng còn cho biết, để có được các bí quyết thâm canh nhãn kể trên, ông luôn giữ được mối liên hệ với Viện Nghiên cứu Rau quả. Qua đó cập nhật được các tiến bộ kỹ thuật mới cho sản xuất. Cũng nhờ mối liên hệ này, ông Ứng mới được Viện tặng 2.000 mắt nhãn giống “hot” nhất thị trường hiện nay, đang được rất nhiều nhà vườn săn lùng. Đồng thời ông còn được Viện tin tưởng giao trồng thử nghiệm 0,7ha một số dòng nhãn chín siêu sớm, triển vọng cao.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.